Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng: “Chìa khóa” nhân lên sự đoàn kết, tiến bộ, phát triển

23/04/2023 | 13:29 GMT+7

Bài 4: “Quả ngọt” của sự phát triển

Sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh chính là nền tảng rất quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra. Nhờ vậy mà sau nửa nhiệm kỳ, Hậu Giang gặt hái được những thành tựu đáng tự hào; tỉnh trẻ đang “lớn nhanh, lớn mạnh”, trở thành điểm sáng của khu vực và cả nước.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đoạn đi qua địa bàn tỉnh đang được triển khai thi công.

Những “lần đầu tiên”

“Tự hào” là lời chia sẻ của ông Nguyễn Thành Nhơn, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khi nói về kết quả phát triển mà tỉnh đạt được.

Theo ông Nhơn, trước đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang thường nằm vị trí khá khiêm tốn trong khu vực ĐBSCL, nhưng năm 2022 đã vươn lên dẫn đầu khu vực, đặc biệt là quý I năm 2023 đạt tốc độ tăng trưởng dẫn đầu cả nước, kết quả chưa từng có.

Thật vậy, từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đến nay, Hậu Giang đạt được sự phát triển rất đáng tự hào. Năm 2021, dù ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng tỉnh có nhiều điểm sáng: kinh tế tăng trưởng dương 3,08%, cao hơn tăng trưởng cả nước 0,5%; kinh tế khu vực I (nông - lâm - thủy sản) tăng 4,04%, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay; lần đầu tiên thu ngân sách trên địa bàn vượt qua 4.000 tỉ đồng, đạt mức 4.900 tỉ đồng.

Đến năm 2022, tỉnh hoàn thành toàn diện 18/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh (có 13/18 chỉ tiêu vượt kế hoạch). Trong đó, nổi bật là tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất từ trước đến nay (đạt 13,94%), đứng thứ tư cả nước về tỷ lệ tăng trưởng (tăng trên 30 bậc so với năm 2021); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp đạt gần 30%; giải ngân vốn đầu tư công, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đều vượt chỉ tiêu kế hoạch; thu ngân sách trên địa bàn vượt 31% dự toán Trung ương giao; GRDP bình quân đầu người đạt 65,89 triệu đồng, tăng 19,45% so với năm trước. Trong năm, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình an sinh xã hội, vận động được hơn 330 tỉ đồng chăm lo gia đình khó khăn, hỗ trợ thoát nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Cũng trong năm này, với chủ đề “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, tỉnh tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư, thu hút hơn 600 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham dự. Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án, với tổng số vốn 19.000 tỉ đồng; ký kết ghi nhớ, hợp tác đầu tư và chủ trương đầu tư cho 10 nhà đầu tư, với tổng số vốn hơn 204.000 tỉ đồng.

Năm 2022 còn có dấu ấn đáng nhớ là Chỉ số PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) lần đầu tiên tăng 26 bậc lên hạng thứ 12 trong bảng xếp hạng. Điều này minh chứng cho kết quả nỗ lực thực hiện các chỉ số cạnh tranh để góp phần đưa tỉnh phát triển, thu hút nhà đầu tư, tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Tiếp đà phát triển ấn tượng của năm 2022, kinh tế của Hậu Giang đạt mức tăng trưởng 12,67% trong quý I/2023, lần đầu tiên vươn lên dẫn đầu cả nước.

Chỉ trong mấy năm ngắn ngủi, tỉnh trẻ Hậu Giang đã có những “lần đầu tiên” rất đáng tự hào: lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng kinh tế dẫn đầu vùng ĐBSCL (năm 2022), lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước (quý I/2023), lần đầu tiên Chỉ số PCI tăng 26 bậc lên hạng thứ 12 trong bảng xếp hạng…

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng có được kết quả đó là nhờ công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát định hướng của Trung ương, của Tỉnh ủy; sự đồng hành, tạo điều kiện của HĐND tỉnh; sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo của UBND tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể trong triển khai, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các nhiệm vụ cần tập trung ưu tiên, tạo sự thông suốt, thống nhất, quyết tâm cao từ cấp tỉnh đến cơ sở.

Đó cũng là thành quả của sự nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính. Việc rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư - kinh doanh xuống dưới 50% so với quy định; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư đã giúp các dự án có quy mô lớn sớm đi vào hoạt động. 

Hướng tới tương lai tươi sáng      

Thành tựu phát triển ấn tượng từ đầu nhiệm kỳ đến nay tạo thêm niềm tin, động lực cho tỉnh trong chặng đường phía trước.

Đáng mừng hơn là tỉnh đang hội tụ được các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Cụ thể, Nghị quyết 13 ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã xác định ĐBSCL là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Trên quan điểm đó, Bộ Chính trị cũng đã nhất trí chủ trương tập trung nguồn lực đầu tư cho vùng này nhiều hơn; đồng thời cũng cho phép thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù trong phát triển vùng, đây chính là yếu tố “thiên thời” cho vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng.

Tỉnh Hậu Giang nằm ở vị trí trung tâm tiểu vùng Tây sông Hậu có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, đô thị, logistics và cả năng lượng tái tạo và như thế Hậu Giang đã có yếu tố “địa lợi”. Song song đó, hệ thống chính trị, chính quyền và người dân địa phương trên dưới đồng lòng chung tay xây dựng vì một Hậu Giang năng động, phát triển, đó là yếu tố “nhân hòa”. Với tiềm năng hội tụ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Hậu Giang sẽ là điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư.

Nói vậy không có nghĩa là tỉnh không đối mặt với khó khăn, thách thức, hạn chế. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành nhiều lần nhắc nhở “không được tự mãn, ngủ quên trên chiến thắng”, bởi lẽ kinh tế của tỉnh mặc dù tăng trưởng ấn tượng nhưng vẫn còn nhiều yếu tố chưa bền vững. Đó là tiến độ và hiệu quả triển khai một số nghị quyết về phát triển kinh tế còn khiêm tốn như: Nghị quyết phát triển 4 trụ cột; Nghị quyết phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã; Nghị quyết về thu hút đầu tư. Mặt khác, tình hình giá cả nông sản bấp bênh; thiên tai, dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; tình hình tội phạm về trật tự xã hội, tai nạn giao thông diễn biến phức tạp… đã đặt ra nhiều thách thức đối với sự phát triển của tỉnh.

Để khai thác, tận dụng tốt các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã được chỉ ra, đồng thời khắc phục, giải quyết những khó khăn, hạn chế còn tồn tại là “bài toán” không dễ đối với Đảng bộ tỉnh, đòi hỏi tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng” phải được thể hiện mạnh mẽ hơn nữa.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành cho rằng để tạo động lực phát triển mới, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt, triển khai đồng bộ, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng theo phương châm: “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất”. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra công tác thực hiện các nghị quyết, chương trình, đề án của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đủ năng lực, phẩm chất, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025, trọng tâm là phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch; hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế tập thể và kinh tế hợp tác xã. Tập trung giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, sớm hiện thực hóa tối đa các dự án cam kết đầu tư. Tập trung nguồn lực (vốn, nhân lực, cơ chế) cho đầu tư phát triển, nhất là hạ tầng khu công nghiệp, đất sạch, hạ tầng giao thông. Tập trung giải ngân vốn đầu tư công. Xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh chuyển đổi số trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cơ quan thực thi công vụ. Tập trung nguồn lực tài chính phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, tạo động lực gia tăng nhanh tỷ trọng và cơ cấu kinh tế công nghiệp, dịch vụ cùng với hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số. Các cấp ủy, chính quyền thường xuyên, chủ động làm việc, đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với mục tiêu hiện thực hóa tối đa các dự án đầu tư đã ký kết tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2022 và với các nhà đầu tư mới…

Trên nền tảng hiện có và với những giải pháp căn cơ, khả thi đang được triển khai thực hiện đã hun đúc nên niềm tin về một Hậu Giang sẽ tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới, đưa vùng đất, con người Hậu Giang với những con sông nặng tình phù sa, những cánh đồng bát ngát bao la và những con người hiền hậu, vị tha, đã đẹp lại càng đẹp hơn, đã tốt lại càng tốt hơn, đã ấn tượng lại càng ấn tượng hơn trong lòng Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Song song với phát triển kinh tế, công tác xây dựng Đảng cũng được tỉnh thực hiện ngày càng đi vào chiều sâu. Nổi bật là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên được quan tâm, bám sát và phục vụ tích cực các nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ tỉnh. Chú trọng nâng cao tính sáng tạo, đổi mới trong việc tổ chức sơ, tổng kết và quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy kịp thời, chất lượng ngày càng nâng lên. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên, tập thể lãnh đạo, cá nhân, cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực theo hướng thực chất. Các cấp ủy đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện khá toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định, kịp thời xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm đảm bảo đúng nguyên tắc, thủ tục, quy trình. Công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được quan tâm chỉ đạo, phát huy hiệu quả. Công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp có chuyển biến tích cực.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Bài 5: Dân tin, dân yêu, dân sẽ đồng lòng, ủng hộ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>