Điệp viên Vương Văn Thanh trung kiên, bất khuất

18/04/2022 | 09:18 GMT+7

20 tuổi (năm 1965), chàng thanh niên Vương Văn Thanh (Bảy Thanh), ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Lựu (lớn), nay là xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, thoát ly gia đình tham gia công tác thành (nội thành) ở thành phố Cần Thơ cũ, lập nhiều chiến công, giúp cách mạng có nhiều tin tức quan trọng để tổ chức tiêu diệt địch, góp phần cho quê hương sớm sạch bóng quân thù.

Ông Vương Văn Thanh bên các danh hiệu cao quý được Nhà nước phong tặng.

Suốt 10 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Bảy Thanh chỉ hoạt động trong “tối” nên đa số gọi ông là tình báo. Dáng người mảnh khảnh, nói ít, làm người viết nhớ đến nhà tình báo chiến lược tài ba Phạm Xuân Ẩn.

Tình báo đánh tình báo

Tham gia công tác thành ở Thành ủy Cần Thơ cũ, Thanh được đào tạo bài bản, giao nhiệm vụ tổ chức hoạt động phong trào thanh niên, học sinh; bí mật rải truyền đơn, dán cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam khắp nơi, tuyên truyền về phong trào cách mạng để Nhân dân cùng chung sức đánh Mỹ… và nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành tốt. Ông Bảy Thanh kể, tổ mình hoạt động có tên gọi “Tổ 3-3”, tức 3 người hoạt động trong 1 tổ biết mặt nhau và được giao nhiệm vụ 1 người phải phát triển thêm 3 người khác nhằm hoạt động mạnh hơn, cứ như thế nhân lên và hoàn toàn bí mật.

Hỏi từ đâu có nguồn tài liệu mật để hoạt động thường xuyên, Bảy Thanh “bật mí” rằng có hệ thống giao liên từ trong vùng giải phóng đưa ra, cả súng đạn cung cấp cho mình để chiến đấu.

Sau hơn 2 năm luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tháng 10-1967, Vương Văn Thanh được Thành ủy Cần Thơ giao nhiệm vụ quan trọng là đánh mìn nhóm tình báo CIA của Mỹ đang ở Cần Thơ (tình báo Tây Nam bộ).

Thật là nhiệm vụ rất quan trọng và khó khăn, nhưng ông Bảy kể được cái là chỗ trường học nơi mình học, hoạt động sát vách tường nhà nơi bọn tình báo đang đồn trú. Do được đào tạo kỹ nên ông Bảy dễ dàng mang quả mìn nổ chậm 25kg lên tầng lầu cao nhất nơi địch ở để gài. “4 giờ sáng tôi gài xong, hẹn 1 tiếng sau nổ; khi vừa đặt trái xong, tuột xuống đất là có người chở đi liền để tránh khi mìn nổ, bọn địch sẽ lùng sục gắt gao”, ông kể.

5 giờ sáng, tiếng nổ long trời từ trên lầu dẫn đến sụp toàn bộ căn nhà lầu, tiêu diệt 3 tên Mỹ, 2 tên ngụy và 1 bà nấu ăn. Đây là chiến công rất lừng lẫy mà theo Bảy Thanh không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài đều biết. Vậy là anh thanh niên hàng ngày với áo quần thư sinh càng được tin tưởng.

Mùa xuân Mậu Thân năm 1968, Thanh được giao dẫn đường cho bộ đội đánh chiếm Phòng Thông tin, Đài Phát thanh - Truyền hình của địch. Nhiệm vụ hoàn thành khi bộ đội chiếm được 2 cơ sở này nhưng đứt liên lạc, không làm chủ được lâu. Hôm sau, địch phản công, vây bắn trả khốc liệt làm ta thiệt hại nặng.

Khi ấy, Bảy Thanh thoát được ra ngoài, thực hiện “nối” liên lạc với tổ chức, nhưng đi chừng 1 cây số thì địch phát hiện.

Bị tra tấn dã man và khí tiết của Bảy Thanh

Những đòn roi địch dùng cho ông thật vô cùng đau đớn, kể chậm từng lời mà khóe mắt ông rưng rưng.

Ông Bảy kể, thoát ra ngoài rồi, với bộ đồ thư sinh, không mang theo thứ gì nên khá tự tin, tuy nhiên, địch “thà bắt lầm còn hơn bỏ sót” nên ông phải lên xe “xúc chó” về đồn.

Câu duy nhất khai với địch từ khi bị bắt đến suốt quá trình tra tấn 3 tháng trời của ông là: “Tết nhứt tui đi chơi, thăm bạn bè và người yêu; đi chơi dọc đường gặp hai bên đánh nhau nên tôi mới chạy trốn, kiếm đường về nhà thì mấy ông bắt tui”.

“Cuộc sống” trong khám của ông thật khổ nhục, đó là cơm vắt, cá thịt ôi thiu, duy nhất 1 bộ đồ dính da, ngủ trơ trọi ở nền xi măng dơ lạnh… Tàn ác hơn nữa là chúng dùng nhiều cực hình tra tấn ông, thường vào buổi sáng để hòng moi thông tin. “Nó đánh tàn thây lắm”, ông Bảy nói.

Chúng tra khảo: Mầy phải khai cơ sở mầy ở đâu, ai chủ trì, khai thì tao thả mầy ra… Và ông chỉ duy nhất 1 câu trả lời từ đầu đến cuối. Thế là dùi cui liên tục vụt vào người ông, mỗi lần cả trăm cái, thâm tím toàn thân. Bữa khác là treo ông lên rồi 3-4 tên xúm nhau đấm đá không thương xót.

Không khai thác được gì, chúng lại châm điện, trấn nước, hoặc đè ông ra đổ nước vào họng cho đến khi bất tỉnh… Ông chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần nhưng 1 từ không hé răng. “Trong lúc chết giấc, lúc vừa tỉnh tỉnh, tôi lại nghe chúng hỏi tổ chức mầy ở đâu, mầy làm gì, quan hệ với ai… vậy là tôi giả vờ lịm đi chứ không tỉnh sớm cho chúng tra hỏi nữa”, Bảy Thanh nhớ lại.

Dĩ nhiên với một cộng sản trung kiên, việc chết cũng không khai nửa lời là điều chắc chắn, nhưng để rõ hơn, người viết hỏi “Sao ông không khai?” thì nhận được thêm câu trả lời cho thấy Việt Nam thắng Mỹ nhờ nhiều về lực lượng tình báo.

Ông Bảy kể: “Điều tra viên tra hỏi tôi, chửi nặng tôi như thế này: “Đ.M mầy, mầy khai tầm bậy, tao giết mầy luôn; có sao nói vậy”. Điều đó làm tôi nhớ lại bài học đã được dạy - người của mình”.

Chúng khép ông thuộc diện tình nghi nằm trong phong trào học sinh, sinh viên hoạt động cộng sản nội thành. Ba tháng cực hình chúng không khai thác được gì nên đưa ông đi trại cải huấn để giáo dục và cho tập luyện chiến đấu ở An Giang. “Ra trường”, ông Bảy xin về Cần Thơ làm hậu cần bên địch. “Làm hậu cần là được đi chợ nên không lâu sau tôi bắt liên lạc được với tổ chức, trốn về tiếp tục nhiệm vụ ở Thành ủy Cần Thơ”, Bảy Thanh nói.

Có lẽ đã chịu nhiều đau đớn nên ông Bảy được phân công nhiệm vụ khác nhưng cũng vô cùng bí mật. Đó là làm mộc giả, giấy tờ giả để đưa cán bộ đi hoạt động bên ngoài, như mộc Tổng nha Cảnh sát, mộc tỉnh, huyện của chế độ ngụy…

Làm đến năm 1971, ông đi học; năm 1972, ông được đưa ra ngoài làm công nhân “vác khuân thuê mướn” để nắm tình hình địch, tình hình xã hội báo cho tổ chức… Ông Bảy kể, những lần giao liên và ông trao đổi thông tin rất nhanh, đảm bảo đúng nguyên tắc, như mấy giờ, ngày mấy, tháng mấy, ở đâu, có ai mặc đồ gì, nón gì, đi dép gì đến nhận thư mật, khi chúng tôi trao đổi thư xong là đi ngay, không nói thêm bất cứ câu nào… Ông làm nhiệm vụ này cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Hòa bình, ông về nơi chôn nhau cắt rốn tiếp tục phục vụ cách mạng. Nếu trong kháng chiến ông cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thì thời bình, ông tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ đại đoàn kết toàn dân tộc với chức vụ Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vị Thanh 2 nhiệm kỳ rồi về hưu. Ông Vương Văn Thanh được Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý và có lẽ danh hiệu dũng cảm, kiên cường, trung thành tuyệt đối với Tổ quốc là cao quý nhất...

Bài, ảnh: TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>