Cán bộ tự nguyện tinh giản biên chế được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ tài chính của tỉnh

08/05/2023 | 09:08 GMT+7

(HG) - Tỉnh ủy vừa ban hành Đề án thí điểm đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ.

Việc ban hành thực hiện đề án này hướng tới mục tiêu tạo sự chuyển biến vượt bậc trong việc nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả công tác của cán bộ và cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm quy định về bộ tiêu chí đánh giá, chấm điểm, xếp loại đối với cán bộ, đưa công tác đánh giá xếp loại chất lượng cán bộ đi vào thực chất, làm cơ sở để thực hiện liên thông, đồng bộ với các khâu khác trong công tác cán bộ.

Đồng thời, thực hiện tinh giản biên chế có chỉ tiêu cứng (ngoài chỉ tiêu biên chế Trung ương giao giai đoạn 2022-2026) để tuyển dụng thay thế bằng cán bộ trẻ có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh Hậu Giang; nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Đối tượng áp dụng tinh giản biên chế là cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ), gồm: Cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, cấp huyện; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện. Các trường hợp cán bộ nghỉ hưu theo quy định trong giai đoạn 2023-2025 không thuộc đối tượng áp dụng tinh giản biên chế theo đề án này.

Phạm vi áp dụng của Đề án là các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp huyện (gọi chung là cơ quan, đơn vị); thực hiện thí điểm vào năm 2023 sau đó rút kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2024-2025 và các năm tiếp theo.

Các cán bộ thuộc diện xem xét tinh giản biên chế của tỉnh được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ tài chính của tỉnh bao gồm cán bộ tự nguyện tinh giản biên chế và những trường hợp thuộc diện được cấp có thẩm quyền xem xét tinh giản biên chế bao gồm cán bộ có 1 năm trước liền kề thời điểm xem xét, được cấp có thẩm quyền đánh giá, xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ; cán bộ có 2 năm trong 5 năm gần nhất tính đến thời điểm xem xét được đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ; cán bộ có 2 năm trong 5 năm gần nhất tính đến thời điểm xem xét được đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ ở mức thấp hơn cán bộ khác cùng cơ quan, đơn vị nằm trong chỉ tiêu tinh giản biên chế được giao.

Những trường hợp này, cơ quan, đơn vị vận động cán bộ tự nguyện có đơn đề nghị tinh giản biên chế. Cán bộ thuộc diện được cấp có thẩm quyền xem xét tinh giản biên chế nhưng không tự nguyện tinh giản biên chế, nếu trong trường hợp năm liền kề tiếp theo, cán bộ đó vào diện phải tinh giản biên chế theo quy định chung của Nhà nước thì không được hưởng chính sách hỗ trợ tài chính tinh giản biên chế của tỉnh.

Các trường hợp chưa xem xét tinh giản biên chế gồm cán bộ đang trong thời gian ốm đau có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền (trừ trường hợp cá nhân tự nguyện); cán bộ nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi (trừ trường hợp cá nhân tự nguyện); cán bộ đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2023-2026, chỉ tiêu tinh giản biên chế tối thiểu 5% đối với cán bộ, công chức và tối thiểu 5% đối với viên chức (ngoài chỉ tiêu biên chế Trung ương giao giảm giai đoạn 2022-2026) để tuyển dụng cán bộ trẻ có trình độ, năng lực thay thế. Trong đó, giai đoạn 2023-2024, tinh giản và tuyển dụng thay thế tối thiểu 2% đối với cán bộ, công chức và tối thiểu 2% đối với viên chức; giai đoạn 2024-2026, tinh giản và tuyển dụng thay thế tối thiểu 3% đối với cán bộ, công chức và tối thiểu 3% đối với viên chức.

Giai đoạn tiếp theo, căn cứ trên cơ sở nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2026-2030, các năm tiếp theo và thực tiễn yêu cầu, chất lượng đội ngũ cán bộ sẽ có quy định cụ thể sau.

T.SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>