Bế mạc Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

18/04/2018 | 10:31 GMT+7

Chiều 17-4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp thứ 23. Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, sau 6 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình phiên họp thứ 23 để cho ý kiến việc chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và thông qua 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Thường trực các Ủy ban: Pháp luật; Tư pháp; Kinh tế; Tài chính, Ngân sách; Quốc phòng và An ninh; Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với các cơ quan của Chính phủ và cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẩn trương hoàn chỉnh các dự án luật, các báo cáo giám sát, dự kiến các chương trình năm 2019 để gửi đến đại biểu Quốc hội trước kỳ họp đúng thời gian quy định.

Chủ tịch Quốc hội cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định chưa trình dự án Luật Quản lý phát triển đô thị tại kỳ họp thứ 5 để tiếp tục chuẩn bị; đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu, hoàn thiện dự kiến chương trình kỳ họp gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, đồng thời, gửi thông báo kết luận phiên họp đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan để kịp thời có căn cứ hoàn thiện các nội dung kỳ họp.

Bế mạc Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Đối với 2 dự án Luật mà Chính phủ chưa chuẩn bị kịp để trình tại phiên họp này (gồm Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch), đề nghị các Ủy ban có liên quan phối hợp chặt chẽ với Chính phủ khẩn trương chuẩn bị để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 5 tới.

Phiên họp thứ 24 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (dự kiến họp từ ngày 14 đến ngày 16- 5) sẽ là phiên họp cuối để cho ý kiến các nội dung còn lại của kỳ họp thứ 5. Phiên họp này tập trung cho ý kiến các vấn đề về: Kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; ý kiến, kiến nghị cử tri; một số dự án luật, nghị quyết và một số vấn đề quan trọng khác.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tích cực chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan khẩn trương thực hiện tốt nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của mình, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả của kỳ họp.

* Trước khi bế mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Xây dựng, Nhà ở, Quy hoạch đô thị, Kinh doanh bất động sản.

Tờ trình về dự án Luật do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu rõ: Luật Xây dựng năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 là các đạo luật quan trọng, điều chỉnh các hoạt động đầu tư xây dựng; quy hoạch xây dựng; nhà ở; kinh doanh bất động sản…, góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các thủ tục và dịch vụ công, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện 4 Luật trên, cũng đã bộc lộ một số bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn về một số nội dung, như cấp giấy phép xây dựng; nội dung, trình tự thẩm định dự án; quản lý an toàn công trình xây dựng; lựa chọn chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở; điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, nhà ở, bất động sản… Mặt khác, một số quy định tại 4 Luật này cũng đã bộc lộ sự chưa thống nhất, chưa đồng bộ với một số Luật như: Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường…

Cho ý kiến về dự án luật, nhấn mạnh nguyên tắc bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng phải hết sức hạn chế phương thức dùng một luật để sửa nhiều luật; chỉ áp dụng phương thức này trong điều kiện thực sự cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, một số cơ chế, chính sách lớn, đặc biệt về nhà ở, kinh doanh bất động sản, nếu chưa đánh giá tác động kỹ đã đưa ra trình, thông qua tại một kỳ họp sẽ có tác động tới thị trường, tâm lý người dân. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Xây dựng chỉnh sửa toàn diện 4 luật, gồm Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, đưa ra xem xét trong thời gian tới.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì khẳng định việc sửa đổi 4 Luật này nhằm phù hợp với Luật Quy hoạch (sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2019), đồng thời để sửa đổi những bất cập, vướng mắc, hạn chế cản trở môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nhà ở, xây dựng, kinh doanh bất động sản, đáp ứng tinh thần đổi mới cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và bảo đảm quyền lợi của người dân.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thừa nhận thực tế hiện nay đặt ra nhiều vấn đề, như việc thanh toán phí bảo trì chung cư, xây dựng chung cư cũ, phòng, chống cháy nổ, quản lý kinh doanh bất động sản đối với căn hộ, khách sạn, nhất là “cơn sốt” căn hộ condotel hay căn hộ văn phòng cho thuê homestay nổi lên ở một số thành phố lớn trong thời gian vừa qua.... Trong khi đó, luật pháp hiện hành một phần chưa có quy định để phù hợp thực tiễn mới, một phần tuy có rồi nhưng không còn hợp lý nữa, do đó, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng việc sửa đổi luật là điều cần thiết.

Kết luận, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, phạm vi điều chỉnh của các luật phải thống nhất với mục tiêu ban đầu là sửa 28 luật để bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch. Cho nên, lần này chúng ta chỉ sửa 11 điều của Luật Xây dựng và 8 điều của Luật Đô thị để phù hợp với Luật Quy hoạch theo đúng mục tiêu của dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Các điều khác của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản liên quan đến nhiều quan điểm, cơ chế, chính sách mới cần được tổng kết, đánh giá và được xem xét kỹ lưỡng, toàn diện tại 2 kỳ họp, nếu tốt có thể cho xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp sau.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu, hoàn chỉnh về tờ trình, dự án luật, đưa ra tờ trình chung sửa 13 luật, gồm Luật Đầu tư, 10 luật của Bộ Kế hoạch Đầu tư, 2 luật của Bộ Xây dựng, bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch.

Theo NGUYỄN THẢO/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>