10 sự kiện nổi bật của tỉnh Hậu Giang năm 2020

12/02/2021 | 16:30 GMT+7

1-Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 thành công tốt đẹp

Năm 2020, sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trên phạm vi cả nước là đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025.

Tại Hậu Giang, từ ngày 24-2 đến ngày 18-6-2020, tổ chức xong đại hội 504/504 đảng bộ, chi bộ cơ sở, nhiệm kỳ 2020-2025; từ ngày 6-6 đến ngày 3-7-2020, tổ chức xong đại hội 11/11 đảng bộ cấp huyện và tương đương, nhiệm kỳ 2020-2025.

Kết quả của đại hội cấp cơ sở và cấp trên cơ sở là tiền đề quan trọng để tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra từ ngày 12 đến ngày 14-10 trong niềm phấn khởi của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Thành công của Đại hội là nguồn sức mạnh to lớn, cổ vũ mạnh mẽ đối với Đảng bộ, dân và quân trong tỉnh tiếp tục tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, vững bước trên con đường phát triển.

Đại hội lần thứ XIV đã bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới gồm 50 đồng chí và Ban Thường vụ 16 đồng chí tiêu biểu của Đảng bộ đáp ứng nguyện vọng và ý chí của Đảng bộ, dân và quân. Thành công trong công tác nhân sự lần này là có 4 cán bộ trẻ, chiếm tỷ lệ 8%; có 10 nữ là Ủy viên Ban Chấp hành, chiếm tỷ lệ 20%; 3 nữ là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chiếm tỷ lệ 18,74%, cao nhất từ khi chia tách tỉnh. Đây là quá trình quy hoạch, đào tạo của cấp ủy qua nhiều nhiệm kỳ, làm tiền đề thực hiện thắng lợi Nghị quyết nhiệm kỳ 2020-2025, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá như mục tiêu đề ra.

2- Tổ chức thành công giải Marathon quốc tế “Mekong Delta Marathon tỉnh Hậu Giang năm 2020”

Tiếp nối thành công của giải Marathon quốc tế “Mekong Delta Marathon tỉnh Hậu Giang” năm 2019, tỉnh Hậu Giang tiếp tục phát động giải chạy với thông điệp “Mỗi vận động viên chạy - một cây xanh được trồng; mỗi bước chạy - một tấm lòng chia sẻ về miền Trung” đã thu hút sự quan tâm, tham gia của mọi tầng lớp Nhân dân.

Trên 4.000 runner tham gia cự ly 5km.

Giải diễn ra từ ngày 3 đến ngày 8-11-2020 với 7.200 vận động viên tham gia (tăng 3.200 vận động viên so với năm 2019) cùng các hoạt động nổi bật như: Hội chợ Công nghiệp và Thương mại; Ngày hội trái cây tỉnh Hậu Giang lần thứ I năm 2020; Hội thi Đầu bếp chuyên nghiệp đồng bằng sông Cửu Long lần thứ II; Hội thi bánh dân gian tỉnh Hậu Giang lần thứ II năm 2020; Lễ trồng cây; Hoạt động quyên góp gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt.

3- Tổ chức thành công Đại hội thi đua yêu nước tỉnh lần thứ V - năm 2020

Ngày 26-9, Hậu Giang tổ chức thành công Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V - năm 2020. Đại hội tạo khí thế thi đua sôi nổi, khích lệ tinh thần hăng say lao động trong cán bộ và Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng, an ninh, đối ngoại của tỉnh.

Đại hội đã tuyên dương 288 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh nhà.

5 năm qua, tỉnh có 194 gia đình được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; 35 tập thể và 84 cá nhân được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba. Nhiều tập thể được nhận Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Cấp tỉnh có gần 5.000 tập thể và 14.000 cá nhân được nhận Bằng khen của UBND tỉnh. Những gương điển hình trong phong trào thi đua yêu nước đã khơi dậy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng quê hương Hậu Giang ngày càng khởi sắc.

4- Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập thành phố Ngã Bảy thuộc tỉnh Hậu Giang. Công nhận thành phố Vị Thanh mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại II và thị xã Long Mỹ đạt chuẩn đô thị loại III.

Ngày 1-2-2020, tỉnh Hậu Giang tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập thành phố Ngã Bảy thuộc tỉnh Hậu Giang. Sau khi thành lập, thành phố Ngã Bảy có 4 phường và 2 xã, với quy mô dân số là 101.192 người. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ngã Bảy đạt bình quân 7,7%; thu nhập bình quân đầu người hơn 59 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo lúc thành lập thành phố giảm còn 0,86%.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu(thứ 2 từ trái sang) trao Nghị quyết công nhận thị xã Ngã Bảy trở thành thành phố Ngã Bảy.

Sau khi được công nhận là đô thị loại III vào năm 2009, thành phố Vị Thanh đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng và phát triển. Nhiều công trình trọng điểm có sức lan tỏa lớn được hình thành cùng với các khu thương mại - dịch vụ, các khu tái định cư, dân cư thương mại… góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị Vị Thanh càng rõ nét.

Ngày 28-12-2019, UBND tỉnh Hậu Giang long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Chính phủ công nhận thành phố Vị Thanh mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại II và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thành phố Vị Thanh mở rộng có tổng diện tích đất tự nhiên 348,24km2, khu vực nội thành có diện tích 106,97km2, dân số thường trú là 175.562 người.

Lãnh đạo thành phố Vị Thanh nhận quyết định tại buổi lễ công bố.

Qua gần 5 năm xây dựng thị xã theo tiêu chí đô thị loại III, thị xã Long Mỹ đã huy động hơn 500 tỉ đồng để xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn mới. Nhiều hạng mục công trình đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng, tạo ra diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc, góp phần giúp kinh tế tăng trưởng ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của thị xã 3 năm gần nhất đạt 6%; hơn 19.480 hộ có nhà ở kiên cố, bán kiên cố; tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm 2%...

Lãnh đạo tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể và các cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng thị xã Long Mỹ đạt tiêu chí đô thị loại III.

Ngày 18-1-2020, thị xã Long Mỹ đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc công nhận thị xã Long Mỹ là đô thị loại III.

5- Xây dựng thành công 2 làng nông thôn mới đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo mô hình Hàn Quốc; công nhận xã Phụng Hiệp đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh.

Hậu Giang đang là điểm sáng trong vùng đồng bằng sông Cửu Long về xây dựng nông thôn mới. Đầu tháng 7-2020, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, một trong 4 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận đã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo còn xấp xỉ 3%. Bộ mặt nông thôn với diện mạo mới sáng, xanh, sạch, đẹp; cuộc sống người dân được nâng lên cả vật chất, lẫn tinh thần.

Lãnh đạo tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể tại Hội nghị.

Làng nông thôn mới - Saemaul Hàn Quốc đầu tiên trong vùng ĐBSCL được thí điểm xây dựng ở ấp 9 xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ và ấp Tân Quới Lộ, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp do Quỹ toàn cầu hóa nông thôn mới SGF hỗ trợ, trên cơ sở 21 bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Hậu Giang với các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc đã ký kết. Tỉnh Hậu Giang và các địa phương khác của Hàn Quốc tiếp tục hợp tác về xây dựng mạng lưới hạ tầng giao thông, thu hút nhà đầu tư lĩnh vực chế biến nông sản; các dự án, chương trình ứng phó biến đổi khí hậu. Tất cả mở ra nhiều triển vọng mới, trong xu thế hội nhập và phát triển.

6- Khai trương và đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang (IOC), ứng dụng di động Hậu Giang (HauGiang App) và một số phần mềm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang thực hiện chức năng giám sát, điều hành các ứng dụng, dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh, bao gồm: giám sát hình ảnh từ các camera an ninh; giám sát tình hình xử lý phản ánh, kiến nghị trên ứng dụng HauGiang App; giám sát an toàn, an ninh thông tin của các hệ thống kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; phân tích, thống kê thông tin xấu, độc trên môi trường mạng; giám sát tình hình xử lý hồ sơ dịch vụ công trực tuyến.

Cùng với Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh, năm 2020, tỉnh đã đưa vào vận hành, sử dụng một số ứng dụng công nghệ thông tin quan trọng, bao gồm: Cổng Dịch vụ công trực tuyến; Cổng Thông tin điện tử; Hệ thống quản lý văn bản; Hệ thống thư điện tử công vụ; Hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội; nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP); nền tảng thanh toán trực tuyến quốc gia (PayGov) tại tỉnh Hậu Giang giúp người dân có thể thanh toán trực tuyến các dịch vụ công mức độ 3, 4 một cách thuận tiện.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và các đại biểu thực hiện nghi thức công bố các hệ thống thông tin, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh.

Việc đưa vào vận hành, sử dụng Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh và các ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại những kết quả bước đầu trong tiến trình xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh của tỉnh, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên toàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân.

7- Triển lãm Hậu Giang xưa và nay qua tài liệu lưu trữ. 

Triển lãm diễn ra từ ngày 25-9 đến ngày 14-10-2020 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hậu Giang, thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan; sau đó, các tư liệu triển lãm được đưa về các huyện, thị xã, thành phố để phục vụ đông đảo Nhân dân.

Lãnh đạo tỉnh và Trung ương cắt băng khai mạc triển lãm.

Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang tổ chức trưng bày, triển lãm trên 400 tài liệu dưới dạng pano, hình ảnh về Hậu Giang gồm 5 nội dung: Họ Mạc khai phá miệt Hậu Giang; Vương Triều Nguyễn cai quản miệt Hậu Giang (1802-1858); Thực dân Pháp xâm lược đô hộ Hậu Giang - Cần Thơ (1858-1945); Hậu Giang trong hai cuộc kháng chiến cứu nước (1945-1975); Thành tựu kinh tế - xã hội của Hậu Giang (1975-2020). Những tài liệu, bản đồ, hình ảnh và những tư liệu liên quan về vùng đất Hậu Giang là nguồn tài liệu chính thống, quý báu phục vụ cho công tác nghiên cứu và học tập.

8- Hậu Giang thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa đề ra các tình huống đối phó dịch bệnh Covid-19, vừa tiến hành đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để phát triển kinh tế .

Quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, với phương châm: phát hiện sớm nhất, cách ly ngay lập tức, khoanh vùng thật gọn, dập tắt triệt để, tỉnh Hậu Giang đã chủ động xây dựng các tình huống ứng phó với từng cấp độ dịch Covid-19 phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn; chỉ đạo quyết liệt sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp, hộ gia đình duy trì và phát triển sản xuất, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, tăng trưởng kinh tế đạt 4,53% (cao nhất trong vùng đồng bằng sông Cửu Long); xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD, thu ngân sách vượt 16,6%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt trên 80%, đứng đầu các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long...

Trao giấy chứng nhận hoàn thành cách ly phòng dịch Covid-19 cho các công dân về từ nước ngoài.

9- Kỷ niệm 20 năm tái lập huyện Châu Thành A và đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” - đơn vị đầu tiên của tỉnh.

Ngày 31-12-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang và huyện Châu Thành A long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Châu Thành A.

Lãnh đạo tỉnh trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Châu Thành A.

Sau 20 năm tái lập và phát triển, huyện Châu Thành A đã đạt được những dấu ấn quan trọng trên các lĩnh vực: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, năm 2020 đạt 8,20%; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 là 54,78 triệu đồng; hạ tầng đô thị, thương mại, dịch vụ được quan tâm phát triển đồng bộ; toàn huyện hiện có 4 trung tâm thương mại, 5 trung tâm mua sắm, 3 chợ nông thôn; tỷ lệ hộ nghèo của huyện hiện nay giảm còn 1,06%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chiếm 90,04%; huyện có 4/4 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 1 xã nông thôn mới nâng cao), đặc biệt năm 2019, huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới… Đó là động lực để huyện Châu Thành A tiếp tục phấn đấu, vững bước đi lên trong giai đoạn tới.   

10- Quốc phòng toàn dân, An ninh nhân dân được giữ vững, ổn định

Công tác đảm bảo an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Công tác tuyển quân đạt chỉ tiêu trên giao. Đặc biệt, lực lượng vũ trang đã bảo vệ tốt các sự kiện chính trị, nhất là bảo vệ an toàn cho đại hội đảng các cấp, kỷ niệm các ngày lễ tết; bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Hậu Giang.

Lãnh đạo UBND tỉnh và Công an tỉnh tại buổi cấp xe mô tô cho Công an xã, thị trấn để phục vụ hiệu quả hơn công tác đảm bảo ANTT cơ sở.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh nhận cờ thi đua của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong phong trào thi đua quyết thắng năm 2020.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>