Điều khiển phương tiện bất cẩn - Hậu quả khôn lường

04/10/2022 | 11:13 GMT+7

Bài 2: Biết sai nhưng thường hay vi phạm

Dù công tác tuyên truyền được ngành chức năng, địa phương tăng cường thực hiện nhưng có đến 38,6% vụ tai nạn giao thông xảy ra do thiếu chú ý quan sát, đi không đúng phần đường, làn đường. Nguyên nhân do đâu ?

Một vụ tai nạn giao thông ở thành phố Vị Thanh do thiếu chú ý quan sát.

Chủ quan, ý thức kém của người lái xe

Khoảng 7 giờ 30 phút ngày 11-7, Đ., ngụ huyện Châu Thành A, điều khiển ô tô tải biển kiểm soát 95C-062.41, trên Quốc lộ 61C, hướng từ thành phố Cần Thơ đi thành phố Vị Thanh. Đến đoạn đường thuộc xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A thì va chạm với xe mô tô đi chiều ngược lại. Do va chạm quá mạnh, hai cô gái đi trên xe mô tô tử vong sau đó.

Làm việc với công an, Đ. khai: “Sáng hôm đó, tôi điều khiển xe tải chở xi măng hướng từ thành phố Cần Thơ đi thành phố Vị Thanh. Khi đến đoạn đường trên, trời bắt đầu mưa. Vì sợ xi măng bị hư nên tôi cho xe chạy sang phần đường bên trái. Sau khi tăng tốc vượt được hai xe ô tô đi cùng chiều thì thấy xe mô tô vừa tới nên không kịp xử lý”.

Sau khi củng cố hồ sơ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Châu Thành A ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Đ. để điều tra hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Ngoài vụ này, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm, nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan, ý thức kém của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Đơn cử cuối tháng 3 năm nay, ông M.V.N., ngụ ấp 8, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, khi đang lái xe mô tô trên Tỉnh lộ 931B về nhà thì nhận cuộc điện thoại. Dù đang lưu thông với tốc độ khá nhanh nhưng ông N. không dừng xe lại mà cho tay vào túi quần để lấy điện thoại ra nghe. Vì mải nghe điện thoại nên khi thấy một người qua đường, ông N. không kịp thời xử lý, sau đó đâm vào tường rào nhà dân.

May mắn là giữ được tính mạng, nhưng gia đình ông N. phải bỏ ra một khoản chi phí khá lớn để điều trị chấn thương cho ông. Đây là một trong nhiều trường hợp bị tai nạn do sử dụng điện thoại trong lúc lái xe. Tuy nhiên, thực tế nhiều người vẫn không bỏ thói quen vừa lái xe, vừa nghe điện thoại hoặc nhắn tin, nghe nhạc...

Ông Tống Bửu Thiệt, ngụ xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, bức xúc: “Ra đường sợ nhất là gặp phải những người vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại, không chú ý quan sát hướng đi, kể cả khi rẽ trái, phải không bật xi nhan xin đường cứ phóng vùn vụt”.

Đối phó khi có lực lượng chức năng

Theo công an các huyện, thị xã, thành phố, tình trạng người lái xe ô tô, xe mô tô đi không đúng phần đường, làn đường hay sử dụng điện thoại khi lái xe diễn ra khá phổ biến trên các tuyến đường, nhưng việc xử phạt vi phạm các lỗi này gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, 8 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh xử phạt 21 trường hợp đi sai phần đường, làn đường, trong đó 3 trường hợp là xe ô tô tải, 18 trường hợp xe mô tô.

Sở dĩ khó xử phạt tình trạng lái xe đi không đúng phần đường, làn đường vì nhiều nguyên nhân. Trước hết là người lái xe đối phó với lực lượng cảnh sát giao thông khi đang làm nhiệm vụ trên đường. Nghĩa là, khi thấy lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức đóng chốt kiểm tra việc chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông thì nhiều người chấp hành rất nghiêm, đi đúng phần đường, làn đường; còn khi qua khỏi sự kiểm soát của lực lượng chức năng thì vô tư vi phạm.

Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông nhiều địa phương vẫn còn thiếu trang thiết bị ghi lại hình ảnh vi phạm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông (camera); việc xử lý vi phạm hành chính về lỗi này của nhiều địa phương chưa được thường xuyên, quyết liệt, dẫn tới nhiều người “nhờn luật”.

Qua tìm hiểu của phóng viên, nhiều lái xe khi đi trên đường, họ chỉ chú ý đến các biển báo như tốc độ, chuyển hướng… mà ít quan tâm đến vạch kẻ đường. Tuy nhiên, theo quy định, trên đường có nhiều làn cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường; người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn và chỉ được chuyển làn ở những nơi cho phép, khi chuyển làn phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.

Song trên thực tế, nhiều lái xe vẫn không tuân thủ quy định. Họ vẫn tự chọn cho mình một phần đường riêng, đoạn đường nào có khoảng trống thì điều khiển vào đó, mặc dù vạch kẻ đường rất dễ nhìn thấy. Trong khi đó, vẫn còn một bộ phận lái xe không nắm được các kiến thức về việc đi đúng làn, phần đường, thậm chí có người khi bị cảnh sát giao thông tuýt còi thì ngơ ngác không hiểu mình phạm lỗi gì...

Vậy làm thế nào để lái xe nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, trong đó đi đúng phần đường, làn đường, chú ý quan sát đã và đang được ngành chức năng quan tâm giải quyết.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

----------------------

Bài 3: Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp ngăn chặn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>