Điểm sáng giao thông thủy nội địa

14/09/2020 | 19:29 GMT+7

Huyện Châu Thành A có khoảng 70km đường giao thông thủy, ba tuyến kênh huyết mạch đi qua là xáng Xà No, Ba Láng và KH9; mật độ phương tiện tham gia giao thông khá lớn, thế nhưng gần 20 năm qua huyện không xảy ra tai nạn giao thông.

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, nên gần 20 năm qua huyện Châu Thành A không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa.

Đó là do ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa của các chủ bến đò ngang, người dân tham gia đường thủy được nâng lên; ngành chức năng huyện thường xuyên kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm; củng cố, nâng chất các mô hình hay hiệu quả về an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Theo Công an huyện Châu Thành A, hiện huyện có 16 bến đò ngang, hầu hết chấp hành tốt Luật Giao thông đường thủy nội địa mỗi khi đưa khách sang sông, kênh.

Mở bến đò khoảng 15 năm qua, nên ông Nguyễn Văn Trọng, ở ấp 3B, xã Tân Hòa rất chủ động trong đảm bảo an toàn khi đưa khách như: trang bị áo phao; đăng ký, đăng kiểm phương tiện định kỳ; tạm dừng hoạt động khi có mưa to, giông lốc. Đặc biệt, mỗi khi đưa khách đều không vượt quá số lượng quy định là 3 xe gắn máy và 8 khách; quan sát các phương tiện tham gia lưu thông thật kỹ để lái an toàn.

Ông Trọng cho biết: “Ở đây có nhiều bến đò, nhưng nhiều khách chuộng bến đò của tôi để qua kênh xáng Xà No. Do đó, khi đưa đò tôi lấy sự an toàn của khách làm hàng đầu”.

Là người dân ở đây nên ông Nguyễn Văn Bình thường xuyên qua bến đò này. Theo ông Bình, tuy bến đò nhỏ nhưng nhiều năm qua rất an toàn khi khách sang kênh xáng Xà No. Minh chứng như, mỗi lần ông qua đò, chủ đò không chở quá 3 xe gắn máy và 8 khách, khách không đùa giỡn trên đò, chủ đò chạy với tốc độ vừa phải, khi đến bến khách không chen lấn, tranh giành mà đi rất có trật tự.

“Không chỉ bến đò này mà nhiều đò ở đây tôi thấy rất an toàn khi đưa khách sang kênh xáng Xà No. Do đó, người dân chúng tôi rất an tâm mỗi khi qua đò”, ông Bình cho biết thêm.

 Còn bến đò của ông Lê Chí Phụng, tại thị trấn Một Ngàn mở gần 20 năm qua, nên trang bị đầy đủ các yêu cầu cần thiết của một bến đò an toàn như: chứng chỉ hành nghề, dụng cụ phao, áo cứu sinh, đèn chiếu sáng vào ban đêm, thường xuyên kiểm tra các thiết bị trên đò để kịp thời sửa chữa nếu bị hư hỏng. Từ đó bến đò của ông được công nhận là bến đò an toàn trong nhiều năm qua.

Ông Phụng cho biết: “Được công nhận bến đò an toàn là động lực để tôi vững tay lái mỗi khi đưa khách sang kênh xáng Xà No. Tôi sẽ tiếp tục chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa mỗi lần xuất bến”.

Huyện Châu Thành A có hệ thống sông, kênh chằng chịt, lượng phương tiện giao thông đường thủy tham gia khá lớn; có nhiều bến, bãi vật liệu xây dựng bốc xếp hàng hóa đang hoạt động, vì vậy, tai nạn giao thông đường thủy luôn tiềm ẩn. Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy, hàng năm Công an huyện phối hợp với ngành chức năng rà soát số lượng học sinh đi học phải đi đò ngang, số lượng học sinh có nhà ở cặp mé sông… để có hướng giáo dục, tuyên truyền, nhắc nhở các em. Thường xuyên kiểm tra đảm bảo an toàn các luồng tuyến, các bến đò ngang để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường thủy.

Đồng thời thường xuyên kiểm tra các cọc tiêu trên sông để kịp thời nhổ. “Hiện tại, các tuyến kênh, sông trên địa bàn huyện Châu Thành A không có cọc tiêu làm ảnh hưởng đến giao thông của phương tiện thủy”, trung tá Trần Văn Hiền, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự Công an huyện Châu Thành A, khẳng định.

Cùng với đó, hàng năm, Ban an toàn giao thông các cấp trên địa bàn huyện còn củng cố để kịp thời chấn chỉnh những khó khăn, vướng mắc trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong đó có giao thông đường thủy nội địa.

Theo Công an huyện Châu Thành A, ngoài những kết quả nổi bật trên trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa huyện còn gặp vướng mắc như: tại Kênh 1 có bến đò không đủ điều kiện để cấp phép mở, nhưng vẫn hoạt động nhiều năm qua; tại xã Tân Hòa có 2 bến đò nằm gần nhau, trong đó có 1 bến không có giấy phép nhưng vẫn hoạt động nhiều năm. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị đến ngành chức năng để có biện pháp tháo gỡ, chấn chỉnh 2 bến không đủ điều kiện trên, nhưng vẫn chưa có phản hồi”, trung tá Trần Văn Hiền cho biết thêm.

Theo ngành chức năng, tuy gần 20 năm huyện Châu Thành A không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa nhưng vẫn tiềm ẩn rất cao, bởi nhiều chủ phương tiện, nhất là vỏ lãi, ghe tham gia giao thông vẫn còn chủ quan như: chở quá số lượng quy định, không giảm tốc độ khi đến ngã ba ngã tư, không trang bị đèn chiếu sáng khi hoạt động ban đêm...

Thượng tá Thái Minh Thành, Phó trưởng Công an huyện Châu Thành A, cho biết: “Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân cần chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa khi tham gia giao thông; thường xuyên kiểm tra an toàn giao thông tại các bến đò ngang; tiếp tục kiến nghị đến ngành chức năng có giải pháp phù hợp chấn chỉnh 2 bến đò không đủ điều kiện mở như trên để huyện duy trì thành tích không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy”.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>