Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp: "Làm rõ có còn tiêu cực trong lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông không"?

23/04/2024 | 14:32 GMT+7

Tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ có những chuyển biến tích cực, song kết quả kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông chưa vững chắc; tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng, theo báo cáo giám sát.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” về lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến trong phiên họp sáng 23-4. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ của lực lượng chức năng đạt kết quả cao, đã tập trung ra quân xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm, trọng tâm là vi phạm nồng độ cồn, quá tải trọng, xe cơi nới thành thùng, nhất là vi phạm xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường.

Tình hình TTATGT đường bộ có những chuyển biến tích cực: ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TPHCM và trên các quốc lộ trọng điểm đang có xu hướng cải thiện; số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục giảm sâu, đặc biệt là số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế, đã góp phần bảo đảm trật tự xã hội trên các tuyến, địa bàn giao thông.

Tuy nhiên, báo cáo nêu nhận định, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch giao thông đường bộ, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ vẫn còn nhiều hạn chế. Việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông ở một số địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu vận tải, đi lại của nhân dân; còn thiếu trách nhiệm trong khắc phục và xử lý các bất cập về hạ tầng giao thông, kết quả xử lý các kiến nghị điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông.

“Công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ vẫn là khâu yếu, công tác tổ chức điều hành giao thông ở một số địa phương còn bất cập; tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè còn diễn ra phổ biến”, ông Lê Tấn Tới cho biết.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới phát biểu

Vẫn theo người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng - An ninh, vận tải đường bộ hiện phải đảm nhận tỷ trọng lớn, chưa cân đối với các phương thức vận tải khác; chất lượng dịch vụ chưa đồng đều. Ý thức chấp hành các quy định về TTATGT đường bộ của chủ phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa, nhất là các hộ kinh doanh vận tải hàng hóa còn hạn chế, tình trạng xe chở quá tải, “xe dù, bến cóc”, lái xe sử dụng các chất ma túy vẫn còn diễn ra…

Đặc biệt, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ mặc dù đã được tăng cường, tuy nhiên kết quả kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông chưa vững chắc, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao; tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng.

Đánh giá cao kết quả giám sát, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đoàn giám sát tiếp tục cụ thể hóa các kiến nghị về hoàn thiện pháp luật về TTATGT.

“Nên làm việc này càng sớm càng tốt, góp phần vào hoàn thiện 2 dự án luật điều chỉnh lĩnh vực này mà Quốc hội chuẩn bị thông qua”, Chủ tịch Quốc hội nói khi đề cập đến dự án Luật Đường bộ và dự án Luật TTATGT đường bộ.

Bên cạnh đó, những điểm bất hợp lý trong công tác phát triển hạ tầng giao thông đường bộ; việc nhập khẩu, đăng kiểm các phương tiện giao thông nói chung gắn với tiêu chuẩn, tiêu chí về khí thải; tính tương thích khi sử dụng các loại nhiên liệu sinh học… cũng được Chủ tịch Quốc hội phân tích thêm. Theo Chủ tịch Quốc hội, trong thời đại “số hóa”, cần tích cực nghiên cứu, phát triển việc quản lý, điều hành giao thông thông minh.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ quan ngại về tình trạng đua xe trái phép; đâm xe vào lực lượng thi hành công vụ và đề nghị có chế tài nghiêm khắc hơn đối với loại hành vi này. “Ý thức chấp hành của một bộ phận người tham gia giao thông, chủ yếu thanh thiếu niên chưa tốt. Cần chế tài mạnh hơn, tránh gây vất vả, nguy hiểm cho các lực lượng làm nhiệm vụ”, ông Vinh nói.

Tán thành quan điểm của Chủ tịch Quốc hội về việc đánh giá sâu sắc, toàn diện hơn công tác đăng kiểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu: “Đăng kiểm không phải xấu cả đâu. Việc xã hội hóa vừa rồi cũng giảm tải cho bộ máy sự nghiệp công rất lớn”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị đoàn giám sát nghiên cứu, đánh giá công tác tổ chức quản lý nhà nước ở tầm quốc gia, địa phương; quản lý chuyên ngành, cung cấp dịch vụ công, cung cấp dịch vụ vận tải… từ đó đưa ra nhiều kiến nghị chi tiết hơn.

“Như việc bắt buộc đội nón bảo hiểm xe máy, trước làm rất nghiêm, nay dường như có phần lơi lỏng. Chất lượng nón thế nào?, nếu bị ngã, nón có bảo vệ được người sử dụng hay không?”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi: “Liệu hiện nay có còn tiêu cực trong lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông hay không”? Theo bà, đây là vấn đề được người dân hết sức quan tâm, báo cáo giám sát cần bổ sung thêm nội dung này.

Theo ANH PHƯƠNG/sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>