Tiêm chủng đặc biệt quan trọng ra sao ?

05/10/2020 | 09:57 GMT+7

Tiêm chủng đã giúp giảm thiểu các cas bệnh có vắc-xin dự phòng, nhiều loại bệnh hầu như không còn góp phần đáng kể bảo vệ an toàn sức khỏe thế hệ tương lai trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ ở Trạm Y tế thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A.

Tiêm chủng miễn dịch đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi luôn đạt trên 95%

Định kỳ vào các ngày từ 3-5 hàng tháng, tại các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực của tỉnh lại đông đúc trẻ đến tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo bà Tạ Thị Ánh Sáng, Trưởng trạm Y tế thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A: “Mỗi tháng, trạm tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi và tiêm phòng viêm não Nhật Bản miễn phí cho trẻ trong diện tiêm. Hầu hết phụ huynh, người nhà của trẻ ý thức được cần phải tiêm vắc-xin để phòng bệnh cho trẻ. Đa số đưa con em đi tiêm đầy đủ các mũi tiêm trong chương trình”.

Nhờ ấn định thời gian tiêm chủng hàng tháng, kết hợp với tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đưa con, em đi tiêm chủng mà hầu như người dân đều nắm được và đưa con, cháu đi tiêm vắc-xin. Chị Trần Thị Diễm Hương, ở ấp Láng Hầm, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, cho biết: “Lịch tổ chức tiêm chủng mở rộng hàng tháng ở trạm y tế được cố định vào 3 ngày này nên hầu như ai cũng biết, tôi thường đưa con đi tiêm vào ngày 3 hàng tháng. Khi mình tiêm mũi này, nhân viên y tế hẹn mình tiêm mũi sau vào ngày nào nên rất thuận tiện để tiếp cận các mũi tiêm, không bỏ sót. Ngày thứ bảy, chủ nhật, hay ngày nghỉ, ngày lễ cũng vậy hễ đến ngày tiêm chủng các y, bác sĩ cũng triển khai tiêm cho các cháu. Cả hai con tôi đều tiêm đầy đủ các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng được triển khai ở trạm để phòng bệnh”.

Cũng theo bà Tạ Thị Ánh Sáng, Trưởng trạm Y tế thị trấn Rạch Gòi: “Công tác tổ chức tiêm chủng tại trạm luôn thực hiện theo quy trình được hướng dẫn, có khám chỉ định tiêm, quan tâm theo dõi sau tiêm. Khâu bảo quản vắc-xin cũng đặc biệt được chú trọng đúng quy định. Tất cả nhân viên y tế làm công tác tiêm chủng đều được tập huấn chuyên môn. Trạm cũng thông tin cho người dân số điện thoại liên hệ của trạm y tế để có thể liên hệ ngay khi có các vấn đề gì phản ứng sau tiêm chủng”. Những năm qua, không có trường hợp phản ứng nặng sau tiêm xảy ra, Trạm Y tế thị trấn Rạch Gòi luôn đảm bảo an toàn tiêm chủng và tỷ lệ tiêm vắc-xin miễn dịch đầy đủ ở trẻ dưới 1 tuổi hàng năm đều đạt từ 97-98%.

Tương tự, ở huyện Châu Thành, theo bà Nguyễn Thùy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện: “Kết quả tiêm vắc-xin từ năm 2016-2019 đều đạt từ 97-98%, tuy nhiên năm 2020, do tình hình dịch Covid-19 tỷ lệ này đạt thấp hơn. Tuy nhiên, chúng tôi đang nỗ lực để duy trì kết quả tiêm chủng như những năm trước. Bên cạnh đó, tăng cường công tác giám sát tiêm chủng nhằm đảm bảo an toàn tiêm chủng”.

Kết quả tiêm chủng mở rộng ở tỉnh luôn đạt cao trong những năm qua. PGS.TS Nguyễn Văn Lành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Hậu Giang), cho biết: “Trong 5 năm qua, công tác tiêm chủng mở rộng đã được duy trì triển khai đạt hiệu quả phấn khởi trên toàn tỉnh, tỷ lệ tiêm chủng duy trì ổn định hàng năm đều trên 95%. Những tháng đầu năm nay, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có vắc-xin phòng ngừa hầu như không xảy ra ở tỉnh như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván,… lao ở trẻ em cũng hầu như không có. Đây là thành quả thực hiện tốt công tác tiêm chủng”.

Tiếp tục củng cố để an toàn hơn

Hậu Giang đã đạt được nhiều kết quả phấn khởi trong tổ chức tiêm chủng, nhưng thực tế vẫn còn những hạn chế. PGS.TS Nguyễn Văn Lành cho biết thêm: “Cán bộ thành thạo phần mềm quản lý tiêm chủng chưa nhiều nên trong sử dụng còn một số hạn chế, nhất là ở tuyến xã. Trong khi, phần mềm có nhiều chức năng chưa khai thác hết. Vì vậy, cần tăng cường tập huấn chuyên môn về sử dụng phần mềm và duy trì hàng năm việc tập huấn lại cho cán bộ làm công tác tiêm chủng để chuyên môn vững vàng hơn. Tăng cường giám sát tiêm chủng để đảm bảo an toàn tiêm chủng. Từng bước nâng cao tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh dù hiện tại đã đạt chỉ tiêu đề ra với trên 80%. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả bảo vệ cho trẻ cần đạt từ 90% trở lên”.

Công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng luôn được quan tâm đúng mức, các hoạt động giám sát tiêm chủng được thực hiện ở cấp tỉnh, huyện và các cơ quan Trung ương. Qua đợt kiểm tra tại tỉnh về công tác tiêm chủng,  TS.Vũ Mạnh Hương, Cố vấn kỹ thuật khu vực Mekong, Tổ chức PATH, đánh giá: “Qua giám sát công tác tiêm chủng tại tỉnh, cho thấy dây truyền lạnh, bảo quản vắc-xin thật sự là điểm sáng, việc bảo quản cẩn thận, theo dõi nhiệt độ tủ bảo quản vắc-xin bài bản. Tỉnh đã trang bị đầy đủ cho các trạm y tế tủ lạnh và theo dõi nhiệt độ từ xa, có hệ thống cảnh báo. Tất cả các xã đã sử dụng phần mềm tiêm chủng để tổ chức và quản lý tiêm chủng. Tuy nhiên, tiêm viêm gan sơ sinh, chỉ đạt trên 70%, cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao số còn lại không triển khai tiêm được để tăng tỷ lệ này đạt khoảng 90%”.

Ông Hương cũng lưu ý cần xem xét có lý do người dân hay cơ sở y tế do dự trong tổ chức tiêm vắc-xin viêm gan sơ sinh hay không? Để có hướng khắc phục tốt khi nắm được nguyên nhân tiêm thấp.

Thời gian này đang là giai đoạn chuyển giao từ quản lý trên giấy tờ, sổ sách sang ứng dụng phần mềm tuy có khó khăn nhất định, tuy nhiên ngành y tế sẽ tăng cường tập huấn để sử dụng hiệu quả các mo đun sẽ giúp quản lý tiêm chủng tốt hơn. Sẽ liên thông số liệu với các cơ sở tiêm dịch vụ để tổng hợp nhằm tính tỷ lệ tiêm chủng sát thực hơn do hiện nay nhiều người dân có ý thức và có điều kiện đã tiêm chủng dịch vụ.

Covid-19 xuất hiện và bệnh cúm vốn có nhiều người mắc khá thường xuyên, khiến người dân lo ngại vì triệu chứng hai bệnh có những điểm giống nhau có thể gây nhầm lẫn về bệnh nên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh dự kiến sẽ triển khai tiêm phòng bệnh cúm tại các trạm y tế. Còn kế hoạch của Trung ương là năm 2021 sẽ triển khai tiêm vắc-xin phòng ngừa Covid-19 trên toàn quốc nếu đảm bảo được vắc-xin sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu được vắc-xin từ các nước nghiên cứu vắc-xin thành công, trong đó có thể ưu tiên cho những nhóm đối tượng nguy cơ cao, dễ lây nhiễm bệnh được tiêm vắc-xin trước.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>