Nâng cao hiệu quả công tác Cải cách hành chính: Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

17/07/2017 | 07:55 GMT+7

Đó là yêu cầu mà ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, nêu ra tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh năm 2016, coi đó là giải pháp quan trọng nhất để thực hiện đạt mục tiêu cải thiện chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2017.

Kết quả việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của người dân tại bộ phận một cửa ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực thời gian qua.

Việc tổ chức hội nghị này nhằm tập trung đánh giá toàn diện những nguyên nhân dẫn tới kết quả chỉ số CCHC của tỉnh năm 2016 đạt thấp, xếp 63/63 tỉnh, thành trong cả nước. Với mục tiêu đó, hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến từ các sở, ngành tỉnh và các địa phương, qua đó có cái nhìn toàn diện hơn về kết quả đạt trên, cũng như mổ xẻ những khó khăn, hạn chế cần phải khắc phục trong công tác CCHC thời gian tới.

Nhiều nỗ lực đáng ghi nhận

8 ý kiến phát biểu tham luận của các đơn vị xã, phường, thị trấn cho thấy kết quả đáng phấn khởi trong công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của người dân. Đặc biệt là thái độ của cán bộ phụ trách công tác này đã được chấn chỉnh, uốn nắn, cải thiện nhiều so với trước.

Theo ông Phạm Hoàng Nhâm, Chủ tịch UBND xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, trước đây xã có nhận được góp ý từ người dân về hoạt động của bộ phận tiếp công dân, qua chấn chỉnh thì hiệu quả hoạt động của bộ phận này đã được cải thiện nhiều. Những thủ tục đơn giản được giải quyết trong ngày và không để trễ hẹn hồ sơ.

Phường Trà Lồng, thị xã Long Mỹ, cũng là đơn vị được đánh giá cao về hiệu quả giải quyết hồ sơ của người dân. Chủ tịch UBND phường Trà Lồng Trần Văn Út cho biết: “Việc bố trí cán bộ ở bộ phận một cửa được chúng tôi thực hiện đúng theo quy định, công tác rà soát TTHC cũng được thực hiện kịp thời. Mặt khác, UBND phường thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở hoạt động của bộ phận một cửa, nhất là thái độ, cung cách phục vụ của cán bộ”.

Ở cấp huyện, công tác CCHC cũng được đặc biệt quan tâm. Thành phố Vị Thanh đã giao cho thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành và chủ tịch UBND các xã, phường phải chịu trách nhiệm trong lãnh đạo công tác CCHC ở đơn vị mình. Năm 2016, thành phố tiếp nhận, giải quyết 4.070 hồ sơ, trong đó thực hiện trễ hẹn hơn 80 hồ sơ. Đối với các hồ sơ trễ hẹn, ngành chức năng thành phố đã mời người dân lên giải thích rõ nguyên nhân và đưa ra lời hứa về thời gian giải quyết dứt điểm. “Thành phố cũng quan tâm củng cố đội ngũ cán bộ ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả từ thành phố đến xã, phường; thường xuyên sơ kết công tác phối hợp giữa các đơn vị trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của người dân. Ngoài ra, thành phố còn thực hiện liên thông trong giải quyết TTHC giữa thành phố với các xã, phường, tập trung nhiều vào lĩnh vực đất đai, tư pháp”, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho biết.

Theo đánh giá của Sở Nội vụ, so với các năm trước, đặc biệt là năm 2015 thì kết quả thực hiện chỉ số CCHC năm 2016 có nhiều mặt tốt hơn. Các chỉ tiêu về công tác chỉ đạo, điều hành, công tác đào tạo - bồi dưỡng, việc thực hiện ISO, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông… đều đạt kết quả cao hơn. Các nội dung về thực hiện đề án vị trí việc làm, phân cấp quản lý ngân sách, tài chính công… tuy chưa có nhiều đổi mới nhưng điểm số cũng không giảm thêm.

Tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế

Nhưng theo Sở Nội vụ, công tác CCHC của tỉnh đang gặp phải nhiều khó khăn, hạn chế khiến chỉ số CCHC của tỉnh xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Cụ thể, chỉ số CCHC năm 2016 của tỉnh đạt 60,98 điểm, đứng thứ 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới chỉ số CCHC của tỉnh đạt thấp. Về khách quan, Quyết định số 4361 ngày 28/12/2016 của Bộ Nội vụ về việc phê duyệt Đề án “Xác định chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” được ban hành sau khi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đã được thực hiện xong nên tỉnh không thể điều chỉnh theo quy định của các tiêu chí mới; ngân sách của tỉnh còn hạn chế nên chưa thể đầu tư nhiều cho CCHC; một số quy định của Trung ương chưa cụ thể, chậm triển khai nhưng lại trừ điểm các địa phương.

Về chủ quan, một số sở, ngành tỉnh, UBND huyện, xã chậm rà soát TTHC, tình trạng chậm công khai TTHC, niêm yết chưa đủ, thiếu chính xác vẫn diễn ra ở một số cơ quan hành chính nhà nước; một số sở, ban, ngành tỉnh và địa phương chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định…

Còn theo ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC của tỉnh hiện nay còn nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí, nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế cũng là yếu tố gây cản trở đối với hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh cũng đã chỉ ra nhiều mặt hạn chế chủ quan của việc CCHC của tỉnh thời gian qua. Đó là trong lãnh đạo, điều hành của các cấp, các ngành còn có biểu hiện chủ quan với kết quả đạt được trong các năm trước, nên việc đầu tư, tính toán, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá chưa sát với tình hình thực tế. Cán bộ làm công tác này ở cơ sở còn có biểu hiện chưa tốt do năng lực, thái độ phục vụ…

Quyết tâm cải thiện chỉ số CCHC của tỉnh

Ông Trần Công Chánh đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh các hạn chế chủ quan. “Những hạn chế chủ quan như những căn “bệnh”, nếu để lâu sẽ bị di căn”, Bí thư Tỉnh ủy nói.

Thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành phải tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ về ý nghĩa quan trọng của công tác CCHC, đặc biệt là đừng phô trương, hô hào khẩu hiệu mà không bắt tay vào thực hiện. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là ở bộ phận tiếp xúc trực tiếp với nhân dân và doanh nghiệp, đồng thời người đứng đầu các cơ quan, địa phương phải chịu trách nhiệm đối với công tác CCHC ở đơn vị mình. Ngoài ra, UBND tỉnh cần xem xét lộ trình đầu tư trang thiết bị phục vụ cho công tác CCHC, nhất là công nghệ thông tin ở bộ phận một cửa, một cửa liên thông, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử theo đề án mà Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng.

Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Sở Nội vụ cứ 6 tháng nên thực hiện lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với hoạt động của bộ máy chính quyền, qua đó để uốn nắn, chấn chỉnh ngay thái độ phục vụ chưa tốt của cán bộ nhằm tạo ra bước đột phá mới trong công tác CCHC.

Điều đáng ghi nhận nữa là các sở, ngành tỉnh và các địa phương đã và đang đề ra nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác CCHC ở lĩnh vực phụ trách. Theo bà Phạm Thanh Tuyền, Giám đốc Sở Tư pháp, để khắc phục những hạn chế trong công tác xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong năm 2017, Sở Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh ban hành 2 công văn, riêng Sở còn ban hành nhiều văn bản hướng dẫn những quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời tập huấn kiến thức về công tác này cho cán bộ các sở, ngành tỉnh, phòng tư pháp và văn phòng HĐND các huyện, thị, thành phố.

“Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND cấp huyện cần quan tâm việc tập huấn nghiệp vụ về xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ, bởi kiến thức của cán bộ ở huyện, xã về công tác này còn hạn chế”, bà Tuyền đề xuất.

Trước kết quả chỉ số CCHC của tỉnh năm 2016 đạt thấp, Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Văn Hùng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phải soi rọi lại trách nhiệm khi lĩnh vực do mình phục trách thực hiện chưa tốt, bị trừ điểm. “Trong năm 2017, thứ hạng chỉ số CCHC của tỉnh phải được nâng lên. Muốn thực hiện đạt mục tiêu này thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Trong đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn chặn kịp thời thái độ chưa tốt của cán bộ khi tiếp xúc với nhân dân, doanh nghiệp, và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về thái độ phục vụ của cán bộ ở cơ quan, đơn vị mình”, Chủ tịch UBND tỉnh, kết luận.

Có thể thấy rõ quyết tâm từ các cấp, các ngành trong thực hiện công tác CCHC. Đây là cơ sở để có thể cải thiện thứ hạng chỉ số CCHC như mục tiêu mà tỉnh đề ra trong năm 2017.

Đường dây nóng của Tỉnh ủy và UBND tỉnh

- Để ghi nhận và phản hồi các ý kiến đóng góp mang tính cấp bách, bức xúc và cần giải quyết ngay của công dân và tổ chức liên quan đến việc giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính, đầu tư, kinh doanh,...; các phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan đến tinh thần phục vụ, thái độ ứng xử, tác phong, lề lối làm việc thiếu chuẩn mực đạo đức công vụ, đặc biệt là những trường hợp cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức; ngăn chặn và đẩy lùi các hiện tượng quan liêu, tham nhũng; xây dựng tổ chức đảng trong sạch, bộ máy hành chính chuyên nghiệp, chính quyền kiến tạo, phục vụ ngày một tốt hơn yêu cầu của người dân; Văn phòng Tỉnh ủy công bố số điện thoại đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy, như sau: 02933.556677. Thời gian hoạt động bắt đầu từ 7 giờ 00 phút ngày 17-7-2017 và tiếp nhận thông tin từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, trong giờ hành chính.

- Với mong muốn tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, nhân dân và các sở, ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn tỉnh liên quan đến việc giải quyết TTHC hoặc những khó khăn, vướng mắc của cá nhân, tổ chức khi liên hệ với các cơ quan hành chính nhà nước, Văn phòng UBND tỉnh vừa thiết lập đường dây nóng số điện thoại 02933.566888 và thư điện tử [email protected]. Những nội dung kiến nghị, phản ánh của công dân sẽ được Văn phòng UBND tỉnh ghi nhận, tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và sẽ có nội dung trả lời về kết quả giải quyết cho người đã liên hệ phản ánh.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>