Hậu Giang đột phá phát triển nguồn nhân lực

18/03/2022 | 07:38 GMT+7

Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV xác định 1 trong 3 đột phá chiến lược đó là: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực lãnh đạo chủ chốt các cấp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về công tác cán bộ gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài và tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong hệ thống chính trị tỉnh”. Điều đó cho thấy Hậu Giang rất coi trọng việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ đức, đủ tài, đủ sức phục vụ cho khát vọng xây dựng tỉnh nhà trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực ĐBSCL.

Bài 3: Xây dựng nguồn nhân lực để tạo nền tảng phát triển lâu dài và bền vững

Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Tỉnh ủy đã xây dựng nhiều nghị quyết, đề án, kế hoạch, quy định với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực có bản lĩnh chính trị vững vàng hơn, phẩm chất đạo đức tốt hơn, đầy đủ năng lực để thực thi nhiệm vụ, nhất là tạo nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển đột phá, cụ thể hóa khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong những năm tới.

Hậu Giang sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác bổ nhiệm, sử dụng cán bộ, qua đó giúp cán bộ phát huy được sở trường, năng lực công tác.

Quyết tâm phát triển nguồn nhân lực

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành chia sẻ, thấm nhuần lời Bác dạy: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, Hậu Giang xác định đầu tư cho xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chính là đầu tư cho phát triển lâu dài và bền vững. Để hiện thực hóa, Hậu Giang ban hành Nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là nghị quyết rất quan trọng, hướng tới mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Nghị quyết đã đánh giá khách quan, toàn diện về kết quả đạt được, hạn chế còn gặp phải về phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, đồng thời đưa ra mục tiêu, chỉ tiêu rất cụ thể với hệ thống các giải pháp thực hiện. Điểm đáng chú ý trong Nghị quyết này là tỉnh xác định sẽ tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho một số ngành, lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên phát triển như: công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Cơ cấu lại nguồn nhân lực hợp lý theo hướng chuyển dịch mạnh nguồn nhân lực ở khu vực I sang khu vực II và khu vực III.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành, định hướng này rất hợp lý. Bởi, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04 về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Để thực hiện tốt Nghị quyết số 04 thì đòi hỏi nguồn nhân lực mới, không chỉ phát triển nguồn nhân lực trong khối công lập, mà còn phát triển nguồn nhân lực khối thị trường, trong các doanh nghiệp. Có như vậy mới có thể đáp ứng tốt cho việc phát triển 4 lĩnh vực trụ cột mà tỉnh đã xác định.

Ngoài Nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh còn có nhiều đảng văn được ban hành cụ thể hóa chủ trương về công tác cán bộ (một số đang chuẩn bị ban hành). Theo ông Nguyễn Thiện Nhơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, để thực hiện Nghị quyết XIV của Đảng bộ tỉnh, trong năm 2021, Ban Tổ chức Tỉnh ủy được giao chủ trì, tham mưu xây dựng 3 đề án, 1 quy định và 1 kế hoạch. Đó là, Đề án nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025; Kế hoạch luân chuyển cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025; Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Đề án “Thí điểm đổi mới cách thức tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”; Quy định bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Thiện Nhơn cho biết thêm, các đề án được xây dựng đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh về phát triển nhân tài và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu so sánh với nhiệm kỳ XIII và các nhiệm kỳ trước thì nhiệm kỳ Đại hội XIV Hậu Giang đã có nhiều quy định, chính sách hơn trong trọng dụng, phát huy nguồn lực các cấp. Điều này cho thấy sự quyết tâm đổi mới, sáng tạo, đột phá của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy mà hạt nhân và vai trò nòng cốt, trực tiếp là Bí thư Tỉnh ủy đã dành sự tâm huyết cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh nhà.

Chú trọng công tác đào tạo, bố trí cán bộ

Quyết tâm phát triển nguồn nhân lực đã có, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để cụ thể hóa quyết tâm ấy cũng đã có. Giờ là lúc cấp ủy đảng các cấp nhanh chóng bắt tay vào thực hiện để sớm đạt được các mục tiêu đã đề ra. 

Trên tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã và đang đề ra nhiều định hướng, giải pháp để phát triển nguồn nhân lực ở địa phương, đơn vị mình. Để xây dựng nguồn cán bộ đủ tâm, đủ tầm đảm đương được nhiệm vụ, Huyện ủy Long Mỹ ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp cơ sở” đến năm 2025. Đề án xác định, đến năm 2025, phấn đấu 100% cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trong quy hoạch có trình độ chuyên môn đạt theo tiêu chuẩn quy định; đào tạo 6 đồng chí có trình độ sau đại học.

Huyện cũng phấn đấu 100% cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cơ sở đương chức và trong quy hoạch được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; đào tạo 165 cán bộ có trình độ trung cấp, cao cấp lý luận chính trị. Có 100% cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số và cán bộ cấp cơ sở trong quy hoạch lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương được đào tạo đủ chuẩn trước khi bổ nhiệm. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, có từ 8 đến 10 đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức chưa qua thực tiễn cơ sở, cán bộ trong diện quy hoạch được luân chuyển từ huyện xuống xã, thị trấn và ngược lại…

Ông Võ Văn Tỏ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Mỹ, cho biết, ngoài Đề án “Nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp cơ sở” đến năm 2025, huyện cũng đang triển khai kế hoạch điều động, luân chuyển cán bộ. Đến nay, đã luân chuyển một số cán bộ từ huyện về cơ sở; các cán bộ được luân chuyển đang bắt nhịp nhanh với nhiệm vụ mới…

Có thể thấy, cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đang thể hiện quyết tâm tạo nên bước đột phá về phát triển nguồn nhân lực. Theo ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, để phát triển nguồn nhân lực, tỉnh sẽ tập trung vào 3 khâu. Trước hết là khâu đào tạo, trong đó xác định định hướng đào tạo như thế nào cho trúng; lựa chọn cơ sở đào tạo có chất lượng; có sự quan tâm và phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo.

Cũng theo ông Đồng Văn Thanh, sau đào tạo thì việc sử dụng cán bộ có ý nghĩa rất quan trọng. Theo đó, cán bộ được đào tạo ở vị trí nào sẽ đưa ra sử dụng ở vị trí đó, như vậy mới phát huy được sở trường, năng lực, sáng tạo của mỗi con người. Tạo môi trường tốt để cán bộ phát huy những việc mà họ đã học được. Tỉnh sẽ xem lại các cơ chế, chính sách đãi ngộ dành cho những người giỏi, từ đó để thu hút nhiều nhân tài về phục vụ cho tỉnh…

Kể từ khi nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, ông Nghiêm Xuân Thành thường xuyên “truyền lửa”, khuyến khích và mong muốn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh thể hiện tinh thần đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng để đưa Hậu Giang phát triển vươn lên. Để cán bộ mạnh dạn thể hiện sự đổi mới, sáng tạo trong công việc, Tỉnh ủy đã ban hành hướng dẫn cụ thể hóa việc thực hiện Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Theo Bí thư Tỉnh ủy, để Kết luận số 14 được triển khai tốt vào thực tiễn thì cần có sự vào cuộc, sát cánh của cấp ủy, chính quyền các cấp, khuyến khích cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo. Muốn vậy thì cần có đánh giá, cần có nhân rộng và tôn vinh các cách làm hay, hiệu quả tốt ra cả hệ thống chính trị. Đặc biệt là cần có cơ chế về vật chất, cơ chế trong công tác đánh giá cán bộ, ưu tiên cho việc bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm đối với những cán bộ có đổi mới, sáng tạo, đem lại lợi ích, hiệu quả trong thực tiễn, đồng thời có sự hỗ trợ về kinh phí cũng như tạo điều kiện để cán bộ thực hiện sự đổi mới, sáng tạo của mình.

Từ sự quyết tâm và nhiều biện pháp đồng bộ đã và đang được triển khai thực hiện tạo nên niềm tin rằng Hậu Giang sẽ đạt được bước đột phá lớn về phát triển nguồn nhân lực, tạo nên nền tảng cho sự phát triển lâu dài và bền vững trong tương lai.

Nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đề ra nhiều chỉ tiêu về phát triển nguồn nhân lực đến năm 2025. Cụ thể, có 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chức danh, trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm, được bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý theo quy định; 100% cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định. Trình độ sau đại học đạt tỷ lệ: 8% cán bộ, công chức, viên chức các cấp; 25% cán bộ chủ chốt các cấp, phấn đấu đến năm 2030, trình độ sau đại học tăng thêm 5%. Có 80% cán bộ, công chức, viên chức được cập nhật kiến thức thường xuyên về kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, phấn đấu đến năm 2030 đạt 100%. Có 70% lao động qua đào tạo, phấn đấu đến năm 2030 đạt 80%, tạo việc làm bình quân mỗi năm 15.000 lao động…

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

------------

Bài 4: Đổi mới trong đánh giá, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>