Xử lý triệt để đáy kênh sau vụ chìm xà lan chở cát

29/09/2021 | 07:44 GMT+7

Từ vụ chìm xà lan chở cát trên kênh xáng Xà No, cho thấy sự vào cuộc ứng phó nhanh chóng và triệt để của các cơ quan chức năng tỉnh.

Tàu thuyền lưu thông an toàn qua khu vực xà lan chở cát chìm ngày 19-9.

Sau khi chiếc xà lan chở cát số hiệu CM-24039 bị chìm trên kênh xáng Xà No vào đêm 19-9, lực lượng chức năng nhanh chóng có mặt tại hiện trường ứng cứu, điều tiết giao thông, xuyên đêm bố trí các biện pháp đảm bảo an toàn lưu thông qua khu vực xảy ra tai nạn.

Theo ông Trần Quang Trung, Chi cục phó Chi cục Quản lý Đường thủy nội địa phía Nam, ngày 20-9, đơn vị đã thông báo hạn chế giao thông thủy trên kênh xáng Xà No cho đến khi luồng tuyến được lưu thông. Nhờ vậy, nhiều phương tiện có lịch trình quá cảnh qua địa phận Hậu Giang sau khi tiếp nhận thông tin trên đã chủ động di chuyển bằng tuyến khác để đảm bảo hành trình.

Qua đánh giá của các cơ quan chức năng, ban đầu tiến độ trục vớt xà lan khá chậm. Nguyên nhân là do đơn vị cứu hộ gặp khó khăn khi trục vớt, vị trí chìm xà lan nước chảy siết, phương tiện tải trọng lớn chìm sâu, vắt ngang lòng kênh. Xác định vấn đề thông luồng là cấp thiết nên Chi cục Quản lý Đường thủy nội địa kết hợp lực lượng Cảnh sát giao thông, Ban An toàn giao thông tỉnh làm việc với chủ phương tiện, buộc phải tăng cường ngay nhân lực, vật lực cứu hộ khẩn trương.

Theo ghi nhận, sau khi yêu cầu chủ phương tiện tăng cường nhân lực, thiết bị tại hiện trường cứu hộ, ngày 25-9 có khoảng 40 công nhân toàn lực xử lý cứu hộ xà lan. 2 máy bơm có tổng công suất khoảng 200 mã lực liên tục bơm tháo nước trong thân xà lan ra sông. Đúng 14 giờ chiều ngày 25-9, luồng tuyến được lưu thông. Đội Thanh tra số 6 của Cục Đường thủy nội địa phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông điều tiết giao thông khi xả luồng để đảm bảo an toàn trong khu vực này, không để ùn tắc.

Chủ phương tiện, bà Phạm Thị Hồng Hoa cho biết: “Ban đầu tôi hợp đồng với phía cứu hộ sẽ trục vớt xong trong 3 ngày. Nhưng khi họ vào cuộc thì tiến độ thi công rất chậm. Sau khi tăng cường thợ lặn, thiết bị, xà lan cũng đã được vớt lên thành công sau đó. Phía tỉnh tiếp tục yêu cầu tôi thuê thợ lặn để kiểm tra xử lý, cam kết không để cát tồn đọng dưới đáy sông, tôi cũng làm theo và xử lý dứt điểm trong ngày 25-9 trước khi rời khỏi Hậu Giang đi sửa chữa xà lan”.

Ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, thông tin: “Chúng tôi sớm tính đến khả năng một lượng cát sẽ theo dòng nước bị cuốn ra ngoài lòng sông. Để đảm bảo an toàn lưu thông, dòng chảy không bị cản trở, sau khi phương tiện được trục vớt, chúng tôi đã thống nhất yêu cầu chủ phương tiện thuê thợ lặn rà soát lại vị trí xà lan chìm. Các lực lượng chức năng liên quan cũng kết hợp khảo sát luồng tuyến đảm bảo thông thoáng dưới lòng sông”.

Ban An toàn giao thông tỉnh thông tin, toàn tỉnh Hậu Giang có 3 tuyến đường thủy quốc gia qua địa bàn gồm kênh: Quản lộ Phụng Hiệp, kênh xáng Xà No và sông Hậu. Để đảm bảo an toàn giao thông, các tuyến đường thủy quốc gia qua địa bàn tỉnh đều được bố trí đủ hạng mục an toàn giao thông, có phao báo hiệu ở những đoạn ngã ba, ngã tư sông, khu vực cấm neo đậu. Có thông báo chiều ngang, chiều sâu luồng, tĩnh không thông thuyền. Đối với phương tiện nhỏ gia dụng, phần lớn chỉ làm công tác tuyên truyền thường xuyên.

Để đảm bảo an toàn giao thông thời gian tới, các cơ quan chức năng, Ban An toàn giao thông tỉnh yêu cầu cơ quan quản lý đường thủy nội địa rà soát xử lý những hạng mục công trình trên sông còn dang dở, không để chướng ngại vật cản trở lưu thông. Rà soát lại hệ thống phao tiêu, biển báo, để điều chỉnh, bổ sung cho đúng quy định. Phối hợp với các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên tuần tra, kiểm soát phương tiện; kiểm tra các văn bằng, chứng chỉ của người điều khiển phương tiện, đảm bảo theo đúng quy định.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>