Hòa nhịp giao thông

02/02/2022 | 15:42 GMT+7

Hạ tầng giao thông là một trong những lĩnh vực trọng tâm nên Hậu Giang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư trong giai đoạn 2021-2025. Nhiều dự án giao thông chiến lược kết nối Hậu Giang với các trung tâm kinh tế lớn sẽ được đầu tư theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực vận tải, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Văn Hòa (thứ 4 từ phải sang), Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khảo sát tiến độ các dự án giao thông vào cuối năm.

Sức sống trên những cung đường

Những ngày cuối cùng của năm 2021, công trình Đường tỉnh 931 nối liền huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh hối hả thi công các phần việc sau cùng. Đây là một trong những cung đường mới được hình thành băng qua vùng nông nghiệp trù phú nối liền huyện Long Mỹ với trung tâm tỉnh lỵ Hậu Giang. Từ đây, khơi thông tiềm năng cho xã Vĩnh Thuận Đông, thị trấn Vĩnh Viễn của huyện Long Mỹ và xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy.

Giao thông Hậu Giang hòa nhịp đồng bằng.

Sau gần 8 năm bôn ba học tập và lao động ở nước ngoài, cuối năm 2021 chị Nguyễn Thị Hương Giang có dịp trở về huyện Long Mỹ thăm lại người thân. Đi trên con Đường tỉnh 931, hai bên là những cánh đồng thơm mùi lúa chín, bất chợt khơi lên một cảm giác lâng lâng xúc động trong lòng người con xa xứ.

Gặp chúng tôi trên con đường mới này, chị Giang tâm sự: “Thời mình đi học, lộ làng còn chưa được đầu tư. Nhà trong quê, lội bộ đến trường mất khoảng 2 tiếng đồng hồ, chưa bao giờ dám mơ tới mấy con lộ ô tô chạy vi vu như vầy! Đường sá ngày nay đổi thay nhiều rồi, rộng thênh thang. Thời gian tôi rời quê đi du học, đường Vị Thanh - Cần Thơ mới mở. Nay, tôi trở về đã rợp vàng hoa hoàng yến thơ mộng, hai bên là những cánh đồng lúa xanh bát ngát”.

Đô thị thành phố Ngã Bảy ngày nay.

Và chị Giang cũng rất mừng khi hay tin tới đây tuyến đường Vị Thanh - Cần Thơ còn có hướng đầu tư mở rộng để đáp ứng nhu cầu vận tải, lưu thông, phát triển kinh tế của khu vực. Với lợi thế đặc trưng vùng đồng bằng sông Cửu Long và là trung tâm kết nối giao thông, vận tải thủy bộ, thương mại - dịch vụ, logistics của vùng Nam sông Hậu, thông qua các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 61, Quốc lộ 61B, Quốc lộ 61C, Quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp, Quốc lộ Nam Sông Hậu, tuyến giao thông Bốn Tổng - Một Ngàn, cùng với hệ thống đường tỉnh lộ kết nối vào hệ thống đường quốc lộ đang phát huy tối đa công năng vận chuyển hàng hóa và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân và doanh nghiệp. Nhờ giao thông thuận lợi, nhiều cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tuyến dân cư dần hình thành, phát huy tối đa vai trò mở đường của giao thông trong công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh.

Chị Bùi Thị Ngọc Hân, ở phường III, thành phố Vị Thanh, chia sẻ năm 2022 là năm đầu tiên chị đón tết tại Hậu Giang. Một trong những lý do gia đình quyết định chọn nơi này vì đây là vùng đất mới dễ phát triển, đường sá thuận tiện giao thương. Từ trung tâm Tỉnh nếu đi Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Cà Mau, đều có những tuyến đường ngắn nhất kết nối với tỉnh bạn.

“Chồng tôi làm việc cho công ty nước ngoài phải thường xuyên đi các tỉnh miền Tây, vì vậy gia đình thống nhất dọn từ thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang về một tỉnh thuộc trung tâm vùng Tây sông Hậu để định cư cho thuận tiện công việc. Đi nhiều nơi, chọn nhiều chỗ và Hậu Giang là điểm đến lý tưởng, bởi hệ thống đường giao thông kết nối tốt với tất cả tỉnh lân cận, đặc biệt là thành phố Cần Thơ. Tỉnh trẻ này sẽ còn nhiều tiềm năng phát triển và đầu tư về công nghiệp, du lịch trong tương lai”, chị Hân tin tưởng.

Nhờ giao thông thuận tiện, những năm gần đây, Hậu Giang đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng. Nhìn lại chặng đường vừa qua, giao thông đóng vai trò “hạt nhân” đi trước mở đường. Sau 18 năm là một bức tranh sinh động, đang và sẽ thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ - hiện đại - kết nối liên vùng.

Hòa nhịp đồng bằng

Nếu như những dòng sông được hình thành từ những con suối nhỏ thì những trục đường liên xã, liên huyện, đường tỉnh của Hậu Giang được đầu tư hoàn thiện dần qua từng nhiệm kỳ. Mỗi cung đường như một cánh tay nối dài gắn liền với chặng đường hình thành và phát triển cơ sở hạ tầng của 8 huyện, thị xã, thành phố. Thành tựu xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông 18 năm qua sẽ là “bệ phóng” khi Hậu Giang được đầu tư thêm nhiều dự án giao thông mang tính chiến lược. Dự kiến các dự án giao thông trọng điểm đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 lên tới số vốn trên 10.000 tỉ đồng.

Hậu Giang tập trung triển khai nhiều dự án trọng điểm để tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hậu Giang, ngay từ năm đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh tập trung triển khai một số dự án trọng điểm để tạo nền tảng, sức lan tỏa cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có đường nối thành phố Vị Thanh với thành phố Cần Thơ giai đoạn 2; dự án kết nối giao thông thủy - bộ Đường tỉnh 925B và kênh Nàng Mau; đồng thời, nhiều tuyến đường tỉnh trên địa bàn cũng được đầu tư mở rộng, phục vụ nhu cầu phát triển, giao thương, vận tải cho các địa phương.

Tỉnh Hậu Giang đang phấn đấu sớm đưa vào sử dụng các dự án đã có chủ trương đầu tư như Đường tỉnh 926B kết nối tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, tỉnh Sóc Trăng; dự án đường nối thị trấn Ngã Sáu đến Nam Sông Hậu; 3 dự án đường ô tô về trung tâm xã Vĩnh Viễn A, Phú Hữu, Phú Tân; dự án Đường tỉnh 927 (đoạn từ xã Phương Bình đến thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp).

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, mục tiêu là đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, phục vụ đắc lực phát triển công nghiệp và logistics. Đảm bảo kết nối giao thông thuận lợi giữa các địa phương trong Tỉnh, giữa tỉnh và các địa phương trong vùng. Tỉnh huy động tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với phát triển đô thị, dịch vụ.

Trong mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Hậu Giang sẽ có các tuyến cao tốc đi qua địa bàn. Trong đó, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài gần 200km đi qua địa phận Hậu Giang khoảng 25km. Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi qua vùng nông nghiệp rộng lớn, kết nối 6 tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Các dự án được kỳ vọng phát huy tối đa vai trò kết nối các vùng kinh tế rộng lớn, thúc đẩy phát triển công nghiệp và logistics của tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025.

 

ẨN LIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>