Y tế đồng bằng khó phát triển vì thiếu bác sĩ

20/08/2018 | 08:46 GMT+7

Thiếu bác sĩ là thực trạng chung của nhiều tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, thiếu nhiều nhất là bác sĩ chuyên ngành hiếm như lao, phong, tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y. Thực trạng này đã và đang là rào cản cho sự phát triển công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của vùng thời gian qua.

Thiếu bác sĩ chuyên ngành lao là thực trạng hiện nay ở Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Hậu Giang.

Bài 1: Thiếu trước, hụt sau

Đào tạo bác sĩ là một nhiệm vụ được các tỉnh đặc biệt quan tâm thời gian qua bằng hình thức đào tạo theo địa chỉ sử dụng, đặc biệt đối với chuyên ngành hiếm được ưu tiên đào tạo nhiều hơn nhưng rất ít bác sĩ chịu theo học. Đó là chưa kể nhiều bác sĩ sau khi đào tạo về không nhận công tác là vấn đề đáng quan ngại.

Tỉnh nào cũng thiếu

Là bệnh viện chuyên khoa, nhưng Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Hậu Giang rất khó khăn về nguồn nhân lực, hầu hết bác sĩ của bệnh viện chưa có chuyên khoa lao. Ông Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Bệnh viện, cho biết: “Bệnh viện có 12 bác sĩ, nhưng chỉ có 2 bác sĩ có chuyên khoa lao, còn lại là bác sĩ đa khoa”. Thực trạng này gây rất nhiều khó khăn cho bệnh viện trong việc nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ đa khoa việc chẩn đoán và điều trị bệnh sẽ không bằng bác sĩ chuyên khoa. Trong khi đó, bệnh viện không chỉ thực hiện công tác khám, chữa bệnh tại cơ sở mà còn thực hiện các chương trình mục tiêu phòng, chống lao, điều trị lao kháng thuốc rất cần lực lượng bác sĩ chuyên ngành lao.

Thực trạng thiếu bác sĩ cũng tương tự ở Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần và Da liễu tỉnh. Ông Nguyễn Xuân Khôi, Giám đốc Bệnh viện, chia sẻ: “Bệnh viện cần khoảng 10 bác sĩ mới đảm bảo phục vụ tốt, nhưng hiện tại chỉ có 5 bác sĩ điều trị bệnh nhân tâm thần kinh, trong đó chỉ có 2 bác sĩ chuyên khoa, 3 bác sĩ học định hướng chuyên ngành tâm thần kinh. Bác sĩ có chuyên môn sâu sẽ nhận biết và điều trị hiệu quả hơn đối với bệnh nhân tâm thần kinh, xử trí các vấn đề về tâm lý bệnh nhân tốt hơn”.

Bác sĩ chuyên ngành pháp y Trung tâm Pháp y tỉnh chỉ có 2 người, trong khi nhu cầu đảm bảo công tác là cần 4 bác sĩ. Bác sĩ chuyên ngành giải phẫu bệnh càng khan hiếm hơn. Đây là thực trạng chung đang gây khó khăn rất nhiều trong công tác khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế.

Không chỉ ở Hậu Giang, nhu cầu có bác sĩ chuyên ngành hiếm là rất cần ở nhiều tỉnh, thành khác trong vùng. Ông Nguyễn Minh Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, cho hay: “Bạc Liêu đạt 8,8 bác sĩ/vạn dân, tuy nhiên, đầu năm tới tỉnh đưa vào hoạt động Bệnh viện Lao, Tâm thần với 180 gường bệnh, rất thiếu chuyên khoa này. Tỉnh mong muốn được hỗ trợ đào tạo các chuyên khoa này mới đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ hoạt động của bệnh viện”.

 Theo tổng hợp của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, cả vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có 8 bệnh viện Lao và bệnh Phổi hoạt động cũng đã khá lâu, nhưng số bác sĩ chuyên ngành này rất ít, nhiều tỉnh chỉ có từ 1-5 bác sĩ chuyên ngành này. Chuyên ngành lao cũng là chuyên ngành các tỉnh có nhu cầu đào tạo cao nhất hiện nay. Đối với nhu cầu đào tạo 5 chuyên ngành hiếm, trung bình mỗi năm ở 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu đào tạo khoảng 250 bác sĩ. Tổng số bác sĩ chuyên ngành hiếm có nhu cầu đào tạo giai đoạn 2016-2020 là trên 1.200 bác sĩ.

Bài toán ra đi - ở lại

Theo chia sẻ của ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang: “Hai, ba năm gần đây số đào tạo theo địa chỉ sử dụng xin đi rất nhiều, tỷ lệ chính quy rời bỏ khỏi An Giang khoảng 20%. Có nhiều em đào tạo theo địa chỉ sử dụng về đòi bồi thường để làm nơi khác. Chúng tôi sợ hiệu ứng không tốt, nếu cho 1 trường hợp sẽ gây hiệu ứng cho nhiều em khác xin bồi thường. Dù tiền bồi thường đã tăng 200% chi phí hỗ trợ đào tạo. Đào tạo theo địa chỉ sử dụng đã có cam kết sau khi đi học rồi về phải làm việc đủ thời gian bằng thời gian đi học, nhưng thời gian qua chưa ràng buộc được. Các em vẫn chấp nhận bồi thường để đi. Bác sĩ đào tạo theo địa chỉ sử dụng xong không muốn về huyện mà đòi ở các bệnh viện lớn của tỉnh trong khi các huyện đang thiếu bác sĩ”. An Giang là một trong các tỉnh có tỷ lệ bác sĩ/vạn dân thuộc tốp thấp của vùng, đặc biệt một số khu vực giáp biên giới Campuchia như huyện Tịnh Biên, An Phú gánh nặng thêm chăm sóc y tế cho người dân nước bạn, các huyện này tỷ lệ bác sĩ/vạn dân còn thấp hơn.

Thực trạng cũng không khả quan ở tỉnh Đồng Tháp, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Hàng năm, số bác sĩ ra trường ngành y tế tỉnh tính được khoảng 100 người, nhưng các em ra trường tứ tán, đi thường tiền đủ thứ, đi nhiều lắm. Vì vậy, nếu có 100 em ra trường vẫn thiếu mấy chục bác sĩ. Trong khi nhu cầu của tỉnh mỗi năm cần đào tạo khoảng 100 bác sĩ”.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lữ Quang Ngời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, nhận định: “Thực tế các bệnh viện tư hút nhân lực bác sĩ bệnh viện công rất nhiều. Bác sĩ rất khó đào tạo và mất nhiều thời gian. Các bệnh viện công chưa đủ điều kiện để thu hút nhân lực”.

Không chỉ có những trường hợp bác sĩ mới đào tạo xong về không nhận việc, chấp nhận bồi thường xin đi làm ở tỉnh khác, tình trạng bác sĩ nghỉ việc ở các bệnh viện công thời gian qua cũng gây hụt hẫng cho ngành y tế các tỉnh. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang, tại Hội nghị đào tạo nguồn nhân lực y tế vùng đồng bằng sông Cửu Long mở rộng năm 2018 vừa được tổ chức ở Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, ở các cơ sở y tế công lập của tỉnh đã có nhiều trường hợp xin nghỉ việc. Thực trạng này đáng báo động bởi để đào tạo một bác sĩ ít nhất mất 6 năm đối với 1 bác sĩ và 10 năm để có bác sĩ chuyên khoa cấp 1.

Đào tạo bác sĩ đã là một công việc khó, mất nhiều thời gian, mà ở vùng hiện nay lại gánh chịu thực trạng bác sĩ bỏ việc, đã đặt ra những thách thức cho ngành y tế các tỉnh, thành.

Nhiều tỉnh tỷ lệ bác sĩ/vạn dân thấp

Theo số liệu tổng hợp của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân bình quân chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2018 là 7,85 bác sĩ, trong đó có 6 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng có tỷ lệ bác sĩ/vạn dân thấp hơn trung bình chung của vùng, thấp nhất là tỉnh An Giang chỉ có 6,3 bác sĩ/vạn dân. Theo dự tính, đến năm 2020, toàn vùng cần tăng tỷ lệ bác sĩ/vạn dân lên trung bình 9,16 bác sĩ/vạn dân.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Bài 2: Đủ bác sĩ đã khó, giữ được lại càng khó…

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>