Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh: Hay, nhưng chưa đồng bộ

17/04/2017 | 08:24 GMT+7

Sau hơn 1 năm ngành y tế tỉnh triển khai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế, đến nay, 100% cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai ứng dụng. Tuy nhiên, vẫn chưa thể liên thông dữ liệu trong toàn tỉnh và còn nhiều cái khó khác...

Phòng khám Đa khoa khu vực Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, còn gặp khó khi ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh.

Một nửa chưa đẩy dữ liệu kịp thời

Ông Phan Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Ngành đã triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và  xem đây là yêu cầu bắt buộc. Kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đã được xây dựng có lộ trình cụ thể. Các cơ sở khám, chữa bệnh đã phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin ở đơn vị mình. Đến nay, 100% cơ sở y tế đã triển khai phần mềm nhập dữ liệu và kết xuất được dữ liệu. Cuối tháng 2-2017, tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã đẩy dữ liệu lên cổng giám định bảo hiểm y tế hàng ngày”.

Tuy nhiên, qua thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Theo ông Lê Thanh Tùng, Trưởng phòng khám Đa khoa khu vực Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A: “Mạng chạy chậm và hay bị trục trặc, bị lỗi đã ảnh hưởng nhất định đến công tác khám, chữa bệnh, đôi khi bệnh nhân phải chờ đợi. Điều kiện máy tính, máy in của phòng khám còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cần được đầu tư thêm máy tính để triển khai phần mềm phục vụ khám, chữa bệnh riêng cho các chuyên khoa lẻ răng - hàm - mặt, tai - mũi - họng”.

Bên cạnh đó, vấn đề đẩy dữ liệu lên cổng giám định bảo hiểm y tế còn chưa được thực hiện đúng, kịp thời. Theo thông tin từ Sở Y tế tỷ lệ đẩy hồ sơ lên cổng giám định bảo hiểm y tế tỉnh đúng ngày chỉ đạt trên 50%, còn một nửa chưa đẩy dữ liệu kịp thời, chậm 1 ngày hay 4-5 ngày. Riêng việc đẩy hồ sơ lên cổng Bộ Y tế hồ sơ đúng đạt 68%. Hồ sơ còn lại bị lỗi cấu trúc, mã dữ liệu, sửa xóa,... Ông Phan Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, nhấn mạnh: “Một số cơ sở y tế chưa quan tâm đúng mức đến việc triển khai phần mềm, cán bộ công nghệ thông tin phụ trách đẩy dữ liệu chưa thực hiện đúng. Trình độ tin học của một số cán bộ y tế còn hạn chế. Kết quả giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 2 tháng đầu năm có 0,23% hồ sơ bị từ chối thanh toán toàn bộ và 1,33% hồ sơ bị từ chối thanh toán một phần”. Với tình trạng này cứ tiếp diễn thì ông Tùng dự báo ngành y tế sẽ bị từ chối thanh toán bảo hiểm y tế hàng chục tỉ đồng trong năm 2017.

Nỗ lực liên thông dữ liệu vào 30-6

Đây là một nhiệm vụ khá khó khăn trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế của ngành, trong khi hiện nay việc trang bị phần mềm mang tính tự phát. Cả tỉnh có 5 đơn vị tham gia cung cấp phần mềm cho ngành y tế, nhưng chưa có tiếng nói chung với nhau nên chưa thể liên thông dữ liệu. Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng phòng khám Đa khoa khu vực Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, khẳng định: “Nếu không liên thông được dữ liệu thì không thể kiểm soát được tình trạng người bệnh mới khám, chữa bệnh ở cơ sở này rồi sang khám, chữa bệnh ở cơ sở khác, vì hiện nay, đã thực hiện thông tuyến khám, chữa bệnh”.

 Thực tế, hiện tại VNPT Hậu Giang đã triển khai phần mềm cho 61/76 trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, còn lại do Viettel Hậu Giang triển khai. Tuyến huyện, thị, thành có nhiều công ty phần mềm tham gia: VNPT, Viettel, Dược Hậu Giang, Trường Đại học Cần Thơ,… và chưa có sự liên thông dữ liệu với nhau giữa các phần mềm. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thỉnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vị Thủy, cho biết: “Chúng tôi đã mua phần mềm của Trường Đại học Cần Thơ năm 2014, chúng tôi sẽ nói với Trường Đại học Cần Thơ làm sao thông tuyến để phù hợp với yêu cầu”. Còn theo ông Đỗ Phát Hưng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A: “Đây là lĩnh vực chuyên sâu không phải trình độ của cán bộ đơn vị nào cũng làm tốt. Đòi hỏi các nhà mạng phải kết nối. Nếu nhà mạng nào đảm bảo được Sở Y tế có thể chỉ đạo thực hiện luôn”.

Trước tình trạng giữa các phần mềm chưa thể liên thông dữ liệu và yêu cầu đặt ra phải liên thông dữ liệu tuyến tỉnh vào cuối tháng 6, ông Trương Ngọc Lợi, Phó Giám đốc chi nhánh Viettel Hậu Giang, khẳng định: “Chúng tôi sẽ phối hợp với VNPT Hậu Giang làm việc với nhau trong tháng 5 để tìm giải pháp liên thông dữ liệu”.

Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế là việc làm hết sức cần thiết của ngành y tế hiện nay, nó không chỉ đem lại lợi ích phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân nhanh chóng, mà còn giúp ích rất nhiều cho các cơ sở y tế. Những vấn đề hạn chế, khó khăn hiện nay cần được các cơ sở y tế và đơn vị cung cấp phần mềm khắc phục để đạt được lợi ích này.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>