Từ “dân số vàng” sang “dân số già” - Đáng lo

19/05/2021 | 08:26 GMT+7

Nhiều vấn đề được dự báo sẽ gây ra khó khăn trong tương lai, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vậy để tăng mức sinh, kéo dài thời kỳ dân số vàng có dễ ?

Bài 3: Mỗi cặp vợ chồng cần sinh đủ 2 con

Để đạt được mục tiêu này theo nhận định của những người làm công tác dân số không hề dễ. Cần có những giải pháp hiệu quả trong tuyên truyền, vận động và có những chính sách đủ mạnh để khuyến khích sinh đủ 2 con.

Công tác tuyên truyền, vận động cần đổi mới cho phù hợp với mục tiêu công tác dân số hiện nay. (Trong ảnh là cộng tác viên dân số ở phường I, thành phố Vị Thanh (phải), tuyên truyền người dân về các chính sách công tác dân số).

Nhưng không dễ tăng sinh

Quan niệm kết hôn muộn, sinh con muộn, ngại sinh con vì sợ không lo tốt,... đã được hình thành và phát triển mạnh trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ hiện nay. Tất cả vấn đề này đã ảnh hưởng rất lớn đến ý thức, nhu cầu sinh con của các cặp vợ chồng và đã làm cho mức sinh của Hậu Giang ngày càng giảm.

Theo nhận định của nhiều cán bộ làm công tác dân số khả năng tăng sinh khó gấp bội so với công tác giảm sinh. Điển hình cho đến nay, nhiều nước trên thế giới đã thành công trong công tác giảm sinh nhưng lại chưa có một quốc gia nào thành công trong việc nâng mức sinh sau khi đã xuống quá thấp như Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc,… Vấn đề hiện nay là làm sao thay đổi quan điểm, suy nghĩ và hành động của thế hệ trẻ đúng định hướng mục tiêu công tác dân số.

Tâm lý sinh ít để lo cho chu đáo, cho con học hành, thành đạt đang là tâm lý chung của nhiều gia đình khác ở phường I. Chị Bùi Thị Phượng, ở khu vực 4, phường I, nói: “Thời điểm còn trẻ do điều kiện kinh tế mình không dám sinh thêm con dù chỉ có một cô con gái. Bây giờ đã hơn 40 tuổi thì chuyện sinh con không dám nữa sợ nhiều tai biến”. Đây là vấn đề rất khó thay đổi trong cuộc vận động tăng sinh con hiện nay.

Cũng nhận thấy thực trạng này, bà Nguyễn Thị Kim Loan, cộng tác viên dân số phường I, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Đối với những phụ nữ có chồng còn trẻ thì vận động có khả thi hơn, còn đối với những người đã có tuổi gần hoặc hơn 40 tuổi thì hầu như chuyện sinh thêm cháu nữa là không thể”.

Theo ông Trần Thanh Tiền, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Long Mỹ: “Vấn đề hiện nay muốn tăng sinh thì chúng ta cần giải quyết những vấn đề còn chưa thống nhất giữa các quy định. Các chỉ tiêu kế hoạch hóa gia đình cần phù hợp hơn, nếu đồng thời giao chỉ tiêu kế hoạch hóa gia đình cao mà đồng thời tăng sinh là không thể, vì nếu tăng mức sinh địa phương sẽ không đạt chỉ tiêu về kế hoạch hóa gia đình”.

“Không có người sinh con thứ 3 thì sẽ không thể bù đắp được những trường hợp vô sinh hay sinh một con, tuy nhiên nếu đặt vấn đề sinh con thứ ba lại phát sinh nhiều vấn đề khác. Rất khó phân định ai được sinh con thứ ba và ai không. Nếu tình trạng sinh con thứ ba rơi vào hộ nghèo, khó khăn sẽ khó lo chu toàn, gánh nặng nghèo đói sẽ nặng nề hơn”, bà Cao Thị Ánh Hồng, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Phụng Hiệp, băn khoăn. Đồng thời, tạo điều kiện để các gia đình phát triển kinh tế nhằm có khả năng về kinh tế để lo cho 2 con.

Đổi mới tuyên truyền, cần có chính sách khuyến khích

Khẩu hiệu tuyên truyền 2 năm nay đã chuyển đổi từ mỗi gia đình sinh từ 1 đến 2 con để nuôi dạy cho tốt sang vận động mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, đồng thời, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt.

Bà Võ Thị Hoàng Loan, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, khẳng định: “Phải xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với thực trạng mức sinh của từng vùng, đối tượng theo hướng sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao, sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp, duy trì mức sinh thay thế trên toàn tỉnh. Việc tăng sinh cũng đồng thời với kế hoạch hóa gia đình đối với những cặp vợ chồng đã sinh đủ 2 con”.

Dự kiến ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh sẽ có những đề xuất chính sách khuyến khích ấp, khu vực, xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình gia đình sinh đủ 2 con. Đề xuất chính sách khuyến khích khen thưởng tôn vinh cặp vợ chồng sinh đủ 2 con một bề là gái nhằm tăng cường kiểm soát cân bằng giới tính khi sinh. Chính sách hỗ trợ các hoạt động dân số. Chính sách động viên, khuyến khích cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình,… nhằm khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con.

Theo bà Cao Thị Ánh Hồng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, huyện sẽ tiến hành phát phiếu điều tra nguyên nhân vì sao các cặp vợ chồng chỉ sinh một con để đánh giá đúng thực trạng và có những đề xuất phù hợp. Hiện nay, thực trạng sinh một con cũng xảy ra ở lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên,… để tăng mức sinh cần phát huy tính gương mẫu của lực lượng này.

Còn theo ông Trần Thanh Tiền, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Mỹ: “Công tác tuyên truyền cần gắn liền với các hội, đoàn thể vì đây là những lực lượng có mặt hầu hết ở các hộ gia đình, mỗi người gương mẫu thực hiện và tuyên truyền những người thân của mình thực hiện sẽ đem lại hiệu quả tích cực hơn”.

Việc tăng mức sinh phải đồng thời với nâng cao chất lượng dân số với các mô hình khám sức khỏe tiền hôn nhân và sàng lọc trước sinh và sơ sinh, cần có những chính sách cho người cao tuổi,… phát huy vai trò người cao tuổi trong giáo dục, khuyên nhủ con cái sinh đủ 2 con và sống khỏe, kéo dài thời gian lao động.

Chuyện sinh con của mỗi cặp vợ chồng bây giờ không còn là việc riêng của các gia đình nữa, mà đã là vấn đề cấp bách của xã hội. Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, nuôi dạy tốt là góp phần rất lớn để kéo dài thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, chất lượng dân số cũng sẽ được nâng lên và đạt được mức sinh thay thế 2,1 con/bà mẹ vào năm 2030 theo tinh thần của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới. Đồng thời, đảm bảo nguồn nhân lực lao động có chất lượng cho sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của tỉnh ở hiện tại và tương lai.

Phấn đấu toàn tỉnh sinh đạt 2 con/phụ nữ trở lên

Theo đề xuất của ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh, những năm tiếp theo tỉnh cần tiếp tục duy trì mức sinh ở các địa phương có số con/bà mẹ từ 1,9-2,1 con; tăng trung bình 0,05-0,1 con/bà mẹ/năm ở những địa phương có số con/bà mẹ dưới 1,9 con; giảm 0,01-0,1 con/bà mẹ/năm ở những địa phương có số con/bà mẹ trên 2,1 con. Phấn đấu đến năm 2030 là 2,1 con/bà mẹ.

Bình quân đến năm 2030, tỷ lệ bà mẹ sinh đủ 2 con so với số bà mẹ đẻ trong năm tăng 5%; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên hàng năm dưới 10%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân đến năm 2030 từ 0,6-1%/năm. Giảm tỷ lệ nạo phá thai dưới 1,5% tổng số phụ nữ mang thai toàn tỉnh đến năm 2020 và đến năm 2030 dưới 1%.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN – HỒNG DIỄM

Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>