Từ “dân số vàng” sang “dân số già” - Đáng lo

17/05/2021 | 08:15 GMT+7

Theo dự báo của ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hậu Giang, đến năm 2030 tỉnh có thể sẽ chuyển từ giai đoạn dân số vàng sang thời kỳ dân số già, nếu không có những giải pháp can thiệp ngay từ bây giờ.

Bài 1: Thành thị, nông thôn đều có mức sinh thấp

Mức sinh thấp hầu như xảy ra đều khắp ở các huyện, thị, thành phố của tỉnh làm cho tỷ lệ sinh của tỉnh chỉ còn xấp xỉ 1,6 con/bà mẹ.

Theo các gia đình, để nuôi dưỡng một người con bây giờ, chi phí cao rất nhiều so với thế hệ trước.

Mức sinh liên tục giảm trong 10 năm qua

Qua số liệu vừa điều tra của ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh về số con/bà mẹ cho thấy con số này đang tiếp tục giảm, ngành dân số tỉnh đã nhận ra thực trạng này và có những đề xuất kéo tăng trở lại, nhưng năm 2019-2020 vẫn tiếp tục giảm.

Bà Võ Thị Hoàng Loan, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, cho biết: “Theo số liệu điều tra của ngành, năm 2011 có 2,4 con/bà mẹ, năm 2012 có 2,8 con/bà mẹ, năm 2013 có 2,3 con/bà mẹ, năm 2014 có 1,96 con/bà mẹ, năm 2015 có 1,88 con/bà mẹ, năm 2016 có 1,61 con/bà mẹ, năm 2017 có 1,59 con/bà mẹ.. đến năm 2019 mức sinh cũng không tăng thêm là bao”. Vậy là mức sinh đang giảm liên tục trong 10 năm.

Hiện nay, Hậu Giang có trên 181.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15-49 tuổi), trong đó số phụ nữ có chồng là trên 127.000 phụ nữ. Trong số phụ nữ có chồng có gần 51.500 phụ nữ có chồng nhưng chưa có con hoặc có 1 con, chiếm tỷ lệ 41%; số phụ nữ có 2 con trên 61.600, nhiều hơn 2 con là gần 13.900 phụ nữ. Bà Loan cho biết thêm: “Mặc dù chúng ta có nguồn để tăng sinh, nhưng chỉ có khoảng 20% phụ nữ có chồng có từ 0 đến 1 con sinh hàng năm”.

Theo dự báo của ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh, nếu không có giải pháp can thiệp, dự kiến giai đoạn từ năm 2017-2020 số con/bà mẹ sẽ tiếp tục giảm còn 1,5 con, giai đoạn 2021-2025 giảm còn 1,2 con/bà mẹ, giai đoạn 2026-2030 giảm còn 1,02 con/bà mẹ. Trong khi, mức sinh cần đạt là 2,1 con/bà mẹ.

Số con/bà mẹ ở các huyện, thị, thành cũng có sự chênh lệch nhau đáng kể. Thị xã Long Mỹ cao nhất với 1,9 con/bà mẹ, trong khi huyện Long Mỹ có 1 con/bà mẹ, thấp gần 2 lần. Vấn đề đặt ra ở đây vì sao nông thôn sâu như huyện Long Mỹ số con/bà mẹ lại ít?.

Ở huyện Châu Thành A có nhỉnh hơn huyện Long Mỹ nhưng cũng nằm trong tốp thấp với số con/bà mẹ là 1,3 con. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Một số xã, thị trấn có số con/bà mẹ thấp dưới 1 con, như: xã Tân Phú Thạnh, Trường Long A, Trường Long Tây và thị trấn Rạch Gòi”. Không chỉ có huyện Châu Thành A, mà huyện Châu Thành, huyện Phụng Hiệp, khu vực đô thị như ở thành phố Vị Thanh mức sinh cũng thấp hơn bình quân chung của tỉnh.

Vì sao không sinh đủ 2 con?

Hậu Giang sau nhiều năm thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tạo sự chuyển biến nhận thức và hành động, thực sự đi vào cuộc sống của người dân và đạt được kết quả quan trọng. Khống chế được tốc độ gia tăng dân số thành công, đạt mức sinh thay thế 2,1 con/bà mẹ năm 2006, trước 9 năm so với mục tiêu của Chiến lược dân số Việt Nam đề ra.

Chất lượng dân số đã từng bước được cải thiện đáng kể với tuổi thọ trung bình tăng từ 70,26 tuổi năm 2004 lên khoảng 80 tuổi tuổi năm 2020. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình được mở rộng đến vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn và chất lượng từng bước được nâng cao.

Trao đổi về vấn đề này, bà Võ Thị Hoàng Loan, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, cho rằng: “Hàng năm, tỉnh đều thực hiện đạt và vượt cao về chỉ tiêu giảm sinh. Điều này chứng tỏ các giải pháp thực hiện kiểm soát mức sinh đã có hiệu quả và làm thay đổi từ quan niệm có con đông để có lực lượng lao động, vui nhà vui cửa, có người nối dõi tông đường,... được thay thế bằng quan niệm dừng lại 1 hoặc 2 con để nuôi dạy tốt, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, giảm nghèo đói vì gánh nặng đông con, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nhưng không có chính sách tăng mức sinh ở vùng có mức sinh thấp, duy trì mức sinh ở những vùng đã đạt mức sinh thay thế hoặc có chính sách ưu tiên tăng sinh trên từng đối tượng”.

Bên cạnh đó, trình độ dân trí được nâng lên, cơ chế thị trường, do mưu sinh, áp lực cuộc sống, công việc, áp lực kinh tế cùng với nhịp sống vội vã, bận rộn, khiến nhiều gia đình không dám sinh con thứ hai.

Bà Phan Thị Bé Hai, ở khu vực 4, phường I, thành phố Vị Thanh, tâm sự: “Chi phí nuôi con hiện nay cao hơn thế hệ trước rất nhiều nên vợ chồng tôi ngán ngại lo cho con không nổi và chỉ dừng lại ở một cháu dù là gái. Đến nay, cháu đã hơn 20 tuổi, đang học đại học ngành y. Chỉ tính riêng chi phí học đại học thì đã mấy trăm triệu đồng nên nếu có hai con mình sẽ không lo xuể”. Đây không chỉ là tâm lý riêng của bà Bé Hai mà còn là tâm lý chung của những cặp vợ chồng trẻ thời bây giờ.

Nhiều trường hợp khác vì vấn đề sức khỏe, tâm sinh lý khi mang thai mà chỉ sinh 1 con. Chị Nguyễn Thị Anh, ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, kể: “Con trai đã 15 tuổi nhưng chắc là tôi không sinh thêm cháu nữa, quyết định dừng lại ở 1 con. Khi mang thai sức khỏe tôi rất yếu, bị hành dữ lắm”. Với tâm lý này, chị sợ mang thai lần 2 cũng sẽ tương tự như vậy nên không dám sinh thêm con.

Một trong những nguyên nhân nữa là thực trạng phá thai vị thành niên hiện nay cũng làm cho nhiều phụ nữ khó sinh.

 Theo ông Trần Trung Dũng, quyền Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh: “Năm 2020, tỉnh có tổng số trên 11.500 phụ nữ có thai, trong đó vị thành niên 316 người, chiếm tỷ lệ 2,7%, tăng 0,2% so với cùng kỳ. Tổng số phá thai 1.024, chiếm tỷ lệ 7,4% so với số phụ nữ có thai, trong đó vị thành niên phá thai chỉ có 3 trường hợp. Tuy nhiên, thực trạng số vị thành niên đến các cơ sở y tế công còn thấp, nên con số này chưa phản ánh thực tế tình hình có thai và phá thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên. Số trường hợp phá thai ở cơ sở tư nhân dự báo sẽ nhiều hơn mấy lần”.

Nguyên nhân theo ông Dũng là do các cơ sở y tế công chưa tổ chức tốt dịch vụ cho vị thành niên. Những vấn đề về rào cản pháp lý, như: Dưới 16 tuổi đến nhận dịch vụ về sức khỏe sinh sản phải có người giám hộ. Vị thành niên khi đi phá thai cũng ngại đến các nơi có đông người mà muốn đến cơ sở càng xa tránh gặp mặt người quen. Việc có thai và phá thai ở tuổi vị thành niên sẽ gây nhiều tác hại, có thể gây viêm nhiễm đường sinh sản, dễ dẫn đến hiếm muộn vô sinh về sau.

Ngoài ra, hiện nay thanh niên kết hôn ở độ tuổi muộn hơn và cùng với vấn đề hiếm muộn, vô sinh ngày càng nhiều dẫn đến mức sinh của tỉnh càng giảm, thực trạng là Hậu Giang đang có mức sinh thấp. Thực trạng này đặt ra nhiều hệ lụy về sau.

Mức sinh cần đạt là 2,1 con/bà mẹ

Theo dự báo của ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh, nếu không có giải pháp can thiệp, dự kiến giai đoạn từ năm 2017-2021 số con/bà mẹ sẽ tiếp tục giảm còn 1,5 con, giai đoạn 2021-2025 giảm còn 1,2 con/bà mẹ, giai đoạn 2026-2030 giảm còn 1,02 con/bà mẹ. Trong khi, mức sinh cần đạt là 2,1 con/bà mẹ.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN - HỒNG DIỄM

Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>