Triển khai Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở tại 13 tỉnh trong cả nước

25/08/2020 | 14:45 GMT+7

(HGO) - Ngày 25-8, Bộ Y tế phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, UBND 13 tỉnh, tổ chức Hội nghị trực tuyến “Khởi động và ký kết thỏa thuận triển khai Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở”. GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Hậu Giang có ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hậu Giang.

13 tỉnh nằm trong dự án là: Hà Giang, Bắc Kạn, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Long An, Trà Vinh, Hậu Giang và Bạc Liêu. Dự án có tổng mức đầu tư 126 triệu USD, sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Thế giới và vốn viện trợ không hoàn lại của Quỹ Tài chính toàn cầu (GFF), Chương trình Y tế của các nhà tài trợ (MDTF) và Quỹ Quản lý dược phẩm, với 3 hợp phần chính: Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất cho mạng lưới y tế cơ sở; Nâng cao năng lực của trạm y tế cơ sở trong quản lý các vấn đề sức khỏe ưu tiên; Hỗ trợ xây dựng chính sách, thí điểm các sáng kiến, quản lý và điều phối dự án. Sự ra đời của dự án này xuất phát từ những thách thức trong chăm sóc sức khỏe của Nhân dân như già hóa dân số, bệnh không lây nhiễm; tồn tại những khoảng cách trong chăm sóc sức khỏe giữa vùng khó khăn và các nơi trung tâm; vấn đề quá tải bệnh viện; việc cắt giảm phụ thuộc hỗ trợ từ nước ngoài… Trong giai đoạn 2020-2024, sẽ có 138 trạm y tế được xây mới, 325 trạm y tế và 12 trung tâm y tế tuyến huyện được nâng cấp.

Dự án được kỳ vọng nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe người dân tại cơ sở. Trong ảnh là theo dõi sức khỏe tại nhà để phòng dịch tại xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh: Mục tiêu chung của dự án là nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế của mạng lưới y tế cơ sở tại các tỉnh có dự án; hỗ trợ cải thiện các dịch vụ dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu, ưu tiên các đối tượng là bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, người dân ở vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đảm bảo sức khỏe, nâng cao tuổi thọ, cải thiện chất lượng sống của người dân. Dự án lần này có nhiều thay đổi trong phương thức quản lý tài chính so với trước. Trung ương chú trọng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, còn các tỉnh được phân cấp và giao trách nhiệm lớn trong triển khai, giải ngân dự án tại tỉnh. Việc thực hiện sẽ không đại trà, tập trung cho những cơ sở y tế còn gặp nhiều khó khăn, đáp ứng được nhu cầu và tình hình thực tế, phù hợp với nhân lực hiện có của các cơ sở y tế.

- Tại Hậu Giang, dự thảo kế hoạch đưa ra cần kinh phí hơn 91,8 tỉ đồng để thực hiện dự án (trong đó có vốn từ dự án và vốn của tỉnh). Dự kiến trong 5 năm tới sẽ xây dựng mới 2 trạm y tế; nâng cấp, sửa chữa 19 trạm y tế khác và 5 trung tâm y tế tuyến huyện.

 

Tin, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>