Triển khai điều trị HIV/AIDS qua thẻ bảo hiểm y tế: Vẫn còn nhiều điểm khó

22/02/2019 | 08:05 GMT+7

Dự kiến trong năm nay sẽ chính thức triển khai khám, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS qua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Công tác chuẩn bị đã được thực hiện, nhưng theo các cơ sở y tế chuyên điều trị cho bệnh nhân “H” vẫn còn những khó khăn cần được giải quyết để bệnh nhân được tiếp cận điều trị tốt nhất.

Bệnh nhân HIV/AIDS được chăm sóc tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

Theo ông Võ Chí Đại, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, để chuẩn bị triển khai thực hiện khám, chữa bệnh cho bệnh nhân HIV/AIDS qua thẻ BHYT, trung tâm đã kiện toàn 2 cơ sở điều trị ARV trên địa bàn tỉnh, đó là tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh và Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy. Thực hiện sắp xếp lại Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS để đảm bảo đúng theo quy định của Cục Phòng, chống HIV/AIDS và Bảo hiểm xã hội tỉnh. Tổ chức mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác khám và điều trị cho bệnh nhân thông qua BHYT. Đã được phê duyệt Danh mục kỹ thuật, Danh mục thuốc với Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, ông Đại cho biết vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai: “Điểm khó đầu tiên là một số bệnh nhân mới đăng ký điều trị chưa có thẻ BHYT, hiện tại có khoảng 40 bệnh nhân đang điều trị chưa có thẻ BHYT. Số bệnh nhân ngoài tỉnh đa phần chưa có thẻ BHYT. Nhiều bệnh nhân đi làm ăn xa, công ty cấp thẻ BHYT tại các bệnh viện ở tỉnh đang làm việc sẽ gặp khó khi điều trị ở tỉnh. Kinh phí mua thẻ BHYT cho bệnh nhân còn hạn chế. Điểm khó nữa là hiện nay, thuốc ARV do BHYT cấp mới chỉ có một phác đồ cho người lớn (TDF/3TC/EFV300/300/600mg), còn lại phác đồ AZT/3TC/NVP 300/150/200mg) vẫn chưa được cấp. Còn lại các phác đồ khác điều trị cho bệnh nhân vẫn sử dụng của các dự án tài trợ. Chúng tôi đặc biệt quan tâm và lo ngại về công tác giữ bí mật cho bệnh nhân. Vì bệnh nhân điều trị tại các phòng khám nhận thuốc qua BHYT khi về địa phương điều trị các bệnh khác thì liệu các bệnh viện ngoài các phòng khám có biết được các thông tin của bệnh nhân không? Nếu biết thì công tác bảo mật cho bệnh nhân gặp khó khăn”. Hiện tại, tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đang thực hiện điều trị cho trên 400 bệnh nhân, nguồn thuốc đang sử dụng từ các chương trình, dự án tài trợ. Vẫn đảm bảo bệnh nhân được điều trị tốt.

Nhiều năm qua, một số bệnh nhân ở tỉnh khác đến đây điều trị đã đặt trọn niềm tin vào cơ sở điều trị tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, tuy nhiên, khi được thông tin điều trị qua thẻ BHYT vẫn còn những băn khoăn. Ông N.V.T., quê ở tỉnh Kiên Giang, chia sẻ: “Tôi đã điều trị bệnh ở đây 8 năm rồi. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hậu Giang đã điều trị cho tôi ổn định sức khỏe và làm việc để sinh sống. Vợ tôi cũng điều trị bệnh ở đây. Do làm ăn xa nên thường tôi được cấp thuốc điều trị 2 tháng mới tái khám một lần. Tuy nhiên, khi áp dụng điều trị bệnh qua thẻ BHYT, chúng tôi mong muốn hoạt động điều trị tiếp tục được duy trì như trước đây, để bệnh nhân an tâm điều trị”.

Bệnh nhân N.T.T., quê ở huyện Long Mỹ, nhưng làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, bày tỏ: “Nếu thời gian quy định cấp thuốc ngắn hơn sẽ ảnh hưởng nhiều đến bệnh nhân khi phải đi làm công ty, xí nghiệp ở xa. Việc xin nghỉ phép để về quê mỗi năm được quy định cụ thể, mình nghỉ nhiều quá cũng khó”. Khi khám, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS tại trung tâm, các bác sĩ đều thông tin cho bệnh nhân về việc sẽ áp dụng điều trị qua thẻ BHYT và vận động người bệnh tham gia BHYT, một số bệnh nhân mới phát hiện bệnh sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận điều trị khi không có thẻ BHYT.

Tại Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy là cơ sở thứ hai của tỉnh đang thực hiện điều trị cho trên 200 bệnh nhân HIV/AIDS. Ông Lê Văn Tranh, Trưởng phòng khám, điều trị HIV/AIDS và điều trị thay thế các dạng thuốc phiện bằng methadone, chia sẻ: “Chúng tôi cũng dự báo những khó khăn gặp phải khi triển khai điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS qua thẻ BHYT. Đặc biệt là vấn đề tâm lý và mặc cảm, sự e ngại của bệnh nhân sợ nhiều người khác biết được tình trạng bệnh của mình. Vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng tham mưu với Ban Giám đốc trung tâm, bố trí đầy đủ điều kiện điều trị cho bệnh nhân ở khu riêng, đảm bảo để bệnh nhân an tâm điều trị và tránh e ngại mà bỏ trị”.

Để bệnh nhân HIV/AIDS được tiếp cận điều trị thuận lợi nhất, ông Đại đề nghị UBND tỉnh cấp thêm kinh phí mua thẻ BHYT cho bệnh nhân, tiếp tục lập danh sách mua thẻ BHYT cho bệnh nhân mới đăng ký điều trị. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh sẽ làm việc với phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh để thống nhất cách thức thanh toán BHYT cho bệnh nhân. Và làm việc với Bảo hiểm xã hội tỉnh về công tác giữ bí mật cho bệnh nhân trong khám và điều trị ARV thông qua BHYT.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>