Sàng lọc sơ sinh: Đạt chỉ tiêu năm 2018 không dễ

05/03/2018 | 07:49 GMT+7

Sàng lọc sơ sinh là một trong những mô hình nâng cao chất lượng dân số được huyện Phụng Hiệp đã thực hiện mấy năm qua, góp phần phát hiện sớm các trẻ mắc bệnh lý thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh nhằm đảm bảo trẻ sơ sinh ngày càng khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, còn nhiều nguyên nhân khiến không ít trẻ sơ sinh chưa được sàng lọc.

Các thai phụ nên chọn sinh con ở cơ sở có thực hiện sàng lọc sơ sinh để có thể sàng lọc bệnh cho trẻ sau khi chào đời.

Người dân chưa thấy tầm quan trọng

Mang thai 23 tuần tuổi, chị Lê Thúy An, ở ấp Tân Hiệp, xã Tân Bình, mong muốn chăm sóc tốt nhất cho bào thai để con chào đời khỏe mạnh, tuy nhiên điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên buộc người mẹ này phải cân nhắc khi được cán bộ, cộng tác viên dân số xã tư vấn về sàng lọc sơ sinh. Chị Thúy An tâm sự: “Nghe nói sàng lọc sơ sinh giúp phát hiện được nhiều bệnh ở trẻ, nếu khỏe mạnh thì an tâm còn có bệnh thì mình chữa trị kịp thời, nhưng gia đình nghèo nên phải lo lắng chuyện trước mắt là chi phí sinh con, còn sàng lọc chắc không thực hiện”. Đây là trăn trở của chị Thúy An và cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc thực hiện mô hình nâng cao chất lượng dân số ở xã còn gặp khó khăn thời gian qua.

Theo bà Võ Thị Hồng The, cộng tác viên dân số ấp Tân Hiệp: “Khi biết được các chị mang thai mình đến tuyên truyền cả sàng lọc trước sinh và sơ sinh, nhưng sàng lọc sơ sinh thì gia đình chưa quan tâm thực hiện nhiều. Một phần do chi phí cao đến gần 400.000 đồng/trẻ nên gia đình ngán tiền không thực hiện. Trong công tác tuyên truyền cũng còn khó khăn do quan niệm của người dân khi mang thai tránh nhìn trẻ dị tật sợ con mình giống vậy, nên khi tuyên truyền thai phụ cũng không dám xem hình ảnh in trên tờ rơi, hiệu quả tuyên truyền cũng bị ảnh hưởng rất nhiều”.

Kết quả năm 2017, xã Tân Bình là một trong những xã thực hiện chỉ tiêu sàng lọc sơ sinh đạt thấp của huyện chỉ đạt 10% trong khi bình quân chung của huyện trên 30%. Xã có trên 200 trẻ sinh ra, nhưng chỉ có 20 trẻ được sàng lọc. Bà Phạm Thị Mỹ Phước, cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình xã, cho biết: “Nhiều thai phụ ở địa bàn xã đi sinh con ở các bệnh viện của thành phố Cần Thơ, có bệnh viện có thực hiện sàng lọc nhưng có bệnh viện không thực hiện sàng lọc, nếu thai phụ sinh con ở những bệnh viện không có sàng lọc thì trẻ đó sinh ra cũng không được sàng lọc. Trong tuyên truyền, vận động, chúng tôi cũng thông tin đến thai phụ những bệnh viện nào có sàng lọc và đề nghị thai phụ nên sinh ở đó, tuy nhiên, do điều kiện mà thai phụ chưa thực hiện được”.

Thực hiện chỉ tiêu này, cộng tác viên, cán bộ dân số cũng đã nắm đối tượng, tuyên truyền, vận động nhưng việc thai phụ thực hiện hay không huyện rất thụ động. Bà Cao Thị Ánh Hồng, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện, cho biết: “Trẻ sinh ở nhiều cơ sở y tế, Trung tâm Y tế huyện, Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy, Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ, các bệnh viện ở thành phố Cần Thơ. Để có chỉ tiêu cộng tác viên buộc phải đi xin danh sách các trẻ được sàng lọc ở các trung tâm, bệnh viện, đối với các thai phụ sinh ở bệnh viện của thành phố Cần Thơ thì xin kết quả xét nghiệm, hay lai đóng tiền, nhưng có người còn, người bỏ mất”.

Khó đạt 50% trẻ sơ sinh được sàng lọc

Năm 2018, huyện được giao chỉ tiêu thực hiện đạt 50% trẻ sinh sàng lọc sơ sinh, tuy nhiên, theo nhận định của cán bộ, cộng tác viên dân số huyện, chỉ tiêu này rất khó khăn để thực hiện đạt. Theo bà Cao Thị Ánh Hồng, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện: “Trung bình mỗi năm huyện có khoảng 1.800 trẻ sinh ra, nếu đạt 50% tương đương với khoảng 900 trẻ được sàng lọc, số lượng trẻ cần tuyên truyền, vận động sàng lọc tăng khá nhiều so với năm 2017 và hầu như là xã hội hóa hoàn toàn. Đây là chỉ tiêu rất khó để thực hiện ở huyện năm nay”.

Trở ngại từ nhận thức các gia đình và điều kiện kinh tế ảnh hưởng rất nhiều đến việc trẻ được sàng lọc hay không. Bà Nguyễn Thị Ánh Vân, Khoa Ngoại - Sản, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, nói: “Qua tư vấn, đối với những gia đình khá giả thì trẻ được thực hiện, nhưng đối với gia đình nghèo, khó khăn thì ít chịu thực hiện. Thấy con sinh ra bình thường nên các gia đình nghĩ là không có mắc bệnh. Mẫu giấy thấm gián đoạn từ tết đến nay nên một số trẻ sinh mình tư vấn ra Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy để sàng lọc, nhưng do con nhỏ phải đi tới lui bất tiện, các gia đình hầu như là không thực hiện”. Dự kiến trong tháng 3 sẽ có mẫu giấy thấm, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện.

Tích cực tuyên truyền là một trong những giải pháp đã đem lại kết quả khả quan cho một số địa phương thời gian qua. Năm 2017, thị trấn Cây Dương đã thực hiện đạt đến 63% trẻ được sàng lọc sơ sinh. Ông Huỳnh Văn Duyên, cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình thị trấn, chia sẻ: “Công tác tuyên truyền được chúng tôi thực hiện hàng tháng vào thời điểm thai phụ lên tiêm ngừa hay khám thai định kỳ. Bên cạnh đó, cộng tác viên cũng tư vấn ở cộng đồng, có những trường hợp tôi xuống tư vấn cùng cộng tác viên. Thai phụ ở đây đa số sinh con ở Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy được cán bộ ở đây tư vấn một bước nữa nên gia đình thực hiện”.

Bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích khi thực hiện sàng lọc sơ sinh, các cán bộ, cộng tác viên dân số đề nghị có chính sách sàng lọc miễn phí cho những gia đình nghèo để góp phần nâng cao chất lượng dân số và giúp huyện hoàn thành đạt chỉ tiêu này năm 2018.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>