Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Cần chuyển từ nhận thức đến thay đổi hành vi

21/01/2019 | 09:17 GMT+7

Có thể khẳng định thời gian qua, các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có tác động mạnh mẽ đến nhận thức cộng đồng, góp phần giảm đáng kể tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, nhiều cán bộ làm công tác này chia sẻ thực tế vẫn còn không ít trường hợp hút thuốc lá ở nơi công cộng, nơi cấm hút thuốc lá, vì vậy cần mạnh tay hơn thực hiện các giải pháp để nâng cao ý thức người dân trong năm nay.

Truyền thông thay đổi hành vi của người dân là giải pháp được nhận định đem lại hiệu quả phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hiện nay, trong cộng đồng hầu hết ai cũng biết tác hại của thuốc lá, nhưng vì sao chưa chấp hành đúng các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá hoặc bỏ hút thuốc? Theo ông Nguyễn Thế An, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ: “Nguyên nhân là do nghiện thuốc lá và do thói quen chưa thể bỏ được. Tuy nhiên, thời gian qua tại đơn vị đã thực hiện nhiều giải pháp xây dựng cơ sở y tế không khói thuốc lá. Nhận thức cán bộ, viên chức y tế, người bệnh, thân nhân người bệnh đã nâng lên, tình trạng hút thuốc lá trong khuôn viên trung tâm đã giảm đáng kể. Đặc biệt, đã phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan. Công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở trung tâm đã được sự gương mẫu của đồng chí giám đốc, hiện nay đồng chí này đã bỏ hút thuốc lá. Nếu chúng ta không thực hiện nghiêm sẽ không thực hiện được cơ sở y tế không khói thuốc lá. Xây dựng tính gương mẫu trong cán bộ, thực hiện không hút thuốc lá nơi cấm hút thuốc lá là một việc cần thiết. Theo tôi, cần xây dựng mô hình điểm để có kinh nghiệm và nhân rộng nếu hiệu quả. Khi công tác tuyên truyền đã sâu rộng thì cần áp dụng quy định xử phạt những trường hợp vi phạm”.

Việc xây dựng bệnh viện không khói thuốc lá còn khó khăn vì bệnh nhân, thân nhân người bệnh và đôi khi cả nhân viên y tế cũng hút thuốc lá. Đây là khó khăn chung cần được khắc phục trong năm nay. Ông Trần Kim Long, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Mỹ, khẳng định: “Dù đã tuyên truyền, nhắc nhở nhiều, nhưng tình trạng hút thuốc lá ở trong khuôn viên trung tâm y tế vẫn còn. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giảm tình trạng này. Người dân đã nghiện rồi vận động bỏ từ từ chứ buộc bỏ một lúc ngay thì rất khó. Bên cạnh các hình thức tuyên truyền khác thì tôi thấy tổ chức hội thi trong học sinh rất có hiệu quả. Các em tham gia thi đã tìm hiểu và nắm vững kiến thức về phòng, chống tác hại thuốc lá, tuyên truyền, thay đổi hành vi cho bản thân và gia đình”.

“Nên làm sao cho người dân nhận thức sâu sắc hơn về tác hại thuốc lá, không chỉ tác hại đến bản thân và cả những người xung quanh như vợ con hít phải thuốc lá thì tỷ lệ mắc bệnh còn cao hơn”, giải pháp hiệu quả theo ông Trương Tỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Việc hút thuốc lá theo ông Tỷ sẽ gây rất nhiều bệnh và nhất là ung thư. Cần có dẫn chứng cụ thể cho người hút thuốc lá hiểu. Việc hút thuốc lá trong gia đình sẽ là hình tượng không tốt cho con cháu. Các em thấy cha, ông hút thuốc sẽ có nhiều nguy cơ học theo trong tương lai.

Để công tác này được thực hiện tốt hơn cần có sự nỗ lực và vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ riêng ngành y tế thì rất khó. Ông Lê Minh Đang, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, chia sẻ: “Mặt trận sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp với ngành y tế tuyên truyền ở khu dân cư cùng với hoạt động tuyên truyền của mặt trận về các quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và tác hại thuốc lá. Tác động nhiều chiều làm sao cho người dân nhận thức tốt hơn nữa. Năm nay, chúng tôi sẽ xem xét thực hiện chuyên đề giám sát về thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá ở địa phương”.

Năm nay, hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ tiếp tục tuyên truyền trực tiếp và gián tiếp trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền trong cộng đồng, tại trường học, các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp,… Ông Lê Văn Chúc, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh, cho hay: “Chúng tôi sẽ tổ chức thêm hình thức truyền thông lưu động, dự kiến sẽ tổ chức 8 cuộc. Đồng thời, sẽ phát triển tài liệu truyền thông, dự kiến sẽ sản xuất và lắp đặt 144 pano cho các trường học, 87 pano ở trạm y tế và bệnh viện và hơn 2.500 tờ rơi, 6.000 áp phích. Mở 24 lớp tập huấn về kỹ năng truyền thông và xây dựng cơ sở y tế không khói thuốc lá”. Qua đó, nhằm tạo ra hiệu ứng tích cực vào nhận thức của người dân.

Nên áp dụng hình thức xử phạt là đề nghị của nhiều cán bộ làm công tác này khi trao đổi. Không chỉ thanh, kiểm tra và xử phạt, cũng cần gắn công tác phòng, chống tác hại thuốc lá với nội dung thi đua của từng đơn vị. Theo ông Phan Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh: “Cần thí điểm đưa việc thực hiện các quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá vào đánh giá công chức, viên chức hàng năm. Phát huy trách nhiệm người đứng đầu. Ngoài ra, cần có sự nghiên cứu để có số liệu cụ thể về tỷ lệ người hút thuốc lá làm cơ sở đánh giá hiệu quả công tác này”.

Nhiều năm qua, các hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá đã được quan tâm thực hiện trên địa bàn tỉnh. Năm nay, công tác này kỳ vọng sẽ đạt hiệu quả tốt hơn với nhiều giải pháp được đề xuất, góp phần giảm dần tác hại của thuốc lá đến sức khỏe con người.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>