Phòng bệnh khi thời tiết giao mùa

15/05/2018 | 08:18 GMT+7

Thời tiết giao mùa là thời điểm thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển. Những người có sức đề kháng yếu sẽ dễ mắc các bệnh cảm cúm, viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi,... nhất là trẻ em, người già và phụ nữ mang thai. Vì vậy, làm thế nào để phòng tránh bệnh khi thời tiết giao mùa là vô cùng cần thiết. Phóng viên Báo Hậu Giang có trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Lành (ảnh), Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, về vấn đề này.

Các bệnh thường gặp khi thời tiết giao mùa là bệnh nào, thưa ông ?

- Khi thời tiết chuyển mùa khô, lạnh là điều kiện lý tưởng để vi-rút cúm phát triển, lây lan gây bệnh cho nhiều người, nhất là người già, trẻ em và phụ nữ mang thai. Những người có sức miễn dịch kém cũng rất dễ bị cảm cúm. Do hệ thống miễn dịch của người già suy giảm và trẻ em thường chưa hoàn thiện, vi-rút cúm rất dễ xâm nhập và gây bệnh. Viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi cũng rất dễ mắc phải.

Riêng bệnh sốt xuất huyết dù có rải rác quanh năm nhưng những tháng đầu mùa mưa thường gia tăng nhiều hơn. Bệnh tay - chân - miệng cũng dễ phát triển mùa này. Nhiệt độ nóng, lạnh thất thường làm thức ăn dễ nhiễm khuẩn gây ra các bệnh về đường ruột.

Triệu chứng thường gặp khi mắc các bệnh trên là gì, thưa ông ?

- Triệu chứng đầu tiên của cảm cúm là sốt, ngứa - đau rát họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, ho, xung huyết mắt, cơ thể đau nhức hoặc đau đầu nhẹ, hắt hơi, chảy nước mắt, có thể sốt đến 390C.

Bệnh thường có các triệu chứng như đau rát khi nuốt nước bọt, khàn tiếng, ho thường xuất hiện sau khi có triệu chứng ở mũi. Bệnh cúm nếu không được điều trị hoặc điều trị muộn sẽ là khởi nguồn cho các bệnh: viêm tai giữa, viêm xoang, viêm nhiễm đường tiết niệu.

Ngành y tế có những giải pháp gì để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên người vào khoảng thời gian này, thưa ông ?

- Bên cạnh duy trì các hoạt động thường xuyên như báo cáo tình hình dịch bệnh hàng ngày, giám sát, xử lý ổ dịch cũ và mới,… Chúng tôi vừa triển khai Chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh do vi-rút zika và bệnh tay - chân - miệng đợt 1 năm 2018 trên phạm vi toàn tỉnh. Thời gian từ ngày 9 đến 18-5. Chiến dịch nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường,… tạo ra phong trào phòng bệnh đồng bộ, toàn diện và mang lại hiệu quả phòng, chống bệnh trong cộng đồng giảm mật độ côn trùng trong thời gian ngắn nhất, giảm sự lan truyền bệnh dịch, khống chế không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh mùa này nên phụ huynh phải cẩn trọng trong chăm sóc.

Phòng tránh bệnh khi thời tiết giao mùa ?

-  Để cơ thể không mắc bệnh cảm cúm mọi người cần nâng cao ý thức phòng tránh bệnh. Cần lưu ý những vấn đề đảm bảo chế độ ăn uống đủ chất, cần tăng cường các loại rau xanh, củ quả vào thực đơn hằng ngày. Bổ sung dinh dưỡng và cân đối các nhóm dưỡng chất như: Tinh bột, chất đạm, chất béo và rau củ quả có chứa khoáng chất, vitamin C… để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giữ môi trường sống trong sạch và luyện tập thể thao đều đặn. Cụ thể:

Uống nước thường xuyên, đảm bảo từ 2 lít đến 2,5 lít/người/ngày để thanh lọc cơ thể và tăng sức đề kháng.

Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất: Đặc biệt là vitamin C, A, kẽm. Trong đó, vitamin C có nhiều trong các loại trái cây như cam, quýt, dâu tây, rau cân, ớt xanh... Kẽm có nhiều trong thịt nạc, gan, lòng đỏ trứng, hàu... Vitamin A thì có nhiều trong cà rốt, thịt đỏ, đu đủ... Thực đơn cần cân đối giữa các nhóm dưỡng chất.

Sinh hoạt điều độ: Không làm việc quá khuya, ngủ đủ từ 7 đến 8 giờ mỗi ngày. Thường xuyên luyện tập thể dục hàng ngày.

Tiêm vắc-xin phòng dịch theo mùa.

Khi ra ngoài, cần đeo khẩu trang, nhỏ thuốc sát trùng để tránh nguy cơ lây nhiễm qua đường hô hấp. Hạn chế tiếp xúc với người đang nhiễm bệnh càng nhiều càng tốt.

Xin cảm ơn ông !

HỒNG DIỄM thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>