Phối hợp y tế công – tư: Giải pháp phát hiện sớm bệnh lao và điều trị hiệu quả

29/10/2018 | 08:35 GMT+7

Hiện nay, diễn tiến dịch tễ lao vẫn đặt ra thách thức mới, như lao kháng thuốc, lao trẻ em, lao HIV. Các dạng lao này còn tiềm ẩn và có nguy cơ phát sinh nếu chúng ta không quản lý, phát hiện, điều trị cho tốt. Vì vậy, việc triển khai phối hợp y tế công - tư trong phòng, chống bệnh lao là rất cần thiết.

Phát hiện sớm bệnh lao sẽ giúp điều trị hiệu quả.

Theo ông Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh: “Bệnh lao đã được khống chế giảm hàng năm từ 2-5%, nhưng tình hình dịch tễ lao vẫn đặt ra thách thức mới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, ước tính tỷ lệ lao kháng thuốc hiện nay là 3,5% đối với người chưa mắc lao lần nào mà lần đầu tiên mắc lao lại mắc lao kháng thuốc. Còn đối với bệnh nhân đã mắc lao tỷ lệ mắc lao kháng thuốc trên 20%. Tình hình bệnh lao trẻ em chiếm khoảng trên 10% trên tổng số bệnh nhân lao đang điều trị. Lao HIV chiếm khoảng 11%. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Hậu Giang thuộc nhóm có tỷ lệ mắc lao cao nhất, nhì so với cả nước. Hàng năm, tỉnh chỉ phát hiện được khoảng 80% người mắc lao tại cộng đồng, vì vậy cần có sự phối hợp với cơ sở y tế tư nhân để phát hiện được khoảng 20% người mắc bệnh lao còn lại”.

Từ năm 2017, tỉnh đã triển khai mô hình này thí điểm ở 4 huyện Châu Thành A, huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, thị xã Ngã Bảy. Bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định, một số cơ sở y tế tư nhân đã tích cực tham gia hoạt động này. BSCK1 lao và bệnh phổi Huỳnh Tùng Hương, phòng khám bệnh tư nhân, ở phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, chia sẻ: “Do trước khi về hưu, tôi từng công tác trong lĩnh vực lao nên khi được triển khai phối hợp công - tư phòng, chống bệnh này tôi đồng tình. Bệnh nhân đến phòng khám thường là bệnh đường hô hấp. Những trường hợp có biểu hiện nghi ngờ như ho, khạc đàm, đau ngực, có tổn thương lao,… tôi đều tư vấn bệnh nhân để tham gia chương trình điều trị ở cơ sở y tế công lập. Một năm nay, tôi giới thiệu khoảng 10 bệnh nhân. Ngoài ra, đối với những trường hợp mới tham gia điều trị lao tôi cũng hỗ trợ tư vấn khi bệnh nhân bị tác dụng phụ của thuốc”.

Công tác phối hợp công - tư trong phòng, chống bệnh lao ở thị xã Ngã Bảy đã được quan tâm triển khai. Bà Lê Thu Thủy, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Bước đầu, trên địa bàn có 10 cơ sở y tế tư tham gia phối hợp. Chúng tôi đã gửi phiếu chuyển bệnh theo mẫu cho các cơ sở định kỳ hàng tháng. Nếu có bệnh nhân nghi ngờ, cơ sở sẽ giới thiệu đến trung tâm y tế để được xét nghiệm đàm. Có kết quả xét nghiệm chúng tôi cũng phản hồi cho cơ sở chuyển gửi biết. Tuy nhiên, do mới triển khai nên khâu báo cáo của các cơ sở còn cập rập. Hầu hết các cơ sở đề nghị được hỗ trợ tờ rơi, tranh ảnh để tuyên truyền tại phòng khám hay quầy thuốc”.

Việc trang bị kiến thức cho các cơ sở y tế tham gia chương trình này được tập trung triển khai với các buổi hội thảo và các lớp tập huấn nhằm hướng dẫn các cơ sở để thực hiện tốt. Hoạt động truyền thông phòng, chống lao được triển khai ở các huyện. Ông Trần Hoàng Vũ cho biết thêm: “Chúng tôi đã tổ chức khám sàng lọc cho những đối tượng có nguy cơ mắc lao cao. Tặng quà, chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân lao, xuống cơ sở thăm bệnh nhân lao nghèo. Hậu Giang triển khai 3 mô hình, mô hình một là các cơ sở khám, chữa bệnh tư, quầy thuốc tây thực hiện chuyển gửi bệnh nghi lao. Mô hình hai là mô hình xét nghiệm chuyển gửi người nghi lao đến cơ sở điều trị, mô hình này khi chúng tôi làm việc với Bệnh viện Đa khoa số 10 và Bệnh viện Đại học Võ Trường Toản - hai đơn vị chưa chịu vào vì còn ngại vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn. Mô hình còn lại triển khai ở các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thị, thành, xin bố trí phòng bệnh riêng cho bệnh nhân lao”. Gần 10 tháng năm nay đã thu dung 954 lao các thể đạt trên 85%. Riêng lao kháng thuốc phát hiện dương tính 31 trường hợp, đã tử vong 1 và đã điều trị cho 25 bệnh nhân, còn 5 bệnh nhân đang liên hệ để được điều trị. Tổng số cơ sở tham gia phối hợp y tế công - tư phòng, chống lao đến nay là 160. Trong năm 2018 tổng số bệnh nhân được chuyển gửi là 147 bệnh nhân, có 59 trường hợp mắc bệnh lao, tỷ lệ trên tổng số thu dung điều trị khoảng 6%. Do còn ở giai đoạn đầu thực hiện nên tỷ lệ này thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước.

Lợi ích của mô hình này, người bệnh sẽ được chẩn đoán sớm, giảm được chi phí điều trị. Cơ sở y tế tư nhân được mở rộng kiến thức, tăng uy tín. Tăng tỷ lệ phát hiện bệnh lao ở địa phương. Giảm tỷ lệ mắc lao ở cộng đồng bởi một người không phát hiện điều trị sớm sẽ có thể lây ho 10-15 người khác. Giảm gánh nặng của gia đình và xã hội.

Thực tế việc triển khai còn không ít khó khăn. Theo các địa phương do kinh nghiệm chưa nhiều, còn nhiều hạn chế về hoạt động giám sát do chưa có sự ràng buộc chặt chẽ vấn đề pháp lý. Công cụ hỗ trợ để báo cáo chưa được đầy đủ, tranh ảnh tuyên truyền nơi có, nơi không, báo cáo nơi có nơi không gây khó khăn chung cần cố gắng khắc phục trong năm 2019. Ngoài ra, còn khó do phân tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, một số trường hợp lao khó phát hiện bệnh nhân chưa được chuyển lên tuyến trên để khám, điều trị, đề nghị những trường hợp này sẽ được chuyển đến cơ sở điều trị chuyên khoa để được điều trị tốt.

Vấn đề lao kháng thuốc cũng đặt ra nhiều thách thức. Ông Trần Văn Thiều, Trưởng nhóm điều hành Dự án phòng, chống lao quốc gia, cho biết: “Hậu Giang là tỉnh thứ hai triển khai phối hợp y tế công - tư trong phòng, chống lao, sau An Giang. Hiện nay, nước ta có bệnh lao thuộc tốp cao nhất thế giới. Bệnh lao kháng thuốc có chiều hướng tăng lên, nguồn lây lao kháng thuốc trong cộng đồng tương đối lớn và có những cas lao siêu kháng thuốc ở nước ta vào khoảng 5,6%, có trường hợp kháng tất cả các loại thuốc chống lao. Hiện nay việc điều trị cho bệnh nhân lao đã đạt được những bước tiến nhất định. Phối hợp công tư trong phòng, chống lao còn góp phần kéo giảm lao kháng thuốc. Tình hình phát hiện bệnh lao chung cả nước chỉ khoảng 56%, mục tiêu đến năm 2030 thanh toán bệnh lao, nên cần thiết phối hợp y tế công - tư trong phòng, chống bệnh lao nhằm phát hiện những bệnh nhân lao chưa được phát hiện ở cộng đồng”.

Năm 2019, hoạt động phối hợp y tế công - tư trong phòng, chống bệnh lao sẽ tiếp tục triển khai trên 8 huyện, thị, thành của tỉnh. Và cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để các cơ sở y tế tư nhân tích cực tham gia. Ông Nguyễn Thế An, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ, nghĩ: “Những người hành nghề y đều sẽ đồng tình chuyển bệnh lao. Trong quá trình khám bệnh tôi cũng chuyển nếu nghi ngờ bệnh nhân mắc lao”.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>