Nỗi lo dịch vụ y tế tăng

30/11/2017 | 08:44 GMT+7

Theo thông tin từ ngành y tế tỉnh, ngày 1-12 tới sẽ áp dụng giá dịch vụ y tế mới đối với bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Đáng chú ý là nhiều dịch vụ y tế sẽ tăng nhiều lần so với mức cũ.

Giá ngày giường bệnh là một trong các nhóm tăng cao khi áp dụng giá mới.

Tích cực tuyên truyền

Thời điểm này, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đang triển khai tuyên truyền tích cực để người dân nắm được thông tin sẽ áp dụng Thông tư số 02/2017/TT-BYT “Quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp” của Bộ Y tế, ban hành ngày 15/3/2017, có hiệu lực từ ngày 01/6/2017, nhưng các cơ sở y tế công lập tỉnh sẽ chính thức áp dụng giá viện phí này đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT kể từ ngày 1/12 theo Nghị quyết số 09/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Có tổng cộng 1.916 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh về giá.

Ông Trương Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết: “Nhiều dịch vụ y tế có mức giá tăng gấp 2-3 lần so với giá cũ. Cụ thể, tiền khám tối đa ở bệnh viện hạng đặc biệt và bệnh viện hạng 1 là 39.000 đồng/lượt; với bệnh viện hạng 2 là 35.000 đồng/lượt; hạng 3 là 31.000 đồng/lượt và với bệnh viện hạng 4, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã là 29.000 đồng/lượt. Chi phí chụp X-quang động mạch vành hoặc thông tim, chụp buồng tim dưới DSA (một phương pháp chẩn đoán hình ảnh) tăng từ 5,1 triệu đồng lên gần 5,8 triệu đồng; chụp và can thiệp tim mạch dưới DSA từ 6 triệu đồng lên gần 6,7 triệu đồng; nội soi ổ bụng từ 575.000 đồng tăng lên mức 793.000 đồng, giá nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng có sinh thiết tăng từ 220.000 đồng lên 385.000 đồng,...”. Mức giá tối đa được quy định tại thông tư này cũng tương đương với giá đã ban hành cho nhóm bệnh nhân có thẻ BHYT theo các hạng bệnh viện.

Để người bệnh tiếp cận được thông tin, các cơ sở y tế đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền. Ông Huỳnh Văn Huân, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Trung tâm đã tuyên truyền mấy tháng nay theo tinh thần chỉ đạo của Sở Y tế tỉnh. Treo băng rôn ở khu khám bệnh, phát thanh nội viện và treo bảng niêm yết giá tại một số khu vực đông bệnh nhân qua lại. Ngoài ra, cũng có thông báo gửi HĐND, UBND và các hội, đoàn thể, xã, phường của thị xã để thông tin về việc thực hiện giá dịch vụ y tế theo thông tư này đối với đối tượng không có thẻ BHYT”. Cũng tương tự, tại Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ, ông Phan Thanh Thuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ, cho hay: “Ngoài việc tuyên truyền trong nội viện, trung tâm còn phối hợp với đài truyền thanh huyện, phát thanh thường xuyên về việc áp dụng giá dịch vụ y tế theo Thông tư 02 để người dân biết và nhận thấy được lợi ích khi tham gia BHYT”.

“Phải mua bảo hiểm y tế”…

Việc tăng giá sẽ là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy người dân tham gia BHYT. Ông Dương Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Hơn 2 tháng qua, xã đã tích cực vận động, tuyên truyền người dân tham gia BHYT. Qua quá trình vận động cũng đã thông tin với người dân về việc tăng giá dịch vụ y tế đối với người bệnh không có thẻ BHYT và tuyên truyền ý nghĩa, quyền và lợi ích khi tham gia BHYT. Qua đó, nhiều hộ gia đình đã mua BHYT, hiện tại tỷ lệ người dân tham gia BHYT của xã đã đạt 80%”.

Một số bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy do chưa tham gia BHYT nên phải trả hoàn toàn chi phí và biết được khi áp dụng giá mới sẽ tăng lên rất nhiều nên sẽ tham gia BHYT. Anh Nguyễn Quốc Khương, ở phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, chia sẻ: “Trước giờ không có tham gia BHYT và cũng ít bị bệnh. Lần này bị đau đường ruột nằm viện mấy ngày nay. Tiền viện phí đã ứng 500.000 đồng, không biết có ứng thêm nữa không. Sau này tăng giá là phải mua BHYT thôi, chứ đi trị bệnh tiền nhiều quá chịu sao nổi”.

Một thực tế được nhiều người nhìn nhận là quyền và lợi ích khi tham gia BHYT chỉ có người đã bị bệnh rồi mới thấy ý nghĩa. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, ở xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Tôi bị bệnh hen phế quản, thoái hóa cột sống nằm viện đã hơn 20 ngày. Số tiền ứng chỉ khoảng 2 triệu đồng, nếu không có BHYT bệnh như vầy gia đình không thể lo nổi”. Theo thông tin từ bệnh viện, bà Thu Thủy thuộc đối tượng đồng chi trả 20%, tổng chi phí điều trị cho bà đã gần 10 triệu đồng.

Với việc thực hiện Thông tư số 02/2017/TT-BYT chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đối tượng chưa tham gia BHYT nếu chẳng may bị ốm đau bệnh tật khi đi khám bệnh, chữa bệnh. Ông Trương Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết thêm: “Nếu chỉ điều chỉnh đối với nhóm đối tượng có BHYT mà không thực hiện đối với nhóm đối tượng chưa có BHYT vô hình trung sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử. Tại tỉnh Hậu Giang, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 79%. Như vậy, còn trên 20% người chưa tham gia BHYT”.

Đã có nhiều gia đình người bệnh chưa tham gia BHYT nên khi mắc bệnh nặng đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều trị, dẫn đến tình trạng nghèo do bệnh tật,… Qua đó, mới thấm thía giá trị của việc tham gia BHYT. Việc điều chỉnh viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ là hệ quả tất yếu của việc đổi mới cơ chế tài chính y tế nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>