Nhớ y tế thời chiến, để phấn đấu thời bình

21/12/2016 | 07:52 GMT+7

Ngày họp mặt cán bộ y tế thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, những “chiến sĩ áo trắng” một thời ai nấy tay bắt, mặt mừng, ai cũng đầy ắp những hồi ức và niềm tin...

Những “chiến sĩ áo trắng” năm xưa trong ngày gặp mặt đồng đội.

Buổi họp mặt lần thứ VIII do Ban Liên lạc ngành y tế Cần Thơ thời kỳ chống Mỹ phối hợp với Sở Y tế tỉnh tổ chức, có 200 cán bộ y tế đến từ các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ đã từng công tác ở ngành y tế Cần Thơ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Một thời gian khó, mà đáng tự hào

Cô Phạm Thị Bèo, mọi người hay gọi là Bảy Hội, chia sẻ: “Đến đây gặp lại những người bạn, đồng nghiệp đã từng công tác, học tập chung mừng lắm. Mọi người có dịp thăm hỏi sức khỏe, thăm hỏi chuyện công việc gia đình của nhau sau thời gian xa cách. Những cuộc gặp gỡ này không thể nào quên”.

Kỷ niệm cứ ùa về không dứt, ai cũng muốn kể, ai cũng muốn nói. Theo hồi ức của bà Lư Thị Tùng, từng công tác ở Ban Dân y tỉnh Cần Thơ: “Lúc ấy tôi là dược tá, cán bộ y tế hết lòng vì người bệnh và thương binh. Không chỉ là chăm sóc sức khỏe, chữa thương cho thương binh mà còn lo cả ăn uống, giặt giũ. Đi bắt cá, hái rau để lo cho thương binh, bảo vệ thương binh trong những lúc địch càn quét”.

Còn chú Lê Triều Thơm, Phó trưởng ban Ban Liên lạc ngành y tế Cần Thơ thời kỳ chống Mỹ, nhớ:  “Phương thức tổ chức và hoạt động thời kỳ đó rất linh hoạt, thương binh bệnh nặng hay nhẹ đều gửi nhà dân có hầm bí mật để bảo vệ khi có địch càn đến. Trong kháng chiến, có những cán bộ y tế hy sinh thân mình để bảo vệ thương binh. Những hình ảnh ấy thể hiện tình thương, trách nhiệm và đạo đức của người thầy thuốc với tấm lòng Lương y như từ mẫu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành y tế Cần Thơ có tất cả 175 người hy sinh. Nhiều nhất là huyện Long Mỹ với 44 người, thứ hai là huyện Phụng Hiệp có 33 người.

Thiếu thốn thuốc men, cán bộ y tế phải bào chế. Cô Võ Thị Nâu (thường gọi Võ Thị Tiến), dược tá, kể: “Thiếu thuốc nên chúng tôi phải bào chế nước cất, filatov, siro,… để phục vụ bệnh nhân. Khó khăn là vậy, nhưng mọi người luôn hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao cho là chăm sóc sức khỏe”. 

Ông Phạm Phú Ngô, Trưởng ban Ban Liên lạc ngành y tế Cần Thơ thời kỳ chống Mỹ, chia sẻ: “Họp mặt hôm nay là dịp để mọi người về với cội nguồn và tưởng nhớ đến những “chiến sĩ áo trắng” đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tự hào về truyền thống kiên cường của người thầy thuốc. Dù phải sống trong cảnh ăn đói, mặc rách, ở chòi, điều kiện thuốc men thiếu thốn,… nhưng thấm đượm tình đồng chí, đồng bào”.

Vững tin nối tiếp truyền thống vẻ vang

Nhớ lại điều kiện lúc tỉnh mới chia tách rất khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, trang thiết bị, có lúc tưởng chừng ngành y tế không đảm đương nổi nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhưng đến nay, cơ sở vật chất đã được quan tâm xây dựng từ xã đến tỉnh, từng bước tạo được bộ mặt khang trang cho ngành y tế. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết: “Bộ máy của ngành đã được kiện toàn, mạng lưới y tế phủ đều khắp trên địa bàn tỉnh. Nguồn nhân lực tăng về số lượng và chất lượng, có tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa. Có 64 bác sĩ công tác tại các xã, phường, thị trấn. Trang thiết bị được đầu tư theo hướng phát triển hiện đại đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Ngành đã xây dựng bệnh viện vệ tinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang. Nhiều trang thiết bị hiện đại đã được đầu tư ở tuyến tỉnh và tuyến huyện”.

Đặc biệt, năm 2016, ngành y tế tỉnh cũng đã quyết tâm thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” gắn với thực hiện 12 điều y đức. Triển khai xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp đã nhận được sự hài lòng từ phía người dân. Chặng đường 12 năm phát triển, tỉnh đã thanh toán được bệnh bại liệt, loại trừ bệnh phong. Tỷ lệ trạm y tế đạt chuẩn quốc gia đạt trên 98%. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã không ngừng được cải thiện thời gian qua.

Nhận định về sự phát triển của ngành y tế Hậu Giang ngày nay, ông Phạm Phú Ngô, Trưởng ban Ban Liên lạc ngành y tế Cần Thơ thời kỳ chống Mỹ, phấn khởi: “Ngày nay, tỉnh với đội ngũ y tế trẻ trung, được đào tạo tới nơi tới chốn, đã cố gắng đưa ngành y tế tiến xa hơn nữa. Cán bộ y tế cần quyết tâm giữ lấy những truyền thống, phát huy thành quả đó. Ngành y tế tỉnh vừa mới tách ra vô vàn khó khăn, nhưng cán bộ y tế đã từng bước khắc phục và đạt được nhiều thành tích. Các trạm y tế được phát triển, sức khỏe người dân được chăm sóc tốt hơn”…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh khẳng định, Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác y tế của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để ngành phát triển về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nguồn nhân lực nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 

HỒNG DIỄM ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>