Nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết

06/03/2017 | 09:44 GMT+7

Chỉ hơn 2 tháng qua, xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, đã có 13 người mắc bệnh sốt xuất huyết, bằng với tổng số cas bệnh cả năm 2016 của xã. Đây là xã có số cas bệnh sốt xuất huyết cao nhất tỉnh hiện nay.

Nguy cơ từ đường cống thoát nước

Cùng hai cán bộ của Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy và Trạm Y tế xã Tân Thành xuống kiểm tra, giám sát lại tình trạng lăng quăng trong đường cống thoát nước ở Trường Mẫu giáo Phong Lan và Trường THCS Lê Hồng Phong, ghi nhận cống thoát nước ở hai điểm trường này là nơi để lăng quăng phát triển. Nhất là tại Trường Mẫu giáo Phong Lan, cống thoát nước đầy lăng quăng. Tình trạng này đã được phát hiện gần một tháng qua nhưng đến nay chưa được xử lý triệt để. Ông Nguyễn Hoàng Khiêm, Trưởng trạm Y tế xã Tân Thành, cho hay: “Khi phát hiện cống thoát nước ở trường có nhiều lăng quăng, chúng tôi cùng với Trung tâm Y tế thị xã triển khai diệt lăng quăng bằng cách đổ cloramin B xuống”.

Kiểm tra lăng quăng tại đường cống thoát nước ở Trường THCS Lê Hồng Phong.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời, một thời gian sau vẫn có lăng quăng như cũ dưới đường cống thoát nước này. Cô Lê Thị Bé Ba, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Phong Lan, cho biết: “Hệ thống cống của trường có một đoạn không thoát nước ra được nên mới dẫn đến tình trạng này. Chúng tôi đã có đề nghị về Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã để xin sửa chữa, thông dòng chảy cống nhưng chưa biết khi nào được sửa chữa. Tạm thời, trường tiếp tục mua nhớt về đổ vào cống để muỗi dính cánh không bay lên được”. Trường luôn phải thường xuyên đốt nhang trừ muỗi và xịt thuốc trừ muỗi, may mùng bảo vệ các em khi ngủ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất trẻ của trường mắc bệnh sốt xuất huyết. Những tháng đầu năm nay, trường đã có mấy trường hợp trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết.

Tình trạng cũng tương tự tại Trường THCS Lê Hồng Phong. Ông Lê Vũ Phương, Hiệu trưởng của trường, cho biết: “Đường cống thoát nước xung quanh khuôn viên trường dài trên 300m, có một số đoạn trũng nên nước không thoát ra được. Thời gian qua, có hai em ở khu công vụ của trường mắc bệnh sốt xuất huyết. Ban giám hiệu trường cũng nhận thấy nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết cho các em từ hệ thống cống thoát nước này nên đã đề nghị sửa chữa, nhưng chưa biết bao giờ mới sửa được”.

Chia sẻ về cách khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Hoàng Dô, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy, khẳng định: “Với giải pháp đổ cloramin B hay đổ nhớt là không có tác dụng lâu dài. Nếu trường hợp có mưa xuống các đường cống thoát nước này sẽ có lăng quăng trở lại. Hệ thống cống thoát nước cần được sửa chữa, khai thông dòng chảy mới tránh được nguy cơ xảy ra dịch bệnh ở đây”.

Tại hai điểm trường này có khoảng 900 em học sinh, nếu không được khẩn trương khắc phục tình trạng trên thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết là rất cao.

Cần giải pháp hiệu quả hơn

Ông Nguyễn Hoàng Khiêm, Trưởng trạm Y tế xã Tân Thành, cho hay: “Hai tháng qua, chúng tôi đã tiến hành 3 lần phun hóa chất để phòng tránh dịch bệnh lây lan trên địa bàn. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân đổ lăng quăng, thực hiện các biện pháp phòng tránh muỗi đốt,… Tình trạng mắc bệnh ở một số điểm đã có giảm, nhưng một số địa bàn khác lại phát sinh. Đến nay, đã có 5/6 ấp của xã có bệnh sốt xuất huyết”.

Vấn đề từ nhận thức và hành động của người dân, hầu như công tác phòng bệnh chưa được các gia đình quan tâm và cũng chưa có hiểu biết đầy đủ. Bà Trần Thị Thốn, ở ấp Sơn Phú 2A, nói: “Con tôi mắc bệnh sốt xuất huyết sau khi cháu nhà kế bên mắc bệnh mấy ngày. Trước đây, cũng không quan tâm diệt lăng quăng phòng bệnh sốt xuất huyết”.

Trước thực trạng này, Trung tâm Y tế thị xã đã đưa ra nhiều giải pháp để truyền thông trong hộ dân. Ông Nguyễn Hoàng Dô, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy, cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ làm việc với xã để huy động lực lượng cùng ngành y tế tuyên truyền bệnh sốt xuất huyết đến từng hộ dân, cung cấp cá bảy màu cho bà con thả vào dụng cụ chứa nước để chúng ăn lăng quăng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ổ dịch sốt xuất huyết, giám sát, làm vệ sinh môi trường kịp thời, nhằm hạn chế thấp nhất số cas bệnh ghi nhận tại địa bàn xã Tân Thành trong thời gian tới”.

Vấn đề ở đây là nguy cơ bùng phát dịch bệnh sẽ rất cao không chỉ riêng xã Tân Thành, cho nên điều quan trọng là cần có cách truyền thông mới, hiệu quả cao để người dân hiểu rõ và duy trì thường xuyên thực hành phòng bệnh, nhất là địa bàn đông dân cư, trường học…

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>