“Người gác cổng” bảo vệ sức khỏe Nhân dân

10/02/2021 | 16:53 GMT+7

Mỗi mùa xuân qua lại đánh dấu sự trưởng thành của y tế cơ sở. Đây có thể khẳng định là tuyến đầu trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Châm cứu cho bệnh nhân tại Trạm Y tế xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy.

Y tế cơ sở nay đã khác…

Về với Trạm Y tế xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy những ngày giáp tết, không khí làm việc của cán bộ y tế tất bật vì đang là ngày tiêm vắc-xin cho trẻ. Nhiều gia đình đưa con em đến tiêm chủng để phòng bệnh. Theo bác sĩ chuyên khoa cấp 1 Phan Văn Hải, Trưởng trạm Y tế xã Vĩnh Thuận Tây: “Ý thức người dân về tiêm chủng phòng bệnh giờ đã cao hơn trước rất nhiều. Hàng năm, kết quả tiêm vắc-xin cho trẻ dưới 1 tuổi miễn dịch đầy đủ đều trên 95%”. Đây là một trong những kết quả phấn khởi mà Trạm Y tế xã Vĩnh Thuận Tây thực hiện được, góp phần dự phòng bệnh truyền nhiễm hiệu quả cho trẻ em.

Việc triển khai tiêm vắc-xin ở đây luôn được người dân tin tưởng, đó là kết quả từ sự nỗ lực của cán bộ y tế trong thực hiện đúng các quy trình tiêm chủng, đảm bảo an toàn khi tổ chức các buổi tiêm. Đưa con đi tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản tại trạm y tế này, chị Lê Thị Trúc Ly, ở xã Vĩnh Thuận Tây, bày tỏ: “Bé Lê Thành Nhân được 12 tháng tuổi và được trạm y tế tiêm đủ các loại vắc-xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trước đó, khi mang thai, cán bộ y tế cũng tư vấn và vận động tôi sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh nên bây giờ an tâm con mình được khỏe mạnh”. Hoạt động tiêm chủng mở rộng được duy trì thực hiện hàng tháng ở Trạm Y tế xã Vĩnh Thuận Tây vào ngày 3 và 4, nên ngần ấy năm nay người dân ở xã ai cũng biết và đưa con em đến tiêm vắc-xin.

Khám, chữa bệnh cho bệnh nhân tại Trạm Y tế xã Đông Phú,  huyện Châu Thành.

Dãy phòng đối diện, nhân viên y tế đang châm cứu cho bệnh nhân. Đây cũng là một trong những dịch vụ trạm được nhiều người bệnh tin tưởng. Bà Cao Thị Bé Tư, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Tây, chia sẻ: “Khoảng 1 tuần nay, tôi bị đau nhức khớp, nhờ được châm cứu ở đây mà đã giảm hơn 8 phần”. Cùng thời điểm này, cũng có những bệnh nhân khác đang châm cứu tại trạm, mọi người đều bảo châm cứu xong thấy bệnh giảm hẳn. Một số bệnh nhân ở xã Vĩnh Thuận Đông (huyện Long Mỹ) cũng sang châm cứu. Ai cũng phấn khởi vì dịch vụ y tế về gần nhà sẽ thuận lợi để đến chăm sóc sức khỏe.

Ông Phan Văn Hải cho biết thêm: “Mỗi ngày có từ 10-20 người châm cứu, có khi nhiều hơn”. Ấy là nhờ hiệu quả điều trị và cả thái độ, tinh thần trách nhiệm phục vụ của nhân viên y tế. Trạm Y tế xã Vĩnh Thuận Tây là một trong những trạm y tế của tỉnh có được số lượt khám, chữa bệnh khá cao, trung bình từ 50 lượt khám, chữa bệnh/ngày. Trạm được đầu tư cơ sở vật chất đạt chuẩn và được trang bị các trang thiết bị cơ bản nhất đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân ở địa phương. Ông Phan Văn Hải khoe: “Điều kiện để khám, chữa bệnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu, trạm có máy siêu âm, đo điện tim giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác hơn”. Điểm nổi bật là ở đây có bác sĩ chuyên khoa cấp 1 phục vụ khám, chữa bệnh nên càng tăng niềm tin của bệnh nhân.

Cũng có bác sĩ phục vụ, có cơ sở, trang thiết bị cùng với sự tận tình của cán bộ y tế mà Trạm Y tế xã Đông Phú, huyện Châu Thành, có được lượng bệnh đến khám đáng kể, trung bình mỗi ngày từ 50 lượt khám. Không chỉ là người dân ở xã mà còn được một số người dân ở xã, phường lân cận tin tưởng, lựa chọn là nơi khám, chữa bệnh mỗi khi ốm đau. Bà Nguyễn Thị Kiều, ở phường Tân Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, cho biết: “Nhà mỗi khi có ai bệnh là đến trạm y tế này khám và lấy thuốc uống. Y, bác sĩ nhiệt tình, bệnh thông thường chữa vài ngày là khỏi”.

Để có được niềm tin của bệnh nhân, y, bác sĩ ở đây đã đổi mới rất nhiều trong phục vụ. Bác sĩ Võ Đông Long Hải, Phó trưởng Trạm Y tế xã Đông Phú, khẳng định: “Gần 5 năm qua, nhân viên y tế trạm đã thực hiện phong trào đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Hàng năm đều có cam kết thực hiện nên đã thay đổi từ nhận thức đến hành động. Trong phục vụ luôn thân thiện, tận tình và chu đáo hơn khi tiếp xúc, khám, chữa bệnh cho người dân”.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong một số hoạt động và khám, chữa bệnh được triển khai tại 100% trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực của tỉnh.

Hướng tới quản lý sức khỏe toàn diện

Ngành y tế tỉnh đang quyết tâm phát triển y tế cơ sở hướng tới quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân. Ông Đỗ Phát Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, nhấn mạnh: “Y tế cơ sở đang tập trung vào việc theo dõi, tư vấn về sức khỏe, chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em; phòng chống các bệnh lây nhiễm, không lây nhiễm, quản lý các bệnh mạn tính; khám bệnh, chữa bệnh theo chức năng, nhiệm vụ và kết nối, chuyển người bệnh lên các cơ sở y tế tuyến trên. Các hoạt động phòng chống dịch bệnh, các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, tiêm chủng trẻ em và phụ nữ mang thai, quản lý thai sản, kế hoạch hóa gia đình, khám chữa bệnh ban đầu… Hướng tới thực hiện việc quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho từng người dân trên địa bàn”.

Y tế cơ sở đang dần chuyển mình khi thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Ông Trần Công Lành, Trưởng trạm Y tế xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, cho biết: “Công tác khám, chữa bệnh đang được triển khai bằng phần mềm, không còn ghi tay như trước nữa. Ngoài ra, chúng tôi đang quản lý tiêm chủng, quản lý sức khỏe người dân ở xã bằng phần mềm. Trong tương lai sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa ở trạm y tế nhằm hướng tới phục vụ đắc lực cho công tác quản lý sức khỏe toàn dân”.

Các trạm y tế được định hướng hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, đây là mô hình hoạt động được đánh giá hiệu quả giúp quản lý khoa học, toàn diện, bảo vệ tốt sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới. Để phát triển theo nguyên lý này, nguồn nhân lực bác sĩ về y học gia đình đã được quan tâm và khuyến khích đào tạo những năm qua. Sau đào tạo, các bác sĩ sẽ hiểu sâu và định hướng được những việc cần làm để đưa trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Dù còn nhiều điểm phải đầu tư, thay đổi, tuy nhiên hy vọng sẽ thực hiện được trong những năm tiếp theo.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở là nhiệm vụ ngành y tế tỉnh đặt ra hiện nay. Ông Đỗ Phát Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thông tin thêm: “Năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 112 về phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2018-2025. Sắp tới sẽ triển khai thực hiện lộ trình Dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ tuyến y tế cơ sở” từ nguồn vốn vay và viện trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) hy vọng sẽ tạo đà phát triển mới cho y tế cơ sở”.

Dù chưa phải hết khó, nhưng y tế cơ sở đã góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân theo quan điểm “Y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”.

Trạm Y tế xã Vĩnh Thuận Tây được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Dấu ấn năm 2020

 

Trong những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở ở tỉnh đã được củng cố, phát triển hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận ấp, khu vực và hoạt động ngày càng hiệu quả, đã là những “người gác cổng” bảo vệ vững chắc sức khỏe Nhân dân. Đặc biệt năm 2020, y tế cơ sở đã thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát không để dịch bệnh mới xâm nhập vào tỉnh và kiểm soát giảm sâu các dịch bệnh lưu hành như bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, các dịch bệnh có vắc-xin phòng ngừa hầu như không ghi nhận cas mắc,...

 

Nhiều mục tiêu đạt 100%

 

- Tỉnh có 75/75 trạm y tế, đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2010-2020.

- 100% trạm y tế xã được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp, cải tạo đủ điều kiện phục vụ Nhân dân.

- 100% trạm y tế xã hiện nay đã thực hiện quản lý bệnh không lây nhiễm, bệnh lây nhiễm.

- 100% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

 

HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>