Ngăn ngừa đột quỵ bằng cách nào ?

14/05/2018 | 09:29 GMT+7

Đột quỵ là một căn bệnh nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe con người, đặc biệt khi đột quỵ đang có dấu hiệu trẻ hóa. Vậy đâu là cách nhận biết và ngăn ngừa đột quỵ xảy ra?

Ông Sáu đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Hạn chế kiến thức

Gặp ông Nguyễn Văn Y, ở ấp 7, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, một trong những trường hợp đột quỵ đang nằm điều trị tại Khoa Nội thần kinh - cơ xương khớp - huyết học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sức khỏe ông vẫn còn khá yếu. Dành một ít thời gian để chia sẻ về tình trạng của mình, giọng ông Y nghẹn ngào, nói trong nước mắt: “Hôm trước thấy chân tê, yếu nên nghĩ là xuất hiện đột quỵ lần nữa nên gia đình mới đưa tôi vào nhập viện. Tôi ước gì thời gian quay lại, bản thân không chủ quan và có cách để bảo vệ sức khỏe hợp lý thì đã không như bây giờ”. Ông Y năm nay 52 tuổi, tuy nhiên, 10 năm trước đã bị đột quỵ. Do đó, sau đột quỵ, dù còn khá minh mẫn nhưng mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ vợ chăm sóc, trong khi ông lại là trụ cột gia đình.

Hậu quả do đột quỵ gây ra là khá lớn khi hiện tại ông Y bị liệt nửa thân người bên trái, trí nhớ giảm đi vài phần. Chia sẻ về dấu hiệu đột quỵ của ông Y 10 năm về trước, bà Lê Thị Diệu (vợ ông Y), nói: “Khi 30 tuổi, chồng tôi đã bị tăng huyết áp, tuy nhiên cứ nghĩ là bình thường nên không uống thuốc hàng ngày. Hôm bị đột quỵ, chồng tôi đi công việc, mọi người phát hiện ông nói ngọng nên đưa vào nhà cho uống nước chanh, thuốc huyết áp, sau đó thì chuyển đi bệnh viện và điều trị gần 2 tháng”. Chắc hẳn nỗi đau mà đột quỵ đem lại cho gia đình là khá lớn, đặc biệt để lại nhiều di chứng nặng nề đối với người bệnh.

Hầu hết người dân chưa biết rõ về cách thức nhận biết và ngăn ngừa bệnh đột quỵ. Chính hạn chế trong kiến thức phòng bệnh là nguyên nhân chủ yếu gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Trường hợp của ông Nguyễn Văn Sáu, 81 tuổi, ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy cũng đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh là minh chứng. Hiện tại, ông Sáu gần như bị liệt nửa người, lúc quên, lúc nhớ. Bà Nguyễn Thị Cẩm (con ông Sáu), chia sẻ: “Gần cả tháng nay, gia đình phải thay phiên chăm sóc ông từ ăn uống đến sinh hoạt cá nhân. Hồi đó giờ, ba tôi đâu bị bệnh nên nghe nói ông đột quỵ gia đình cũng bất ngờ. Gia đình tôi không biết những dấu hiệu và cách để phòng bệnh”.

Hàng năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang tiếp nhận khoảng 500 cas đột quỵ. Tuy nhiên, khi bệnh nhân được đưa đến bệnh viện đều đã qua thời điểm vàng (từ 3 giờ đến 4 giờ 30 phút sau khi xuất hiện một số triệu chứng đột quỵ), do đó gây ảnh hưởng đến quá trình và chất lượng điều trị. Hầu hết những trường hợp này đều bị di chứng nặng nề như không tự chăm sóc bản thân, phải sống phụ thuộc vào gia đình...

Những điều lưu ý

Đột quỵ dường như đã trở thành nỗi ám ảnh với tất cả mọi người, bất kể độ tuổi, nghề nghiệp hay giới tính. Đột quỵ thường có hai trường hợp là nhồi máu não (xuất hiện cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu) và xuất huyết não (mạch máu bị vỡ gây chảy máu trong não). Trong đó, 80% các trường hợp đột quỵ đều là nhồi máu não. Đột quỵ gây ra nhiều hậu quả nặng nề, nghiêm trọng nhất là khiến bệnh nhân tử vong; nếu không tử vong bệnh nhân sẽ bị tàn phế, từ đó trở thành gánh nặng của gia đình (bởi người bệnh thường trong độ tuổi lao động hoặc người già).

Một số đối tượng có nguy cơ mắc đột quỵ cao như người lớn tuổi, tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, hút thuốc lá, béo phì, ít vận động,… Nếu trước đây, đột quỵ thường xảy ra ở độ tuổi từ 50 trở lên, thì hiện tại đang có dấu hiệu trẻ hóa, dễ xảy ra vào các trường hợp 40 tuổi trở xuống. Ông Trương Phạm Vĩnh Lễ, Phó trưởng Khoa Nội thần kinh - cơ xương khớp - huyết học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chia sẻ: ““Méo cười, ngọng nói, xụi tay” là một trong 3 dấu hiệu cơ bản và thường gặp nhất đối với người bị đột quỵ. Khi có những biểu hiện trên cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời”. Ngoài ra, một số triệu chứng có thể xảy đến đột ngột, dễ nhận biết như xây xẩm chóng mặt, tê yếu tay chân, tức ngực, khó thở, tim đập nhanh...

Phát hiện các triệu chứng và đưa người bệnh đến cơ sở y tế trong thời điểm vàng sẽ giúp hạn chế được những ảnh hưởng do bệnh gây ra. Trong thời điểm này, có thể sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (trường hợp nhồi máu não), giúp giảm thiểu tỷ lệ tử vong cũng như di chứng để lại. Ông Trương Phạm Vĩnh Lễ, Phó trưởng Khoa Nội thần kinh - cơ xương khớp - huyết học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, lưu ý thêm: “Để hạn chế đột quỵ xảy ra, người dân cần chủ động kiểm soát các yếu tố nguy cơ, hạn chế dầu mỡ, ăn nhiều rau, tập thể dục đều đặn 30 phút/ngày. Đột quỵ là hậu quả của một quá trình mà ở đó người bệnh có thể chủ động ngăn ngừa và phòng trị”.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>