Nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh

03/07/2019 | 08:18 GMT+7

Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay - chân - miệng, sởi, đang có chiều hướng gia tăng, ngành y tế huyện Châu Thành đã và đang đề ra nhiều giải pháp bài bản trong phòng, chống dịch bệnh.

Nhờ sự quan tâm của trạm y tế cơ sở, các con chị Chi (trái) luôn được tiêm chủng đầy đủ.

Kết quả từ sự chủ động

Từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh SXH trên địa bàn huyện Châu Thành tăng mạnh so cùng kỳ, đặc biệt khi bước vào mùa mưa. Do đó, ngành y tế huyện đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ cụ thể để phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, yếu tố cần thiết và cốt lõi là nâng cao nhận thức người dân để chủ động phòng dịch. Bà Lê Ngọc Anh, ở ấp Khánh Hòa, xã Phú An, nói: “Tôi luôn dọn dẹp, vệ sinh trong lẫn xung quanh nhà, đảm bảo tạo môi trường trong lành, thông thoáng. Gia đình tôi sử dụng nước máy nhằm hạn chế việc chứa nước để ngăn ngừa muỗi đẻ trứng, uống nước trong bình lọc giúp đảm bảo an toàn cho sức khỏe”.

Tính đến ngày 23-6, xã Phú An là địa phương duy nhất trên địa bàn huyện Châu Thành chưa ghi nhận cas bệnh SXH, không tăng không giảm so cùng kỳ. Đây được xem tín hiệu khá khả quan, chính nhờ sự chủ động của địa phương trong công tác tuyên truyền tận hộ gia đình, tạo nên đồng thuận cao trong Nhân dân. Ông Đỗ Văn Hiền, Bí thư chi bộ, Trưởng ấp, cộng tác viên y tế ấp Khánh Hòa, xã Phú An, cho biết: “Tôi lồng ghép tuyên truyền, cung cấp thêm kiến thức về phòng, chống dịch bệnh SXH, tay - chân - miệng, sởi qua các cuộc họp chi bộ, họp dân, đảm bảo dễ hiểu, dễ thực hiện. Tôi làm cộng tác viên y tế đến nay hơn 20 năm, mới nhận thêm công tác ở ấp từ năm 2015, nên quen thuộc với người dân địa phương, giúp thuận lợi và hiệu quả khi tuyên truyền”.

Việc vận động, tuyên truyền sẽ tăng cường thêm kiến thức cho người dân về bệnh SXH, nhằm hạn chế bệnh xảy ra và có thể bùng phát thành dịch, như đảm bảo vệ sinh môi trường, vật dụng chứa nước phải lật úp cẩn thận,... Ngoài ra, huyện cũng thực hiện nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống bệnh SXH, ngày vệ sinh yêu nước, vệ sinh môi trường phòng, chống bệnh zika và bệnh tay - chân - miệng. Địa phương xác định trọng điểm triển khai tích cực ở các địa bàn có bệnh diễn biến phức tạp, nhằm khống chế không để dịch bệnh gia tăng.

Ngành y tế huyện còn kết hợp với trường học tuyên truyền kiến thức về phòng bệnh SXH. Qua đó, mỗi học sinh sẽ là một cộng tác viên y tế về phòng, chống bệnh SXH đắc lực, phục vụ tại hộ gia đình. Vận động, khuyến khích người dân đậy kín lu, khạp chứa nước, tiến hành thả cá bảy màu tại trạm y tế, trường học để diệt lăng quăng,…

Không lơ là

Ngoài sự gia tăng của bệnh SXH, năm nay, tình hình bệnh sởi trên địa bàn tỉnh nói chung, cũng như huyện Châu Thành nói riêng diễn ra rất khó lường. Đến ngày 23-6, huyện Châu Thành ghi nhận 17 cas bệnh sởi, thuộc 8/9 xã, thị trấn. Vì thế, để kìm chế bệnh sởi bùng phát, công tác quản lý tiêm chủng sởi mũi 2 cho trẻ được xem là nhiệm vụ cần thiết, một giải pháp khá khả thi. Công tác dự phòng bệnh sởi cũng được địa phương chú trọng bởi căn bệnh này có thể lây lan nhanh chóng và dễ bùng phát thành dịch. Ngành y tế cũng cung cấp thêm những kiến thức liên quan, cần thiết về bệnh sởi để người dân hiểu và dễ dàng nhận biết. Do đó, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bệnh sẽ đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị và cách ly kịp thời.

Bà Nguyễn Kim Hồng, Trưởng Trạm Y tế xã Đông Phú, cho biết: “Cán bộ y tế sẽ tư vấn cho phụ huynh hiểu những lợi ích mà việc tiêm ngừa vắc-xin sởi đem lại, cũng như thường xuyên nhắc nhở tiêm đúng thời gian. Riêng trường hợp trẻ bỏ sót mũi tiêm, chúng tôi sẽ liên hệ ngay để tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra biện pháp giải quyết. Mọi công việc liên quan phòng, chống bệnh được trạm chủ động thực hiện, quan trọng là không để xuất hiện cas bệnh nào”.

Toàn xã Đông Phú có 138 trẻ thuộc diện cần tiêm đủ liều sởi trong năm 2019. Vào tháng 3 vừa qua, xã Đông Phú, với 768 trẻ từ 1 đến 5 tuổi được tiêm vắc-xin sởi - rubella trong chiến dịch do tỉnh tổ chức. Việc triển khai chiến dịch mang ý nghĩa quan trọng, nhằm tăng tỷ lệ trẻ được miễn dịch với bệnh sởi, giúp phòng bệnh hiệu quả, góp phần khống chế, ngăn chặn sự bùng phát của bệnh sởi đang diễn ra khá phức tạp. Chị Vũ Thị Kim Chi, ở ấp Phú Nhơn, nói: “Tới ngày tiêm chủng là nhân viên y tế sẽ điện thoại nhắc nhở, tư vấn cho mình một số vấn đề liên quan để có thêm kiến thức về bệnh. Nhờ sự quan tâm của ngành y tế địa phương, giúp những bà mẹ trẻ như chúng tôi chủ động trong công tác phòng bệnh hiệu quả”. Xã Đông Phú có 6 tổ y tế, 16 cộng tác viên ở 6 ấp, đảm bảo phủ khắp địa bàn.

Để tăng cường sự chủ động, phối hợp từ gia đình, giúp việc tiêm ngừa sởi thực hiện hiệu quả, ngành y tế luôn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến cộng đồng về những hiệu quả của tiêm chủng. Đồng thời, đảm bảo an toàn trong tiêm chủng; xử lý tốt khi có tai biến đột ngột xảy ra; tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ đến tiêm chủng. Vắc-xin sởi được duy trì tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng hàng tháng, thực hiện tiêm cho trẻ lúc 9 tháng tuổi (mũi 1) và 18 tháng tuổi (mũi 2).

Ông Nguyễn Trọng Thảo, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh - HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, cho biết: “Số cas bệnh tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu chững lại, nên chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tại hộ gia đình để nâng cao nhận thức người dân từ chiều rộng lẫn chiều sâu. Ngoài ra, thường xuyên, chủ động trong công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại cộng đồng. Vận động hộ dân có lăng quăng tự đổ các dụng cụ chứa nước, tự phòng bệnh chứ không nên làm thay, nhằm tạo nên ý thức, tránh tình trạng ỷ lại”.

Tính đến ngày 23-6, trên địa bàn huyện Châu Thành, ghi nhận 31 cas SXH (tăng 22 cas so cùng kỳ), 27 cas tay - chân - miệng và sởi 17 cas.

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>