Không có phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin ComBE Five

07/01/2019 | 07:57 GMT+7

Sau khi chính thức triển khai tiêm vắc-xin ComBE Five trên địa bàn tỉnh từ ngày 3 đến 5-1, với trên 4.000 liều vắc-xin được nhận về, theo khẳng định của ông Nguyễn Văn Lành, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: “Không có trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin này”.

Tiêm vắc-xin ComBE Five cho trẻ ở thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A.

Nhiều trẻ được tiêm vắc-xin ComBE Five phòng bệnh

Con vừa được 2 tháng tuổi, chị Huỳnh Thị Yến, ở phường I, thành phố Vị Thanh, ẵm cháu đến Trạm Y tế Phường I để tiêm vắc-xin phòng bệnh. Bé Lưu Xuân Phúc được tiêm vắc-xin mới ComBE Five chị vẫn quyết định cho con tiêm vì được bác sĩ tư vấn về lợi ích của vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ. Chị Yến nói: “Cán bộ y tế trước khi tiêm đã tư vấn và dặn dò gia đình theo dõi trẻ sau khi tiêm vắc-xin. Nếu có biểu hiện gì bất thường thì đưa đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và chăm sóc, cũng như tư vấn những phản ứng thông thường sau tiêm vắc-xin như trẻ sốt hay đau ở vết tiêm”.

Khi triển khai tiêm vắc-xin ComBE Five thay thế cho vắc-xin Quinvaxem, những trẻ hoãn tiêm trước đây cũng được tiêm bổ sung vắc-xin phòng bệnh. Chị Lê Thị Huỳnh Như, ở phường III, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Con tôi đã 5 tháng tuổi, nhưng chưa tiêm vắc-xin Quinvaxem phòng các bệnh do trước đây có đưa bé đến trạm y tế để tiêm, nhưng rơi vào khoảng thời gian không có vắc-xin, vì vậy đợi đến hôm nay mới tiêm mũi đầu tiên cho bé được”.

Bé Lê Phan Mai Quỳnh, ở ấp Xáng Mới C, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, được tiêm vắc-xin ComBE Five mũi 3 tiếp tục sau khi tiêm 2 mũi vắc-xin Quinvaxem trước đây. Bà Nguyễn Thị Kim Quyền, mẹ bé Mai Quỳnh, kể: “Chúng tôi đã được cán bộ y tế tư vấn hiệu quả của vắc-xin mới cũng tương tự và có thể tiêm tiếp theo để đảm bảo miễn dịch cho bé, vì vậy gia đình đã đồng ý để cháu tiêm vắc-xin”.

Theo bà Đặng Thu Kiền, Trưởng trạm Y tế Phường I, thành phố Vị Thanh: “Trong đợt đầu tiên triển khai tiêm vắc-xin ComBE Five có 26 trẻ được tiêm vắc-xin tại trạm y tế phường, trong đó có trẻ tiêm mũi 1, mũi 2 và mũi 3. Không có trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin, chỉ có một số trường hợp có biểu hiện sốt, đây là biểu hiện thường gặp ở trẻ sau khi tiêm vắc-xin này, cũng giống như khi tiêm vắc-xin Quinvaxem trước đây. Chúng tôi đã tư vấn để gia đình hiểu và lưu ý theo dõi trẻ sau khi tiêm vắc-xin, đặc biệt sau khi tiêm vắc-xin tại trạm, trẻ phải ở lại 30 phút để theo dõi tại cơ sở y tế. Cũng có trường hợp gia đình lo lắng vì đây là loại vắc-xin mới và chúng tôi cũng đã tư vấn, vận động để gia đình tiêm vắc-xin cho trẻ”.

Hiệu quả, phản ứng sau tiêm ComBE Five tương tự như vắc-xin Quinvaxem

Vắc-xin ComBE Five do một công ty ở Ấn Độ sản xuất, có thành phần tương tự như vắc-xin Quinvaxem đang sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng và đã thí điểm ở 7 tỉnh, thành trong cả nước trước khi triển khai trên phạm vi toàn quốc, trong đó có Hậu Giang. Thành phần gồm giải độc tố vi khuẩn bạch hầu, giải độc tố vi khuẩn uốn ván, vi khuẩn ho gà bất hoạt (toàn tế bào), kháng nguyên vi-rút viêm gan B và kháng nguyên vi khuẩn Hib. Vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib. Theo ông Lành: “Phản ứng sau tiêm vắc-xin ComBE Five tương tự vắc-xin Quinvaxem. Trẻ tiêm có thể có các phản ứng thông thường như: sốt, đau, đỏ hoặc sưng nhẹ tại chỗ tiêm, những biểu hiện này sẽ tự khỏi sau 1-3 ngày. Các phản ứng nặng hiếm gặp bao gồm: sốc phản vệ, khóc thét, co giật, giảm trương lực cơ. Vắc-xin được tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi vào lúc tháng thứ 2, 3, 4. Sau 3 ngày tiêm vắc-xin này trên địa bàn tỉnh không có trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm, chỉ có những biểu hiện thường gặp như sốt”.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, các phản ứng nặng có thể gặp ở bất cứ một loại vắc-xin nào, nhưng thường rất hiếm gặp. Tuy nhiên, đây là vắc-xin có thể phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ nhỏ, nếu trẻ mắc các bệnh này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Sử dụng vắc-xin phối hợp sẽ giảm số mũi tiêm cho trẻ, tiết kiệm thời gian cho các bà mẹ và gia đình, đồng thời trẻ có cơ hội phòng được 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, vì vậy trẻ cần được tiêm vắc-xin phòng bệnh. Theo tư vấn của ông Lành: “Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tiêm chủng, các bậc cha mẹ nên chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình, có đang ốm, sốt hay có tiền sử dị ứng hay phản ứng mạnh với những lần tiêm trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, sưng đau lan rộng tại vị trí tiêm hoặc có bất thường gì khác hay không? Sau khi tiêm chủng cần phải ở lại 30 phút tại điểm tiêm để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra. Gia đình theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà trong vòng một ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu bất thường ở trẻ. Đưa ngay trẻ đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu sốt cao trên 390C, co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, bỏ bú, bú kém, khó thở, tím tái, li bì, phát ban,… hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên một ngày”.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>