Trẻ bệnh quai bị, thủy đậu ở Trường Mầm non Ánh Dương

Không chỉ có 6 trường hợp…

31/03/2017 | 07:38 GMT+7

Theo thông tin ban đầu từ Trường Mầm non Ánh Dương, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành  và Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, có 6 trẻ mắc bệnh quai bị, thủy đậu tại trường này ở 3 lớp. Tuy nhiên, qua thực tế của chúng tôi, số trẻ mắc bệnh nhiều hơn.

Lớp chồi 2 chỉ có một nửa trẻ đi học vì phụ huynh lo lắng lây bệnh thủy đậu.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Ly, giáo viên dạy lớp lá 3, Trường Mầm non Ánh Dương, cho biết: “Ngày 30-3, trường có 27 trẻ nghỉ học, trong đó có 7 trẻ nghỉ do bệnh quai bị. Bệnh quai bị đã xảy ra và kéo dài tại lớp từ đầu tháng 3 đến nay với 12 cas bệnh. Các cas bệnh cứ rải rác chứ không tập trung một thời điểm”. Tình hình bệnh quai bị xảy ra ở lớp học này thời gian qua đã khiến cho phụ huynh của trẻ hoang mang và không dám cho con đi học.

Một trong những trường hợp trẻ nghỉ vì bệnh quai bị lớp này là bé Nguyễn Minh Nhẫn mắc bệnh quai bị vào thứ hai tuần này. Mẹ của bé Nhẫn là chị Lê Thị Trúc Phương, ở thị trấn Ngã Sáu, cho biết: “Mới đầu cháu chỉ có biểu hiện ho, nóng, sau đó bị sưng hàm. Hồi đó tới giờ không biết bệnh quai bị nên cho cháu đi học. Đến trường cô giáo phát hiện cháu bị bệnh mới gọi điện cho gia đình rước về nhà”.

Không chỉ có trường hợp của bé Nhẫn, mà trường hợp của bé Trần Ngọc Quyền, cùng lớp lá 3, gia đình cũng rất mơ hồ về kiến thức bệnh quai bị. Chị Nguyễn Thị Thúy Liễu, mẹ của bé Quyền, cho hay: “Trước giờ chỉ nghe tên bệnh quai bị, nhưng chưa gặp và cũng không biết bệnh nguy hiểm thế nào. Khi đi khám bệnh cho cháu, bác sĩ nói bị bệnh quai bị sẽ lây cho người khác và bảo hạn chế tiếp xúc mới biết”. Đến nay, Ngọc Quyền đã khỏi bệnh, nhưng chị Thúy Liễu không biết còn lây bệnh hay không nên định cho con nghỉ học thêm 2 tuần.

Tình trạng cũng tương tự tại lớp chồi 2, trẻ nghỉ học đến 30 em cùng ngày, trong khi sĩ số lớp có trên 60 em. Cô Nguyễn Thị Kim Khoa, giáo viên phụ trách lớp này, bày tỏ: “Lớp đã có 8 cas bệnh thủy đậu. Một số trường hợp trẻ được phát hiện bệnh ở lớp, số khác gia đình đưa trẻ đi khám bệnh và gọi điện báo. Lớp hiện có 5 trẻ khỏi bệnh trở lại học bình thường, còn 3 trẻ đang nghỉ để cách ly”.

Tình hình bệnh quai bị, thủy đậu tại trường hiện nay rất phức tạp khiến  giáo viên và phụ huynh trẻ lo lắng dù đã triển khai các giải pháp phòng bệnh. Cô Nguyễn Thị Mỹ Ly nói: “Thời gian qua, giáo viên đã tăng cường vệ sinh lớp học và vệ sinh đồ chơi cho trẻ bằng cloramin B, kiểm tra sức khỏe trẻ khi nhận vào lớp, phát hiện những trẻ bệnh và đề nghị phụ huynh cho trẻ nghỉ để cách ly ở nhà”.

Ngành y tế đã triển khai giám sát cas bệnh và tuyên truyền nâng cao nhận thức giáo viên và phụ huynh của trường. Tuy nhiên, trước tình trạng như hiện nay, ngành y tế sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để phòng bệnh lây lan. Ông Nguyễn Trọng Thảo, Trưởng Khoa kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tăng cường giám sát tình hình bệnh quai bị, thủy đậu và dự kiến đầu tuần sau sẽ tiếp tục mời phụ huynh của trẻ học ở trường để tổ chức tuyên truyền về hai căn bệnh này”.

Cách ly bệnh nhân bị bệnh quai bị, thủy đậu cho đến khi khỏi hẳn

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lành, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tư vấn: Bệnh thủy đậu là một bệnh rất dễ lây truyền khi người bệnh nói, hắt hơi, nhảy mũi hoặc ho... Bệnh cũng có thể lây lan qua sự tiếp xúc đến quần áo hoặc vải trải giường bị ô nhiễm bởi chất dịch từ ban ngứa hoặc từ miệng hay mũi của người bị bệnh.

Bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện 10-14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Triệu chứng là nổi mụn nước ở vùng đầu, mặt, chi và thân. Bên cạnh mụn nước, trẻ nhỏ thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn nhưng ở người lớn hay trẻ lớn thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói.

Biến chứng nhẹ của bệnh là nhiễm trùng da nơi mụn nước. Trường hợp nặng hơn vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Các biến chứng nặng như: viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não... là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, hay để lại di chứng sau này.

Quai bị là bệnh rất dễ lây truyền, phát triển nhất là vào mùa xuân, hè. Bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như viêm não, viêm màng não, gây vô sinh ở nam giới. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp và đường ăn uống, qua những giọt nước bọt khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi.

Triệu chứng: Khi mới nhiễm vi-rút quai bị bệnh nhân thấy khó chịu, sợ gió, nhức đầu, đau trước tai, khó nhai, bị sốt cao (39-400C), chảy nước bọt. Một bên má (tuyến mang tai) bắt đầu sưng to, sau một hoặc vài ngày lan sang bên kia gây đau khi nuốt nước bọt. Chỗ sưng đau nhưng không tấy đỏ, da bóng lên, ấn không lún, không hóa mủ, họng hơi đỏ.

Biện pháp phòng bệnh quai bị, thủy đậu hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin phòng bệnh. Ngoài ra, cần tăng cường giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Cách ly bệnh nhân bị bệnh quai bị, thủy đậu cho đến khi khỏi hẳn;…

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>