Khi bệnh viện phải “bao” viện phí cho người bệnh

21/08/2017 | 07:49 GMT+7

Có những bệnh nhân quá khó khăn, không thể lo được viện phí, nhưng không vì vậy mà bệnh viện từ chối điều trị cho bệnh nhân...

Em Kiều Loan được các bác sĩ chăm sóc tận tình dù hiện tại gia đình không lo được viện phí.

Không có viện phí vẫn chữa trị tận tình, chu đáo

Một mình nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt ở Khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang, em Thị Kiều Loan, 10 tuổi, ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, được các y, bác sĩ khoa chăm sóc tận tình. Hơn 2 tháng trước, Kiều Loan bị sốt, đau đầu gia đình đã đưa đến bệnh viện để khám bệnh và được chẩn đoán bệnh viêm màng não. Bác sĩ chuyên khoa 1 Phan Thị Ngọc Diễm, Khoa nhi, cho biết: “Mới đầu, Kiều Loan vào viện đã có biểu hiện sốt liên tục, nhức đầu, lơ mơ, yếu nửa người, theo dõi bệnh viêm màng não. Sau đó, em bị hôn mê, chúng tôi đã đặt nội khí quản và cho em thở máy đến nay. Hiện tại, tình trạng bệnh đã có chuyển biến tích cực, khi kích thích đã có cảm giác đau, mở mắt, nhưng em vẫn còn lơ mơ, tay, chân chưa cử động được”.

Hơn 2 tháng qua, chi phí điều trị cho Kiều Loan khá lớn, trên 69 triệu đồng. Em có bảo hiểm y tế được thanh toán 80% và đồng chi trả 20%. Theo thông tin từ bệnh viện, chi phí gia đình bệnh nhân phải trả gần 14 triệu đồng đến thời điểm hiện tại, nhưng gia đình chỉ có khả năng tạm ứng 2 triệu đồng. Theo chia sẻ của cha Kiều Loan là ông Danh Tấm Lót, hoàn cảnh gia đình hiện rất khó khăn nên không thể lo viện phí cho em nổi. Ông Lót nói: “Nhà chỉ sống bằng nghề làm mướn, con đau nặng như vầy, còn vợ thì mới sinh con còn nghỉ hộ sản. Tôi chạy tới lui trực ở bệnh viện nên cũng chẳng làm gì được để kiếm tiền. Khoản viện phí mười mấy triệu đồng với gia đình tôi là quá lớn chưa biết làm sao”.

Thấy vậy, bà con dòng họ cũng tiếp giúp đến bệnh viện để trực lo cho cháu tiếp vợ chồng anh. Bà Thị Mai, một người bà con của ông Lót, bảo: “Mình chỉ giúp được sức, chứ anh, chị em ai cũng đi làm mướn hết, không có khả năng giúp nhiều tiền bạc”.

Dù vậy, nhưng việc điều trị cho em vẫn được thực hiện đàng hoàng. Chẳng những vậy, các y, bác sĩ còn tích cực vận động để lo sữa uống, súp cho bữa ăn của Kiều Loan trong quá trình điều trị bệnh. Điều dưỡng trưởng Khoa nhi Phan Thị Thu Thúy chia sẻ: “Mấy lúc họp hội đồng người bệnh, chúng tôi cũng tranh thủ vận động để giúp đỡ cho em, có người cho tiền, có người cho sữa”. Phòng công tác - xã hội của bệnh viện cũng đặc biệt quan tâm trường hợp của Kiều Loan và đang vận động mạnh thường quân để có thể giúp đỡ cho em.

Ông Tấm Lót cảm động vì dù gia đình không có tiền đóng viện phí nhưng bác sĩ vẫn chăm sóc điều trị chu đáo: “Mình không có tiền đóng, nhưng bác sĩ cũng chữa bệnh tận tình và cũng không làm khó dễ gì gia đình. Tình trạng cháu còn nặng, chắc phải tiếp tục điều trị, không tiền chẳng biết làm sao lo”.

Không thể bỏ bệnh nhân

Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Ngọc Diễm khẳng định dù gia đình chưa thể đóng viện phí đủ nhưng chúng tôi vẫn điều trị và tiếp tục điều trị chứ không thể không cứu chữa cho bệnh nhân. Đây cũng là quan điểm chung của bệnh viện. Được biết, ngoài trường hợp của Kiều Loan, những tháng đầu năm 2017 này, tại bệnh viện đã có 4 bệnh nhân quá khó khăn, không có khả năng trả viện phí, bệnh viện đã duyệt miễn tổng số tiền trên 20 triệu đồng. Cả năm 2016 cũng đã duyệt miễn cho 7 bệnh nhân với tổng số tiền trên 27 triệu đồng. Ông Trần Thanh Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khẳng định: “Với cái tâm của người thầy thuốc chúng tôi không thể bỏ bệnh nhân. Còn trường hợp bệnh nhi Kiều Loan, nếu hoàn cảnh gia đình bệnh nhân quá khó khăn, bệnh viện cũng tính đến phương án duyệt miễn viện phí và tiếp tục điều trị”.

Xoay quanh thực trạng này, ông Giang còn cho biết thêm tỉnh có quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo nhưng đối tượng được hỗ trợ chỉ là bệnh nhân trong tỉnh. Bệnh viện cũng đã thử liên hệ với bệnh viện ở tỉnh Kiên Giang, tỉnh láng giềng cũng có nguồn quỹ này, nhưng hiện chưa có sự phối hợp để bệnh nhân được giúp đỡ từ nguồn quỹ của tỉnh mình.

Cần có sự phối hợp trong hỗ trợ bệnh nhân nghèo giữa các tỉnh

Nhằm có thể giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo có điều kiện khám, chữa bệnh, ông Trần Thanh Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đề nghị tỉnh mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ và nâng mức hỗ trợ để giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo từ nguồn quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo. Hậu Giang với các tỉnh lân cận cần có cơ chế phối hợp để mỗi khi có bệnh nhân nghèo quá khó khăn ở tỉnh khác đến khám bệnh, điều trị bệnh ở tỉnh mình thì sẽ được hỗ trợ trực tiếp từ nguồn quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo của tỉnh.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>