Hiệu quả tích cực sau điều trị dự phòng lao

02/10/2017 | 08:37 GMT+7

Sau gần 7 năm thực hiện điều trị dự phòng lao cho bệnh nhân HIV bằng thuốc INH, đến nay chưa ghi nhận bệnh nhân HIV nào mắc bệnh lao sau khi được uống thuốc điều trị dự phòng. Đây là kết quả phấn khởi trong công tác chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS thời gian qua của tỉnh.

Phát thuốc cho bệnh nhân HIV tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

Sức khỏe rất ổn định và có thể lao động bình thường

Nhiễm HIV đã 5 năm qua, nhưng ông N.V.T., ở tỉnh Kiên Giang chưa từng mắc bệnh lao. Dù quê ở Kiên Giang nhưng ông V.T. đăng ký điều trị bệnh HIV ở Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hậu Giang. Ông V.T. chia sẻ: “Bác sĩ cũng có tư vấn cho tôi về nguy cơ mắc bệnh lao đối với bệnh nhân HIV. Đồng thời, cấp thuốc điều trị dự phòng lao để tôi uống trong thời gian 9 tháng. Trước giờ tôi chưa từng mắc bệnh lao, trong khi ở nhà cha tôi đã từng mắc bệnh lao”. Nhờ tuân thủ điều trị tốt mà ông V.T. có sức khỏe rất ổn định và có thể lao động bình thường để lo cho cuộc sống gia đình.

Không chỉ có ông V.T. mà nhiều bệnh nhân HIV khác đang điều trị ở Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh được điều trị dự phòng lao bằng thuốc INH. Trường hợp bà N.T.N., ở huyện Phụng Hiệp, cũng phát hiện mình nhiễm HIV 4 năm qua, nhưng nhờ được uống thuốc điều trị dự phòng lao và thuốc ARV nên chưa từng mắc bệnh lao. Theo bà T.N.: “Bác sĩ khuyên mình cố gắng uống thuốc dự phòng để không mắc bệnh lao. Tôi được uống thuốc dự phòng lao mấy năm trước thấy an tâm hơn vì nguy cơ mắc bệnh thấp”.

Theo bác sĩ Vũ Hải Đường, Trưởng khoa Giám sát, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thuốc dự phòng lao INH được chỉ định đối với người lớn và trẻ vị thành niên nhiễm HIV khi đã được loại trừ lao tiến triển - chưa có các triệu chứng ho, sốt, sụt cân, ra mồ hôi ban đêm. Việc chỉ định không phụ thuộc vào tình trạng miễn dịch và kể cả phụ nữ đang mang thai. Đối với trẻ em từ 12 tuổi trở xuống cũng được chỉ định khi loại trừ lao tiến triển. Tất cả bệnh nhân HIV đã điều trị khỏi bệnh lao nếu đã mắc lao cũng được điều trị dự phòng lao.

Tỷ lệ đồng nhiễm lao HIV giảm

Theo thông tin từ Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, những tháng đầu năm nay, hoạt động phối hợp tầm soát, điều trị lao/HIV được duy trì ở bệnh viện và các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố. Ông Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, cho biết: “Công tác tư vấn tầm soát lao, xét nghiệm tự nguyện HIV được triển khai thường xuyên ở các phòng tư vấn lao và HIV, tất cả bệnh nhân lao đều được xét nghiệm HIV tự nguyện”. Kết quả đánh giá những tháng đầu năm nay, tỷ lệ bệnh đồng nhiễm lao/HIV giảm khoảng 35% so với cùng kỳ năm 2016. Việc phối hợp xét nghiệm HIV cho bệnh nhân lao đã góp phần phát hiện và điều trị sớm cho bệnh nhân HIV và góp phần giảm số trường hợp đồng nhiễm lao/HIV thời gian qua.

Qua quá trình theo dõi điều trị dự phòng lao cho bệnh nhân HIV, bác sĩ Vũ Hải Đường, Trưởng khoa Giám sát, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, khẳng định: “Có khoảng 70% bệnh nhân HIV được điều trị dự phòng lao và gần 7 năm nay không có trường hợp nào sau uống thuốc điều trị dự phòng mắc bệnh lao. Những trường hợp đồng nhiễm lao/HIV đa số là khi phát hiện bệnh đã đồng nhiễm hai bệnh này. Việc điều trị dự phòng lao cho bệnh nhân HIV thật sự rất hiệu quả, trong khi theo các chuyên gia y tế thì người nhiễm HIV có nguy cơ mắc bệnh lao cao trung bình gấp 20 lần so với người không nhiễm HIV”.

Việc điều trị dự phòng lao bằng thuốc INH và phối hợp tư vấn xét nghiệm HIV cho bệnh nhân mới phát hiện mắc bệnh lao đã góp phần giảm tỷ lệ người đồng nhiễm lao/HIV, góp phần nâng cao sức khỏe cho bệnh nhân HIV, giúp họ kéo dài thêm sự sống.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>