Giúp trẻ phát triển toàn diện

25/06/2018 | 07:36 GMT+7

Phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi là việc làm quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe trẻ em, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ. Tuy nhiên, để giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng là chuyện không dễ dàng.

Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh xuống cơ sở hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ.

Hành động vì dinh dưỡng của trẻ

Thực hành dinh dưỡng là một trong những hoạt động trọng tâm hàng năm được Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh tổ chức, nhằm nâng cao hiểu biết của các bậc phụ huynh về cách chế biến bữa ăn cho trẻ, nhất là trẻ bị suy dinh dưỡng. Trong Tháng hành động vì trẻ em (tháng 6), trung tâm đã triển khai hướng dẫn thực hành dinh dưỡng ở các xã điểm của 8/8 huyện, thị, thành phố, của tỉnh với 640 bà mẹ có con dưới 5 tuổi tham dự. Những buổi thực hành dinh dưỡng thật sự bổ ích đối với các gia đình. Bà Phan Thị Mỹ Châu, ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, có cháu là bé Nguyễn Thị Minh Thư, 2 tuổi, chia sẻ: “Trước khi mình được hướng dẫn ở nhà nấu cháo rất đơn giản, nấu như người lớn ăn, nêm bột ngọt. Nhưng khi được hướng dẫn mới biết nấu cháo đủ 4 nhóm dinh dưỡng, nấu cháo có rau xanh, dầu ăn, nên nêm nước mắm không nên nêm bột ngọt. Mình về áp dụng thấy cháu thích ăn hơn. Chế biến thức ăn đa dạng, đủ dinh dưỡng hơn. Hy vọng cháu không còn bị suy dinh dưỡng”. Bà Mỹ Châu là một trong số nhiều người dân ở xã này được hướng dẫn thực hành dinh dưỡng.

Còn đối với bà Châu Thị Quý Trang, cộng tác viên dinh dưỡng xã Tân Phước Hưng, đây không chỉ là dịp để bà biết thêm kiến thức chăm sóc cho 2 cháu nội dưới 5 tuổi ở nhà mình, mà với kiến thức này bà sẽ đem tuyên truyền cho các bà mẹ khác ở địa phương. Sau khi được hướng dẫn của ngành chức năng, các gia đình đã quan tâm nhiều hơn chế biến dinh dưỡng đúng cách cho trẻ.

Ngoài hướng dẫn thực hành dinh dưỡng, hàng năm tỉnh đều triển khai hoạt động cân, đo trẻ định kỳ 2 lần để đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi. Qua lần cân, đo trẻ mới đây, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ đã có chiều hướng giảm. Bà Nguyễn Thị Sẳn, Trưởng trạm Y tế xã Tân Phước Hưng, cho biết: “Tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em của xã đã giảm so với năm 2017, chúng tôi mới thực hiện cân, đo trẻ từ 5 tuổi trở xuống, tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng là 12,34%, giảm 0,66% so với năm 2017”.

Những năm qua, ngành y tế tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em. Nhờ đó, hiện tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng trẻ dưới 5 tuổi của tỉnh còn 12,6%, suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi là 25,5%, năm 2017. Tuy nhiên, sẽ vẫn phải phấn đấu nhiều hơn để đạt tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 11%, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang, nhiệm kỳ 2015-2020.

Chỉ số động và luôn biến đổi tăng, giảm

Theo ông Phan Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh: “Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi là một chỉ số động và luôn biến đổi tăng, giảm. Trẻ em từ 0-60 tháng tuổi là lứa tuổi phát triển nhanh nhất về chiều cao, cân nặng và cũng là lứa tuổi dễ nhạy cảm với môi trường sống và yếu tố chăm sóc, nuôi dưỡng. Bệnh tật và dinh dưỡng luôn là mối đe dọa đến chỉ số này”. Do đó, hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng cần được thực hiện thường xuyên đòi hỏi sự chung tay thực hiện của toàn xã hội.

Trong thực tế, việc triển khai công tác này còn rất nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí. Bà Châu Thị Quý Trang, cộng tác viên dinh dưỡng xã Tân Phước Hưng, cho biết thêm: “Công việc của mình là thăm trẻ, tuyên truyền vận động, nắm trẻ suy dinh dưỡng, thông báo các chương trình dinh dưỡng nếu có cho các bà mẹ. Công tác chương trình dinh dưỡng không có thù lao, mình chỉ công tác với trách nhiệm chung”.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, bà Quách Thị Lan Thanh, cán bộ phụ trách chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, nói: “Không có kinh phí hỗ trợ cho cộng tác viên, địa phương gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ “năm có, năm không”. Kinh phí hạn hẹp, chúng tôi khó tổ chức các hoạt động để hướng dẫn dinh dưỡng thường xuyên, nhằm nâng cao kiến thức người mẹ. Thực tế ở xã chỉ tận dụng lực lượng cộng tác viên dân số để làm cộng tác viên dinh dưỡng”.

Để đảm bảo các hoạt động được liên tục và đạt hiệu quả, đạt tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi có cân nặng/tuổi là 12,3% và chiều cao/tuổi 25,1% cuối năm 2018, theo ông Phan Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh: “Cần có sự chung tay góp sức của xã hội thì việc chăm sóc sức khỏe trẻ em mới đạt được kế hoạch đề ra. Đồng thời, trách nhiệm gia đình và cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe trẻ em. Cũng như được sự hỗ trợ các nguồn kinh phí từng địa phương cho các hoạt động, nhất là các vùng khó khăn, đồng thời có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí cho cộng tác viên”.

Kiến thức của các bà mẹ về dinh dưỡng ngày càng được nâng lên

Ông Phan Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, cho biết: “Kết quả điều tra 30 cụm về dinh dưỡng hàng năm của Viện Dinh dưỡng cho thấy, việc thực hiện cân đối giữa 4 nhóm thức ăn ngày càng được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng. Các bà mẹ không còn kiêng cho trẻ ăn khi trẻ bệnh, thay vào đó các bà mẹ đã thực hiện bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng trong thức ăn khi trẻ bệnh. Việc thực hành dinh dưỡng hợp lý và thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong các gia đình ngày càng được chú trọng đã góp phần giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng hàng năm”.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>