Dịch bệnh sốt xuất huyết

Gia tăng đầu năm

10/02/2017 | 07:56 GMT+7

Chỉ hơn một tháng qua, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 29 cas bệnh sốt xuất huyết, tăng 5 cas so với cùng kỳ năm 2016. Đáng lo ngại là dịch bệnh chỉ tập trung nhiều ở một vài địa phương.

Phun hóa chất dập dịch ở ấp Phó Đường, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp.

“Vào mùa”… dịch bệnh

Tại địa bàn xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, đã có 6 cas bệnh sốt xuất huyết, trong khi cả năm 2016, xã chỉ có 10 cas bệnh. Bà Nguyễn Thị Sẳn, Trưởng trạm Y tế xã Tân Phước Hưng, cho hay: “Hiện tại có 4/9 ấp của xã có cas bệnh sốt xuất huyết là ấp Phó Đường 2 cas, ấp A1 2 cas, ấp B1 1 cas, ấp Mỹ Phú 1 cas. Lo nhất là có cas bệnh sốt xuất huyết độ nặng và đối tượng mắc bệnh cả ở trẻ em và người lớn”. Chỉ số Breteau qua khảo sát tại ấp Phó Đường là gần 36, cao gần gấp đôi so với chỉ số cho phép, nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất cao.

Không riêng xã Tân Phước Hưng, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên toàn huyện Phụng Hiệp cũng gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Huỳnh Bá Lực, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Đến nay, trên toàn huyện đã ghi nhận 14 cas bệnh sốt xuất huyết. Các cas bệnh tập trung nhiều nhất ở xã Tân Phước Hưng và xã Thạnh Hòa, còn các xã, thị trấn khác chỉ rải rác 1 cas. Qua khảo sát, người dân có kiến thức nhưng chưa thường xuyên thực hiện các giải pháp phòng bệnh sốt xuất huyết”.

Qua kiểm tra thực tế, lăng quăng có nhiều ở các dụng cụ chứa nước do người dân chưa quan tâm đậy kín hoặc chưa súc rửa thường xuyên. Tại nhà bà Đặng Thị The, ở ấp Phó Đường, có một lu nước chứa nhiều lăng quăng. Bà The giải thích: “Lu này để sinh hoạt hàng ngày nên không có đậy nắp”. Quả thật, các gia đình còn chưa quan tâm đến việc phòng bệnh khi người trong gia đình chưa ai mắc bệnh. Người có con mắc bệnh rồi mới sợ lo phòng bệnh. Ông Trần Chí Thảo, ở ấp Phó Đường, là cha của em Trần Chí Nghiêm, 12 tuổi, vừa qua khỏi nguy hiểm vì mắc bệnh sốt xuất huyết nặng, nói: “Trước đây, vợ chồng chỉ lo đi làm không để ý diệt lăng quăng. Con bị bệnh phải cấp cứu trên Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ bây giờ sợ lắm, gia đình không dám để lăng quăng sinh sôi như trước nữa”.

Tại địa bàn thị xã Ngã Bảy, hơn tháng nay, dịch bệnh sốt xuất huyết cũng diễn biến hết sức phức tạp. Số cas bệnh đã tăng 11 lần so với cùng kỳ năm 2016. Thời điểm này năm ngoái, thị xã chỉ có 1 cas bệnh, đến nay đã ghi nhận 11 cas. Theo nhận định của ông Nguyễn Hoàng Dô, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy: “Dịch bệnh gia tăng một phần là do thời tiết thất thường, xuất hiện mưa trái mùa tạo điều kiện để lăng quăng phát triển. Qua điều tra, khảo sát môi trường, phát hiện tại hai điểm trường ở xã Tân Thành đường cống thoát nước ứ đọng, có rất nhiều lăng quăng”. Cũng theo ông Dô, các cống thoát nước bị ứ đọng cần được quan tâm kiểm tra, trong khi trước đây chỉ hay kiểm tra lăng quăng trong dụng cụ chứa nước của người dân. Xã Tân Thành cũng là xã có số cas bệnh sốt xuất huyết cao nhất của thị xã Ngã Bảy đến thời điểm này với 6 cas bệnh.

Không để dịch bệnh gia tăng

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp và hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch và tăng cường tuyên truyền người dân thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Tại ấp Phó Đường, xã Tân Phước Hưng, đã được ngành y tế triển khai phun hóa chất dập dịch diện rộng cả ấp với 350 nhà dân. Ông Lê Văn Khởi, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: “Trước khi phun hóa chất, chúng tôi đã đi điều tra, khảo sát, vận động người dân đổ lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước. Mật độ lăng quăng đã xuống thấp ở mức cho phép”.

Nhằm khống chế không để dịch bệnh gia tăng trong những ngày tới, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp cũng sẽ tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Ông Huỳnh Bá Lực, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Chúng tôi sẽ phối hợp với Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh tổ chức truyền thông phòng, chống dịch bệnh tại xã Tân Phước Hưng và xã Hòa Mỹ. Tuyên truyền ở ấp và mỗi xã tuyên truyền cho 200 hộ dân”. Qua tuyên truyền, ngành y tế huyện mong muốn sẽ xây dựng được ý thức tự giác và quan tâm làm vệ sinh môi trường, vệ sinh nơi ở, tạo thói quen kiểm tra và diệt lăng quăng trong người dân địa phương để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Dù có nhiều giải pháp được đề ra, tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành y tế, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, thì các gia đình cần quan tâm thực hiện thường xuyên các giải pháp phòng bệnh sốt xuất huyết, như: Đậy kín dụng cụ chứa nước, làm vệ sinh môi trường không để nước mưa ứ đọng, ngủ mùng cả ngày lẫn đêm, phòng tránh muỗi đốt,… Có như vậy mới bảo vệ được sức khỏe của bản thân và những người thân trong gia đình, góp phần khống chế không để dịch bệnh bùng phát.

Nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát…

Đứng trước nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trên địa bàn thị xã Ngã Bảy, ông Nguyễn Hoàng Dô, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy, cho biết thêm: “Chúng tôi đã làm việc với hai điểm trường để khai thông dòng chảy cống không để lăng quăng sinh sống. Trước mắt, đã dùng hóa chất diệt lăng quăng ở đây. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường các hoạt động giám sát cas bệnh, tăng cường công tác truyền thông phòng bệnh trong cộng đồng. Thị xã đang xây dựng mô hình nuôi cá diệt lăng quăng. Dự kiến sẽ thành lập tổ phòng, chống sốt xuất huyết ở các ấp, khu vực. Tổ này sẽ thường xuyên đi tuyên truyền, vận động, kiểm tra lăng quăng để khống chế không để dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng”.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>