Gặp gỡ những “nữ blouse trắng”

08/03/2018 | 08:25 GMT+7

Khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, các nữ điều dưỡng, bác sĩ ở bệnh viện luôn nguyện với lòng mình dù công tác ở môi trường nào cũng phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, quan tâm chăm sóc bệnh nhân một cách chu đáo nhất, sao cho người bệnh cảm thấy mình được chở che, gần gũi, nhanh khỏi bệnh.

Bác sĩ Trang khám bệnh cho bệnh nhân tại Khoa bệnh Phổi.

Nhẫn nại với những bệnh nhân đặc biệt

Công tác tại Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần và Da liễu tỉnh, điều dưỡng Trưởng khoa Da liễu Nguyễn Thị Bé Bảy luôn được bệnh nhân yêu mến. Trải qua nhiều năm gắn bó với công việc chăm sóc bệnh nhân ở đây, bà Bé Bảy thấu hiểu nỗi đau về thể xác, tinh thần của bệnh nhân. Dù là điều dưỡng trưởng khoa da liễu nhưng bà phụ trách quản lý luôn cả khoa tâm thần kinh nên công việc càng vất vả và trách nhiệm nặng nề hơn. Điều dưỡng Bé Bảy chia sẻ: “Do bệnh viện còn thiếu nhân lực nên mình phải choàng gánh cùng nhau làm tròn nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân. Đối với bệnh da liễu thì không đáng ngại, nhưng chăm sóc, hỗ trợ cho bệnh nhân tâm thần kinh khá vất vả. Nhất là đối với những bệnh nhân đang kích động, lên cơn quậy phá mình cùng với các nhân viên y tế khác phải xử trí và tiêm thuốc, cho bệnh nhân uống thuốc để ổn định tâm thần”.

Khi chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt này, nhân viên y tế luôn phải đối mặt với nguy hiểm, có thể bị bệnh nhân đánh bất cứ lúc nào. Bà Bé Bảy kể: “Khi bệnh nhân lên cơn quậy phá thì đã không nhận thức được hành động của mình. Chăm sóc những bệnh nhân này tôi luôn cố gắng nhỏ nhẹ khi trò chuyện với bệnh nhân, tạo cho bệnh nhân cảm giác an toàn và chuẩn bị tư thế sẵn sàng phòng khi bệnh nhân có những hành động bất thường”. Nhờ vậy, nhiều năm qua bà Bé Bảy mừng là mình chưa từng bị đánh.

Bà Bé Bảy luôn mở lòng mình đón nhận và chăm sóc, hỗ trợ bác sĩ điều trị cho bệnh nhân một cách chu đáo, tận tình nên gia đình bệnh nhân rất an tâm để điều trị. Ông N.V.S., ở xã Tân Phú, thị xã Long Mỹ, đang nuôi vợ điều trị bệnh tâm thần kinh ở bệnh viện, chia sẻ: “Vợ tôi đã bị bệnh hơn 2 năm rồi, đều do các y, bác sĩ ở đây chăm sóc, giúp chữa bệnh. Lần này đã nằm viện điều trị hơn 10 ngày, tình trạng nhức đầu vẫn còn và tâm thần chưa ổn định, các bác sĩ đang tiếp tục điều trị. Cô Bé Bảy rất nhiệt tình, quan tâm chăm sóc và động viên tinh thần cho gia đình”. Chắc là do sự khắc nghiệt và khó khăn của công việc nên điều dưỡng ở bệnh viện này nam chiếm số đông còn nữ rất ít, bà Bé Bảy là một trong số đó.

Cống hiến thầm lặng

Thực tế rất hiếm bác sĩ muốn làm việc ở cơ sở chống lao vì đây là môi trường làm việc có nguy cơ cao mắc bệnh nghề nghiệp. Nhưng nhiều “bóng hồng blouse trắng” đã không ngại khó khăn để góp sức mình cho cuộc chiến chăm sóc, chữa trị bệnh lao và bệnh phổi của tỉnh với mong muốn chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân mắc bệnh lao, bệnh phổi. Khoa Dược - Trang thiết bị, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh là lực lượng chủ lực của bệnh viện thực hiện công việc cấp phát thuốc hàng ngày cho bệnh nhân ngoại trú và nội trú và đa số nhân viên là nữ. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, công tác tại Khoa Dược, cho biết: “Nhiều năm nay, bệnh viện thực hiện mô hình dược sĩ cấp phát thuốc và trực tiếp hướng dẫn cho bệnh nhân uống thuốc. Dược sĩ trực tiếp phát thuốc sẽ hướng dẫn chu đáo và cặn kẽ hơn cho bệnh nhân về cách dùng thuốc cũng như các tác dụng không mong muốn của thuốc. Mỗi bệnh nhân đều có hộp phân thuốc theo buổi sáng, chiều, tối và được dược sĩ phối hợp với điều dưỡng từng khoa phân thuốc sẵn nên tránh được uống thuốc quá liều và tránh uống nhầm thuốc”.

Mỗi ngày, các nữ dược sĩ hầu như đều tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc lao nên nguy cơ lây bệnh và mắc bệnh nghề nghiệp rất cao, nhưng không vì thế mà mọi người kỳ thị, phân biệt hay giữ khoảng cách với bệnh nhân. Trái lại, các chị còn thấu hiểu cả hoàn cảnh của bệnh nhân. Bà Tô Thị Cẩm Tú, Trưởng khoa Dược - Trang thiết bị, cho biết: “Bệnh nhân ở đây thường là bệnh nhân quen do cứ thường xuyên điều trị bệnh. Qua cấp phát thuốc mọi người còn quan tâm thăm hỏi bệnh nhân nên mới biết hoàn cảnh, nhưng nỗi trăn trở hiện nay là nhiều bệnh nhân hoàn cảnh rất khó khăn”.

Khoa bệnh Phổi ở bệnh viện cũng có gần 90% nhân viên là nữ, trừ một bác sĩ nam là phó giám đốc bệnh viện kiêm chức trưởng khoa. Có thể nói nhân lực khoa toàn là nữ, trong đó có bác sĩ duy nhất là Phó khoa Trần Thị Kiều Trang. Hầu hết mọi công việc thăm khám, chữa bệnh cho bệnh nhân bác sĩ Trang đều gánh vác. Bác sĩ Trang cho biết: “Mình đã chọn nghề này thì công tác ở đâu cũng phải làm tốt nhiệm vụ. Dù công tác ở đây nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao nhưng với ý nghĩ mình có thể góp phần giảm nỗi đau của bệnh nhân, giảm gánh nặng cho xã hội càng là động lực để tôi luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.

Sự nỗ lực của y, bác sĩ đã để lại những hình ảnh đẹp của người cán bộ y tế trong lòng bệnh nhân. Ông Nguyễn Văn Hồng, ở thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, một bệnh nhân đang điều trị tại Khoa bệnh Phổi, thỏ thẻ: “Mình bệnh mà được bác sĩ chăm sóc tận tình, chu đáo mới an tâm chữa trị. Sức khỏe về tinh thần cũng là thuốc quý để bệnh nhân mau hết bệnh”.

Nói về “lửa yêu nghề”, cánh nữ giới ngành y quả thật không hề thua kém nam giới. Chính tinh thần làm việc hăng say, không ngại khó khăn nguy hiểm, hết lòng vì người bệnh của các chị đã đem lại sức khỏe, niềm vui sống của biết bao người bệnh.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>