Đừng chủ quan với bệnh uốn ván

15/05/2017 | 07:49 GMT+7

Bệnh uốn ván được dân gian gọi là phong đòn gánh, rất nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, nhiều người còn chủ quan với bệnh này.

Bác sĩ đã cấp cứu và điều trị thành công bệnh uốn ván cho ông Lê Văn Lập.

Một phen thập tử nhất sinh

Thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang đã tiếp nhận và cấp cứu cho 2 cas bệnh uốn ván trong tình trạng nguy kịch. Nặng nhất là trường hợp của ông Lê Văn Lập, 58 tuổi, ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng uốn ván toàn thân, giai đoạn toàn phát với các biểu hiện gồng, co giật toàn thân, nhịp tim đập nhanh… Theo chia sẻ của ông Lập, trước đó, có đạp đinh sét, tưởng không sao nên không đi chích ngừa uốn ván. Mấy ngày sau vết thương làm mủ mới đi chích ngừa. Mới tiêm mũi thứ 2 đã bị bệnh uốn ván.

Bác sĩ Trang Ngọc Ngoán, Trưởng khoa Nội tim mạch - thận - nội tiết, cho biết: “Khi ông Lập nhập viện, tôi còn là Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, trực tiếp điều trị cho ông Lập. Còn nhớ, bệnh nhân được điều trị cách ly hơn 10 ngày trong phòng tối và không có tiếng ồn, sau đó, mới có thể kết luận là đã không còn nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh uốn ván có khả năng tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời”. Việc điều trị cho bệnh nhân uốn ván mất rất nhiều công sức của cán bộ y tế và mất nhiều thời gian của người thân người bệnh. Cuối cùng ông Lập đã được cứu sống, nhưng phải hơn nửa tháng trời nằm viện.

Một trường hợp khác là em Danh Thôi, 11 tuổi, ở phường IV, thành phố Vị Thanh, cũng vừa được điều trị khỏi bệnh uốn ván. Bà Thị Thanh, mẹ Thôi cho biết: “Thấy con bị bệnh uốn ván co cứng người mỗi ngày hàng chục lần, cháu còn cắn trúng lưỡi nên gia đình rất lo lắng, tôi khóc hết nước mắt chỉ mong sao con khỏi bệnh. May mà đã được cứu chữa thành công”. Không giống như ông Lập, em Thôi chỉ bị thanh tre quẹt đứt ở gót chân một vết thương nhỏ, gia đình không hề nghĩ sẽ bị bệnh uốn ván. Bà Thị Thanh phân trần: “Hồi đó tới giờ mình đứt tay, chân cũng thường lắm mà đâu có sao, chẳng nghĩ đến chuyện phải tiêm ngừa uốn ván. Biết bị bệnh như thế này thì cũng đi chích ngừa”. Chẳng những lo lắng cho sự an nguy của con mà bệnh uốn ván còn làm cả nhà hai vợ chồng bà Thanh phải bỏ bê công việc làm thuê suốt thời gian ở bệnh viện. Gia đình thuộc diện hộ nghèo nên hơn chục ngày không đi lao động được cũng ảnh hưởng nhiều đến kinh tế gia đình.

Tiêm vắc-xin rồi vẫn phải tiêm nhắc lại nếu có vết thương

Tư vấn về nguyên nhân gây bệnh uốn ván, ông Võ Hoàng Thới, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, nói: “Nguy cơ mắc bệnh uốn ván có thể từ vết thương rất nhỏ như đứt chân hay vết thương đạp gai, đinh, tai nạn,… Có trường hợp mắc bệnh uốn ván ngay khi bị vết thương ở da vì trong vật đó có nha bào uốn ván, cũng có khi sau một thời gian bị vết thương mới mắc bệnh uốn ván là do nha bào uốn ván có trong môi trường sống xâm nhập vào ở vết thương”. Như vậy, hễ có vết thương ở da thì nguy cơ mắc bệnh uốn ván là có thể xảy ra nếu không được tiêm ngừa uốn ván. Theo khuyến cáo của ông Thới: “Khi có vết thương nên tiêm ngừa uốn ván càng sớm càng tốt”.

Không giống như các loại vắc-xin khác, việc tiêm vắc-xin ngừa uốn ván cũng cần hiểu biết đúng mới có thể phòng được bệnh này. Ông Nguyễn Văn Lành, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: Đối với trẻ em, trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã triển khai tiêm ngừa uốn ván cho trẻ bằng vắc-xin Quinvaxem hay còn gọi là vắc-xin 5 trong 1 phòng bệnh ho gà, uốn ván, bạch hầu, viêm gan B và Hib (lịch tiêm trẻ: mũi 1 vào lúc trẻ được 60 ngày tuổi; mũi 2 sau một tháng tiêm mũi 1; mũi 3 sau một tháng tiêm mũi 2). Đến 18 tháng tuổi trẻ được tiêm mũi 4, lúc này vắc-xin có hiệu lực 5 năm. Sau 5 năm tiêm mũi 5 thì hiệu lực vắc-xin sẽ được 10 năm. Mũi tiếp theo được tiêm sau 10 năm thì vắc-xin sẽ có hiệu lực 20 năm.

Đối với thai phụ hiện nay cũng triển khai chương trình tiêm vắc-xin ngừa uốn ván. Khi mang thai cần đến cơ sở y tế để tiêm vắc-xin ngừa uốn ván để phòng ngừa uốn ván cho mẹ và trẻ sơ sinh. Lịch tiêm mũi 1 thích hợp là vào khoảng tháng thứ tư hoặc thứ năm, mũi 2 tiêm sau mũi 1 một tháng và trước khi sinh một tháng. Sau 1 năm nên tiêm mũi 3, vắc-xin sẽ có hiệu lực phòng bệnh 5 năm. Sau 5 năm tiêm nhắc lại sẽ có hiệu quả phòng bệnh giống như ở trẻ em.

Những đối tượng có nguy cơ cao hay đối tượng khác cũng nên tiêm ngừa uốn ván để phòng bệnh. Tuy nhiên, dù đã tiêm đủ các mũi vắc-xin phòng bệnh này, nhưng mỗi khi bị vết thương cũng cần đến cơ sở y tế để tiêm nhắc lại một mũi là cách tốt nhất để phòng bệnh uốn ván.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>