Điều trị tốt gắn với dự phòng lây truyền HIV

11/09/2018 | 08:01 GMT+7

Hiện nay, hầu hết bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đều được tiếp cận điều trị ARV. Hiệu quả điều trị đã đem lại sức khỏe ổn định cho bệnh nhân, giúp người bệnh có thể lao động và “sống chung” với căn bệnh này lâu dài, giảm tối thiểu các trường hợp tử vong do AIDS.

Bệnh nhân HIV được điều trị tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

Sau 2 năm biết mình mắc căn bệnh HIV, bệnh nhân N.T.N ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, có sức khỏe ổn định và lao động bình thường. Ông T.N. kể: “Khi mới biết mình bị nhiễm HIV, tôi được tư vấn và hỗ trợ điều trị tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. Hàng ngày, tôi tuân thủ uống thuốc như lời dặn dò của bác sĩ nên mới có sức khỏe như hiện nay. So với trước đã tăng mấy ký. Bác sĩ điều trị rất ân cần, không kỳ thị”. Không riêng ông T.N. mà nhiều bệnh nhân HIV/AIDS khác đã có sức khỏe tốt hơn khi tuân thủ điều trị theo lời hướng dẫn của bác sĩ. Do ở huyện Châu Thành A không có cơ sở điều trị HIV/AIDS nên ông T.N. được điều trị ở Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh hơn 2 năm nay. Được điều trị bệnh ở đây, ông T.N. thấy an tâm duy trì điều trị vì có sự tận tình, thân thiện của y, bác sĩ, ông không có cảm giác bị kỳ thị, phân biệt đối xử ở đây.

Theo đánh giá của ông Võ Chí Đại, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh: “Hầu hết bệnh nhân được phát hiện bệnh đều đồng ý tham gia điều trị và tuân thủ điều trị tốt sau khi được sự tư vấn tận tình của cán bộ y tế. Một số trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS suy mòn rất nặng gần tử vong nhưng khi tham gia điều trị tốt hiện sức khỏe đã phục hồi và tham gia hoạt động xã hội, lao động làm ra của cải cho gia đình, có trường hợp tăng cân sau 2 tháng điều trị”.

Ngoài ra, còn điểm điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS của tỉnh nữa là ở Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy, đang điều trị cho trên 190 người nhiễm HIV/AIDS. Ông Trần Minh Đông, cán bộ chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở đây, cho biết: “Định kỳ vào ngày thứ tư hàng tuần đều tổ chức phát thuốc đồng loạt cho bệnh nhân đang điều trị. Thường đối với mỗi bệnh nhân 4 tuần lãnh thuốc 1 lần nếu sức khỏe ổn. Qua điều trị cho thấy hiệu quả tích cực, giảm được các trường hợp chuyển sang AIDS và tử vong vì AIDS, góp phần giảm lây truyền căn bệnh này trong cộng đồng”.

Không chỉ điều trị về thuốc mà việc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS thời gian qua luôn gắn với chăm sóc ở cộng đồng. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh và phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, nói: “Tại mỗi trạm y tế đều có cán bộ phụ trách quản lý và hỗ trợ bệnh nhân HIV/AIDS. Thường xuyên thăm hỏi sức khỏe và động viên điều trị, thuận lợi hơn khi tiếp cận điều trị ở tỉnh. Ngoài ra, còn thăm hỏi hoàn cảnh, bệnh nhân có khó khăn gì để vận động giúp đỡ”. Với sự quan tâm, giúp đỡ của lực lượng làm chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở cơ sở đã là điểm tựa tinh thần để bệnh nhân HIV vững tin điều trị bệnh.

Hiệu quả điều trị bệnh cho những người có “H” thời gian qua đã được khẳng định. Tuy nhiên, trong công tác điều trị HIV/AIDS hiện nay còn không ít khó khăn. Bệnh nhân sợ lộ thông tin về bệnh trạng của bản thân, từ đó khai địa chỉ nơi cư trú không chính xác nên gây khó khăn cho cán bộ làm công tác tại tuyến huyện, xã khi tư vấn, phát hiện, quản lý điều trị. Tình trạng di biến động dân số, bệnh nhân đi làm ăn xa nên việc quản lý theo dõi quá trình uống thuốc hàng ngày của bệnh nhân cũng không sát sao, một số bệnh nhân đi làm tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc khi về địa phương nhận thuốc phải tốn không ít chi phí đi lại.

Việc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS luôn được quan tâm đặc biệt, nhất là khi triển khai điều trị qua bảo hiểm y tế dự kiến thực hiện đầu năm 2019. Ông Võ Chí Đại cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng về kiến thức phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư bằng các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường công tác tư vấn, quản lý, điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Rà soát bệnh nhân trùng thẻ bảo hiểm y tế, bệnh nhân đi làm ăn xa, bệnh nhân mất liên lạc để có biện pháp quản lý bệnh nhân tốt hơn. Rà soát những bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt thì được cấp thuốc 3 tháng/lần thay vì phải nhận thuốc hàng tháng để giảm chi phí đi lại cho bệnh nhân. Đơn vị đã vận động quỹ hỗ trợ bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi HIV để hỗ trợ cho các bệnh nhân nghèo không có đủ tiền đi nhận thuốc”. Với những dự định này sẽ giúp bệnh nhân HIV/AIDS được chăm sóc, điều trị tốt hơn.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>