Để người dân quan tâm thực hành phòng bệnh ?

24/04/2017 | 07:03 GMT+7

Đây là câu hỏi được đặt ra để tìm lời giải đáp và được các ngành chức năng nhận định là nhân tố quyết định nhằm khống chế không để dịch bệnh tay - chân - miệng, sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trên địa bàn tỉnh thời gian tới.

Kiểm tra dụng cụ chứa nước, diệt lăng quăng là một viec làm tưởng chừng rất dễ nhưng thật không dễ để hộ dân duy trì làm thường xuyên.

Dân hiểu nhưng chưa làm

Trong tình hình hiện nay dịch bệnh tay - chân - miệng và sốt xuất huyết đều gia tăng trên địa bàn tỉnh. Bệnh sốt xuất huyết đến giữa tháng 4 đã ghi nhận 118 cas bệnh, tăng 36 cas và bệnh tay - chân - miệng cũng đã có 172 cas, tăng 12 cas so với cùng kỳ năm 2016. Một số địa phương có dịch bệnh gia tăng là địa bàn thị xã Ngã Bảy, Phụng Hiệp, Châu Thành, thành phố Vị Thanh,… Riêng xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy là xã có cas bệnh sốt xuất huyết tăng đột biến và cao nhất tỉnh hiện nay với 21 cas bệnh. Nhiều cuộc truyền thông, vận động, giám sát cas bệnh đã được triển khai ở đây, nhưng thực tế vẫn còn không ít hộ dân chưa thật sự quan tâm đến việc chủ động phòng bệnh. Ông Nguyễn Hoàng Khiêm, Trưởng trạm Y tế xã Tân Thành, cho hay: “Bên cạnh những giải pháp khác thì chúng tôi có thực hiện mô hình nuôi cá bảy màu diệt lăng quăng và đã thả cá vào dụng cụ chứa nước có lăng quăng ở các hộ gia đình trong quá trình kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, còn có tình trạng hộ dân bỏ cá đi sau đó, nguyên nhân do sợ dơ hoặc có hộ vô tình trong quá trình súc rửa lu làm mất cá”.

Cùng chung nhận định này, ông Huỳnh Văn Huân, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy, cho rằng: “Có thể do hoạt động truyền thông chưa mang lại hiệu quả cao. Qua rất nhiều năm tuyên truyền vận động người dân đã có kiến thức, nhưng ý thức, thái độ, hành vi chưa thay đổi tích cực. Mô hình thả cá diệt lăng quăng thực hiện rất khó khăn vì còn những trường hợp sau khi thả cá khảo sát lại gia đình đã bắt cá ra”.

Tình trạng này cũng gặp ở huyện Phụng Hiệp, ông Lý Minh Quang, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, bức xúc: “Có hộ gia đình kiểm tra dụng cụ chứa nước có lăng quăng, đổ xong rồi sau đó kiểm tra cũng có lăng quăng trở lại. Có hộ mình đến tuyên truyền hộ dân không quan tâm nhiều. Nếu cứ kéo dài tình trạng người dân hiểu nhưng thực hành còn hạn chế thì sẽ rất khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh”.

Đây là một trong những vấn đề đã tồn tại nhiều năm qua trong công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh mà chưa có lời giải. Ông Đỗ Phát Hưng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, nhận định: “Dịch bệnh bây giờ xảy ra suốt các mùa, nhất là mùa mưa hộ dân súc lu xong 1-2 ngày là có lăng quăng trở lại, nếu không quan tâm, lơ là một lúc thì đã có mầm bệnh trong nhà”.

Từng làm một cuộc khảo sát về nhận thức của học sinh về bệnh sốt xuất huyết, ông Trương Tỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, chia sẻ: “Có lớp học vào hỏi tất cả các em học sinh đều hiểu biết về bệnh sốt xuất huyết. Nhưng hỏi câu nhà em nào có lăng quăng? Thì hầu như tất cả các em đều đưa tay, điều này cho thấy các em hiểu biết nhưng chưa thực hành diệt lăng quăng. Trong lớp có 1 em không đưa tay, chúng tôi hỏi em trả lời nhà có đậy kín dụng cụ chứa nước nên không có lăng quăng”. Từ câu chuyện thực tế của ông Tỷ và thực trạng ở các địa phương, đặt ra một vấn đề hiện nay trong công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh là làm sao để hộ dân quan tâm thực hành phòng bệnh?

Không làm thay cho hộ dân

Đúc kết kinh nghiệm trong công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, lý giải: “Trước giờ, nhà người dân có lăng quăng cán bộ đi kiểm tra, giám sát đổ. Việc thả cá vào dụng cụ chứa nước diệt lăng quăng ở nhà hộ dân cũng do cán bộ thả. Khi có dịch bệnh ở địa bàn cũng do cán bộ xuống làm vệ sinh môi trường, phun hóa chất,… chúng ta đã làm cho người dân chủ quan và rất bị động. Vì vậy, bây giờ phải thay đổi cách làm để người dân chủ động hơn trong phòng, chống dịch bệnh. Có thể phát huy lực lượng học sinh để tuyên truyền, thực hiện phòng bệnh ở gia đình. Nếu các em tự thả cá vào dụng cụ chứa nước sẽ tự biết giữ cá”.

Đề ra giải pháp để người dân hành động phòng, chống dịch bệnh, ông Lý Minh Quang, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, cho rằng: “Các đợt chiến dịch phòng chống dịch bệnh cần thay đổi cách làm, có thể triển khai ra quân ở ấp thay vì trước đây ra quân ở xã để công tác tuyên truyền sâu hơn, tác động mạnh mẽ đến hộ dân hơn. Hoặc có thể phát cho hộ dân những vật dụng như dụng cụ múc nước, ly uống nước,… có in cách phòng bệnh để nhắc bà con hàng ngày. Hoặc thực hiện khen thưởng, chỉ nhỏ thôi như tặng xà phòng chẳng hạn đối với những gia đình không có lăng quăng để khích lệ họ”. Không riêng đề xuất khen thưởng của ông Quang, mà tại nhiều địa phương khác là thị xã Ngã Bảy đã bắt đầu triển khai đưa thông tin các gia đình có người mắc bệnh trên các phương tiện loa truyền thanh ở địa bàn để nhắc nhở người dân phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng.

Công tác phòng, chống dịch bệnh hàng năm luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh yêu cầu: “Các sở, ban, ngành, địa phương cần làm sao để người dân chuyển từ nhận thức sang ý thức được hễ thấy lăng quăng thì biết tự thả cá để diệt, khi có nước tù thì biết xử lý để không còn nước tù, biết tự giữ vệ sinh phòng bệnh tay - chân - miệng. Đồng thời, làm sao cảnh báo cho người dân biết dịch bệnh là thật sự nguy hiểm. Tổ chức hội, đoàn thể phải bám chặt để tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên của mình. Những trường hợp không phải đoàn viên, hội viên giao trách nhiệm tuyên truyền cho ấp, khu vực, cộng tác viên. Công tác tuyên truyền phải làm cho chặt chẽ chứ buông lơi là không hiệu quả”.

Thực tế rất nhiều năm nay, công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh được triển khai với nhiều hình thức, có sâu có rộng, có năm tỉnh triển khai đến 4 đợt chiến dịch phòng, chống dịch bệnh, thế nhưng vì sao đến giờ vẫn chưa hình thành được ý thức của người dân thường xuyên thực hành phòng bệnh? Đây là một vấn đề cần được giải đáp mới có thể khống chế dịch bệnh gia tăng trong thời gian tới.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>