Đặc trưng virus corona là không lơ lửng, mà bám vào bề mặt gỗ, đá, sắt...

05/02/2020 | 16:10 GMT+7

Chiều nay 5-2, Bộ Y tế lần thứ 2 tổ chức cuộc họp với báo chí về quá trình khống chế dịch viêm phổi Vũ Hán do chủng mới của virus corona. Chủ trì cuộc họp là ông Nguyễn Thanh Long, phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, thứ trưởng Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Thanh Long, phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, thứ trưởng Bộ Y tế, chủ trì cuộc họp báo - Ảnh: LAN ANH

Rửa tay nhiều lần trong ngày, thường xuyên lau bàn ghế, sàn nhà...

Mở đầu họp báo, ông Long cho biết phía Trung Quốc đang rất hy vọng vào các giải pháp của mình, khi số ca nghi nhiễm giảm đi, số chữa khỏi tăng lên.

“Chủng virus này cùng họ với virus gây bệnh SARS. Bản thân virus gây bệnh trên động vật là chính. Nhưng từ năm 2003 đã gây 3 đợt dịch trên người, bao gồm bệnh SARS, MERS-CoV và viêm phổi Vũ Hán” - ông Long nói.

Đặc trưng của virus này khi ho, hắt hơi, virus không lơ lửng trong không khí, mà bám khá lâu vào các bề mặt gỗ, đá, sắt.... Khi tay chạm vào các bề mặt và sờ lên mắt, mũi, miệng sẽ lây bệnh. Vì thế, phải rửa tay nhiều lần trong ngày.

Ông Long cũng chia sẻ các nghiên cứu mới cho biết virus có thể lây qua đường phân (tiêu hoá), nhưng nguy cơ không rộng rãi.

Phòng bệnh tốt nhất bằng tránh đến nơi đông người và tiếp xúc đám đông chưa biết rõ. Và biện pháp quan trọng ít người để ý là lau bàn ghế, sàn nhà... bằng dung dịch vệ sinh bề mặt. Ông Long hướng dẫn.

Điểm đáng lo ngại là những người biểu hiện bệnh nhẹ, hoặc chỉ có sốt nhẹ, hoặc chỉ đau mỏi cơ, nhưng vẫn có thể lây bệnh cho người khác.

“Khẩu trang không phải là cứu tinh, bởi chưa chứng minh được hiệu quả phòng bệnh. Nơi nắng, gió như Tây Nguyên không nhất thiết dùng khẩu trang y tế. Virus này rất sợ nắng, gió và tia cực tím” - ông Long hướng dẫn.

Bệnh ở Việt Nam: Đa phần nhẹ

Theo ông Long, Bộ Y tế đã thận trọng, có phác đồ tiệm cận với thế giới, nhưng chỉ có 1/10 bệnh nhân là bệnh nặng, phải hỗ trợ thở, 9 người còn lại điều trị triệu chứng, đã có 3/10 bệnh nhân được ra viện.

Bộ Y tế cũng đã dành giường ở các bệnh viện sẵn có, dành 3.000 giường, có phương án điều trị tuỳ tình hình, kể cả tình huống xấu. Người dân không có gì phải lo lắng, có thông tin tích trữ lương thực và... cả vàng.

“Chúng tôi công bố thông tin và dịch tễ của bệnh nhân đầy đủ để phòng chống” - ông Long nói.

4 vòng cách ly

Việt Nam thực hiện chặt chẽ các biện pháp để khống chế dịch. Về hàng không, có 3 chuyến từ Trung Quốc về đỗ tại Vân Đồn với lượng người rất ít. Những người về Việt Nam đều được cách ly 14 ngày. Quảng Ninh đã chuẩn bị đủ điều kiện sinh hoạt và cơ sở vật chất.

Quan trọng nhất hiện nay, theo ông Long là cách ly. Có 4 vòng gồm:

- Tất cả những người bệnh, nghi nhiễm bệnh thì đều coi là bệnh, cách ly tuyệt đối tại bệnh viện, bởi có 8 người đi từ Vũ Hán về đã 5 người nhiễm;

- Vòng hai là cách ly những trường hợp công dân Việt Nam và Trung Quốc đi qua Trung Quốc về Việt Nam thì cách ly tại gia đình và cơ sở lưu trú;

- Vòng ba là những người tiếp xúc người bệnh là cách ly hạn chế;

- Vòng bốn là người tiếp xúc với người tiếp xúc người bệnh.

Ngành y tế xác định mỗi người là một ổ dịch nên khi xác định phải kiểm soát ngay, bởi lây lan ra thì rất là khó.

Như ở Vĩnh Phúc, nơi đã có 5 bệnh nhân, đã áp dụng cách ly 4 vòng (cao hơn các nơi khác 1 vòng).

Đỉnh dịch: bao giờ?

Các chuyên gia cho rằng đỉnh dịch của Trung Quốc là 7-10 ngày tới. Còn Việt Nam thì còn quá sớm để nhận xét, nhưng nếu áp dụng đồng bộ các biện pháp, thì hiệu quả tốt hơn.

Việt Nam không đóng cửa biên giới, mà dùng biện pháp ngăn chặn, cách ly người từ vùng dịch về. Lý do ùn ứ hàng hoá là do phía bạn, nhưng đến 5-2 thanh long đã xuất khẩu được.

Tỷ lệ tử vong: 1,8%

Không phải mắc bệnh là tử vong, chỉ có 2 ca tử vong ngoài Vũ Hán, tỷ lệ tử vong bệnh này là 1,8% (SARS tử vong 10%, MERS- CoV tử vong 34%).

Giải trình tự gen virus cho thấy trên 90% gen virus giống dơi nhưng mùa này Vũ Hán không có dơi. Bệnh lây qua vật chủ nào thì chưa rõ. Nhưng không phải là lây các con vật nhà nuôi như chó, mèo...

 

Theo Tuổi trẻ Online

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>