Cống hiến hết mình cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân

27/02/2018 | 08:13 GMT+7

Ít có nghề nghiệp nào mà xã hội đòi hỏi về phẩm chất và tài năng cao như người thầy thuốc. Đây là một nghề đặc biệt, đòi hỏi người theo nghề luôn luôn phải học tập, trau dồi để không bị tụt hậu. Không chỉ giỏi về chuyên môn, người thầy thuốc ngày nay cần trọn vẹn về y đức.

Bác sĩ Hải luôn nỗ lực để đem dịch vụ y tế về cơ sở phục vụ bệnh nhân.

Tận tâm cho y tế cơ sở

Suốt khoảng thời gian 25 năm công tác trong nghề y, BSCKI. Phan Văn Hải, Trưởng Trạm Y tế xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, luôn bám cơ sở và phục vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân ở địa phương. Dù công tác ở trạm y tế nhưng với nhiệt huyết của mình, bác sĩ Hải luôn nỗ lực hết mình để học tập, nâng cao trình độ chuyên môn để chăm sóc tốt sức khỏe người dân ở địa phương và các xã lân cận. Bác sĩ Hải bước vào ngành y năm 1993 chỉ với tấm bằng y sĩ, nhưng đến nay ông là bác sĩ có trình độ chuyên khoa cấp 1 về y học gia đình. Bác sĩ Hải chia sẻ: “Công tác ở đâu cũng vậy, tôi hiểu rằng chỉ khi có kiến thức mới phục vụ tốt Nhân dân. Y học ngày nay đã có những bước tiến dài trên con đường chiến đấu chống lại bệnh tật nếu mình không trau dồi việc học sẽ bị tụt hậu”. Với suy nghĩ ấy, đã thôi thúc người thầy thuốc này không ngại khó khăn theo học bác sĩ rồi chuyên khoa cấp 1. Đây là bác sĩ duy nhất của trạm y tế này.

Năm 2017, Trạm Y tế xã Vĩnh Thuận Tây được đánh giá là một trong những trạm y tế có sức hút khá mạnh. Bác sĩ Hải đã triển khai được siêu âm, điện tim để chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Với sự tận tâm của người thầy thuốc đã được đáp lại bằng niềm tin của người bệnh. Bà Huỳnh Thị Kim Hồng, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Ở khác xã nhưng bệnh là tôi qua đây khám cho gần. Bệnh thông thường thì ở đây bác sĩ chữa cũng khỏi mình đâu cần đi bệnh viện cho tốn kém và mất thời gian chờ đợi. Hôm nay, tôi bị hạ huyết áp nên đến đây để khám bệnh”. Không chỉ có bà Kim Hồng mà hàng ngày, trạm y tế này thu hút từ 40-50 lượt người dân đến khám, chữa bệnh, đây là con số mà nhiều trạm y tế khác mong muốn không có được. Năm 2017, trạm y tế có tổng số trên 16.000 lượt người dân đến khám, chữa bệnh, đạt hơn 220% so với chỉ tiêu giao.

Mấy năm gần đây, dưới sự chỉ đạo của bác sĩ Hải, Trạm Y tế xã Vĩnh Thuận Tây đã thực hiện tốt phong trào đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh gắn liền với xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp, đạt nhiều kết quả phấn khởi. Năm 2016, bác sĩ Hải được Sở Y tế khen đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện đổi mới phong cách. Bác sĩ Hải tâm sự: “Đây là phong trào rất có ý nghĩa nên tôi luôn nỗ lực thực hiện và động viên, khuyến khích nhân viên y tế trạm thực hiện niềm nở, ân cần, tận tình, chu đáo trong giao tiếp và khám, chữa bệnh. Nhờ vậy đã có được sự hài lòng của bệnh nhân”.

Bác sĩ trẻ nhiệt huyết

Dù công tác trong ngành y chưa tròn 8 năm, nhưng sự nhiệt huyết tuổi trẻ đã giúp bác sĩ Trương Phạm Vĩnh Lễ, Phó khoa Nội Thần kinh, cơ xương khớp, huyết học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang, có thể cống hiến hết mình cho công việc. Anh được lãnh đạo bệnh viện đánh giá cao bởi sự năng động, nhiệt tình, cầu tiến. Tốt nghiệp đại học năm 2011, về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trải qua nhiều công việc ở các khoa khác nhau nhưng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 2014, anh tiếp tục học thạc sĩ để nâng cao trình độ chuyên môn. Hiện tại, công tác ở Khoa Nội Thần kinh, cơ xương khớp, huyết học nhưng anh là một trong những bác sĩ được điều động trực ở Khoa Hồi sức - cấp cứu - chống độc của bệnh viện. Anh Lễ tâm sự: “Công việc gì cũng vậy hễ ban giám đốc phân công là cố gắng làm cho tròn”.

Bác sĩ Lễ còn dành thời gian để nghiên cứu khoa học. Đề tài đầu tiên của người bác sĩ trẻ này là về bệnh đột quỵ. Bác sĩ Lễ cho biết: “Đề tài vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và còn tiếp tục nghiên cứu để có thể đánh giá được thực trạng nhằm ứng dụng được tốt hơn vào thực tế chăm sóc bệnh nhân. Hướng đến phục vụ cho việc thành lập đơn vị đột quỵ ở bệnh viện những năm tới”.

Ông Lê Minh Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang, đánh giá cao năng lực và sự nhiệt huyết của bác sĩ Lễ: “Bác sĩ trẻ nhiệt huyết, tích cực hỗ trợ các khoa khác và luôn cố gắng học tập, nghiên cứu để nâng cao chuyên môn. Đi đầu thực hiện mô hình 5s ở bệnh viện”. Khoa Nội Thần kinh, cơ xương khớp, huyết học là một trong những khoa được đánh giá cao và đạt hạng 3 trong cuộc thi xây dựng 5s và xây dựng khoa phòng xanh - sạch - đẹp ở bệnh viện năm 2017.

Vì sự nghiệp y tế dự phòng

Trong suốt 35 năm công tác trong nghề y, đã có hơn nửa thời gian tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lành, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, gắn bó với y tế dự phòng. Năm 2017, với vị trí là “thuyền trưởng” trên con tàu phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, ông cùng với cán bộ y tế khác đã khống chế thành công không để xảy ra dịch bệnh lớn ở tỉnh. Trung tâm Y tế dự phòng là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua khối các trung tâm tuyến tỉnh. Tuy nhiên, theo ông Lành, công tác dự phòng không phải dễ khi tình hình dịch bệnh ngày nay luôn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, còn canh cánh nỗi lo gánh nặng bệnh không lây nhiễm.

Ông Lành cho biết theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ tử vong chiếm đến 73%, cụ thể bệnh tim mạch chiếm cao nhất 33% và các bệnh đái tháo đường, ung thư,… Thời gian qua, công tác phòng, chống bệnh không lây đã được quan tâm nhưng chưa nhiều. Tỉnh chưa có những số liệu thống kê nào cụ thể về các căn bệnh này. Một số chương trình quản lý bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp chỉ dừng lại thực hiện ở một số địa phương. Triển khai hoạt động phòng, chống bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp còn hạn chế về số lượng cũng như nội dung hoạt động. Hoạt động phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, bệnh do dinh dưỡng và một số bệnh không lây khác chưa triển khai trong tỉnh. Hệ thống dịch vụ phân tán, trong khi năng lực cán bộ y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu và còn nhiều khó khăn về chính sách và quy định về quản lý tại cộng đồng. Trong khi các bệnh không lây hiện là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, cần có hành động mạnh mẽ hơn nhằm dự phòng, phát hiện và quản lý bệnh không lây tốt năm 2018 và những năm tiếp theo để giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh này. 

Cống hiến hết mình là phương châm công tác của bác sĩ Lành, bác sĩ Hải, bác sĩ Lễ. Dù mỗi người ở một vị trí công tác khác nhau nhưng đều đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân của tỉnh nhà. Với những điều còn trăn trở, càng là động lực để các bác sĩ nỗ lực hơn nữa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Toàn ngành y tế Hậu Giang có 486 bác sĩ

Hiện tại, toàn ngành y tế tỉnh có tổng số 2.826 cán bộ, viên chức, người lao động, trong đó có 486 bác sĩ. Về trình độ sau đại học có 231 người. Năm 2017, ngành đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Hầu hết các cơ sở y tế đã được đầu tư xây mới hoặc sửa chữa nâng cấp, bổ sung các trang thiết bị y tế, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý chất thải y tế đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe cơ bản cho Nhân dân. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát, dịch bệnh mới không xuất hiện, không có dịch lớn xảy ra. Hậu Giang là địa phương có số cas mắc mới sốt xuất huyết thấp nhất trong 20 tỉnh, thành phía Nam. Công tác khám, chữa bệnh đã có bước chuyển biến tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt so kế hoạch và cùng kỳ. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã được triển khai thực hiện, chất lượng chuyên môn đã từng bước được nâng lên.

Toàn ngành đang tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao y đức và trách nhiệm của cán bộ y tế. Mở rộng các loại hình đào tạo, chú trọng đào tạo chuyên sâu, đào tạo để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao, chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ chuyên môn và quản lý. Số lượng cán bộ y tế được đào tạo các loại chiếm hơn 10% trên tổng số biên chế toàn ngành. Hiện toàn tỉnh có tỷ lệ 6,8 bác sĩ/vạn dân; 28,82 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 81,12%, vượt chỉ tiêu 3,12%; tuổi thọ trung bình đạt 75,3 tuổi.

 

BSCKI Phan Văn Hải, Trưởng Trạm Y tế xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy: “Tôi hiểu rằng chỉ khi có kiến thức mới phục vụ tốt Nhân dân. Y học ngày nay đã có những bước tiến dài trên con đường chiến đấu chống lại bệnh tật, nếu mình không trau dồi việc học sẽ bị tụt hậu”.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>