Chuyện anh Phê cứu sống bệnh nhân tâm thần nặng

02/05/2018 | 09:44 GMT+7

Câu chuyện anh Nguyễn Hồng Phê, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (đóng trên địa bàn xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy), cứu sống bệnh nhân lúc nguy kịch, khiến nhiều người khâm phục lẫn ngưỡng mộ.

Anh Hồng Phê (phải) nói chuyện với bệnh nhân P.T.K.

Đến trung tâm công tác xã hội vào buổi sáng, lúc này nhân viên y tế đang cấp thuốc cho các bệnh nhân. Nhìn mọi người tận tình hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc, mới thấy hết tình cảm và trách nhiệm của những người làm nghề công tác xã hội. Rồi một nhân viên y tế cho chúng tôi biết ở trung tâm mới có người được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã dũng cảm cứu bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch. Hỏi ra được biết đó là anh Nguyễn Hồng Phê, nhân viên phòng y tế.

Tiếp chuyện cùng chúng tôi, anh Hồng Phê chia sẻ: “Khi chứng kiến cảnh bệnh nhân nguy kịch, lúc ấy trong đầu tôi chỉ nghĩ làm sao cứu được bệnh nhân, khi nhìn thấy bệnh nhân tỉnh lại, tôi mừng đến rơi nước mắt”.

Anh nhớ lại, hôm ấy, sau khi vừa ăn cơm trưa xong, anh P.T.K. (bệnh nhân tâm thần) đột ngột ngã xuống. Lúc đó, anh Hồng Phê lập tức sơ cấp cứu cho anh P.T.K. Tuy nhiên, anh P.T.K. vẫn chưa tỉnh lại. Trên đường đưa anh đến Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy cấp cứu, thấy tình trạng bệnh nhân không có chuyển biến tích cực, thậm chí xấu đi, anh Hồng Phê vừa ép tim và hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân. Tất cả những kiến thức sơ cấp cứu có được anh đều đem ra thực hiện. Rồi sau 3 lần hô hấp nhân tạo, anh P.T.K. mới bắt đầu tỉnh lại. “Nói thật, lúc đó, tôi không còn sợ gì nữa, bởi bệnh nhân có thể có nhiều thứ bệnh trong người, nhưng cứu người thì không nghĩ đến chuyện đó, mà thời điểm đó chỉ nghĩ đến chuyện duy nhất là anh ấy không qua khỏi. Khi anh P.T.K. mở mắt nhìn tôi, tôi mừng không có gì cho bằng, vì mình đã cứu sống được một mạng người. Tôi biết anh P.T.K. bệnh tâm thần đặc biệt nặng, lao và thiếu máu cục bộ”, anh Hồng Phê bộc bạch.

Anh Hồng Phê gắn bó với Trung tâm Công tác xã hội tỉnh vào những ngày đầu mới tiếp nhận từ Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Cần Thơ (tháng 8-2015). Khi mới vào nghề, cũng như những nhân viên khác, anh Hồng Phê cũng không tránh khỏi cảm giác bỡ ngỡ, bởi phải chăm sóc những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần kinh. Theo anh Hồng Phê, lúc đầu, anh cũng e ngại khi đối diện với  các bệnh nhân, nhất là những lúc họ lên cơn, quậy phá. Với lại, khi cho bệnh nhân uống thuốc, một số người không chịu uống thì anh phải nhẹ nhàng giải thích, dỗ ngọt để mọi người uống. Đặc biệt, không được lớn tiếng với bệnh nhân, bởi họ rất dễ kích động. “Những cán bộ làm việc ở trung tâm như chúng tôi bị bệnh nhân la hét, chửi mắng khi lên cơn là chuyện thường ngày. Nhưng gắn bó với công việc, tôi càng thấy thương họ nhiều hơn, đồng cảm và chia sẻ với họ nhiều hơn. Dù công việc có nhiều khó khăn, vất vả nhưng tôi tin rằng, những ai có tâm với nghề sẽ làm tốt công việc này”, anh Hồng Phê tâm sự.

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đang chăm sóc, nuôi dưỡng 166 bệnh nhân. Hiện nay, ngoài điều trị bằng thuốc, trung tâm còn áp dụng nhiều phương pháp điều trị hỗ trợ khác như tập thể dục buổi sáng, thi hát karaoke, cờ tướng, xem hài, lao động nhẹ… Bên cạnh đó, luôn tạo điều kiện để thân nhân đến thăm mọi người thường xuyên. Với sự quan tâm, tạo điều kiện cũng như chăm sóc tận tình của các cán bộ, công nhân viên, đến nay tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân dần ổn định. Đóng góp vào kết quả chung này, có những tấm lòng cao thượng, đẹp như anh Phê.

Nghĩa cử cao đẹp của anh Hồng Phê đã góp phần tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của dân tộc về lòng thương người và tinh thần hết mình vì nhiệm vụ của những người thầy thuốc… Đồng thời, giúp mọi người thấy cuộc đời đẹp hơn vì trong cuộc sống hối hả, khẩn trương hôm nay nhưng không phải ai cũng vô cảm trước tai nạn và nỗi đau của người khác…

Anh Phê được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen

Với nghĩa cử cao đẹp cứu người, anh Nguyễn Hồng Phê được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tặng giấy khen. Theo ông Lê Văn Cao, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, bệnh nhân P.T.K. vào Trung tâm Công tác xã hội từ năm 2006 đến nay. Bệnh nhân T.K. mắc các bệnh như tâm thần đặc biệt nặng, lao và thiếu máu cục bộ.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>