Bảo hiểm y tế: Điểm tựa cho bệnh nhân HIV/AIDS

20/12/2019 | 08:52 GMT+7

Từ năm 2019, thuốc kháng vi-rút (ARV) và các loại xét nghiệm cho người nhiễm HIV/AIDS sẽ không còn được cấp phát miễn phí, người bệnh phải tự chi trả các loại chi phí điều trị. Do đó, việc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ là điểm tựa cho người bệnh. Xoay quanh vấn đề điều trị cho bệnh nhân có “H” thông qua BHYT, ông Võ Chí Đại (ảnh), Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS, cho biết:

- Từ năm 2019, tỉnh thực hiện điều trị cho bệnh nhân trên địa bàn tỉnh bị nhiễm HIV/AIDS bằng BHYT. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân chưa có thẻ BHYT thì cũng được điều trị thuốc ARV miễn phí từ nguồn thuốc của Dự án Quỹ Toàn cầu của Bộ Y tế do Cục Phòng, chống HIV/AIDS cấp do đơn vị Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hậu Giang dự trù hàng quý. Nguồn thuốc này được thực hiện đến khoảng tháng 7-2020. Do đó, nếu đến giai đoạn này bệnh nhân chưa có thẻ BHYT thì phải tự chi trả.

Có BHYT giúp bệnh nhân bị nhiễm HIV an tâm điều trị. Ảnh: HỒNG DIỄM

Xin ông chia sẻ lợi ích mà BHYT mang lại cho bệnh nhân HIV/AIDS là như thế nào, thưa ông ?

- Bất kỳ ai khi tham gia BHYT đều được chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí khám chữa bệnh. Đối với người nhiễm HIV, thuốc ARV đã nằm trong danh mục thuốc được Quỹ BHYT chi trả. Theo quy định hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số… được bảo hiểm chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã nghỉ hưu là 95% và cho các đối tượng khác là 80%. Người nhiễm HIV chỉ phải chi trả tối đa là 20% tiền chữa bệnh. Người nhiễm HIV/AIDS khi mua BHYT sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích trong thực hiện nhiều dịch vụ y tế như khám bệnh, làm xét nghiệm HIV, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội…

Với những lợi ích mang lại, BHYT giúp người nhiễm HIV được tiếp tục điều trị ARV khi không còn nguồn tài trợ quốc tế, nhất là khi điều trị ARV cần liên tục và suốt đời. Chính vì vậy, người nhiễm HIV cần vượt qua rào cản tự ti, chủ động tham gia BHYT, để tự bảo vệ tính mạng và sức khỏe của chính mình. Hiện nay, tỉnh đang quản lý điều trị 698 người nhiễm HIV/AIDS. Trong đó, có 678 bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ BHYT được đăng ký điều trị.

Như ông vừa cho biết, hiện còn 20 bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS sinh sống tại địa phương nhưng không đăng ký điều trị ngoại trú, điều này gây khó khăn gì, thưa ông ?

- Với những bệnh nhân bị nhiễm HIV nhưng không đăng ký điều trị ngoại trú sẽ gây khó cho việc tư vấn, quản lý, chăm sóc người bệnh. Đồng thời, bệnh nhân rất dễ chuyển qua giai đoạn AIDS, tử vong nhanh do mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội do suy giảm miễn dịch như: tiêu chảy, lao, viêm phổi, bệnh da liễu, suy kiệt… Mặt khác, nếu bệnh nhân không đăng ký điều trị ARV sẽ có nguy cơ lây truyền cho cộng đồng dân cư nếu có những hành vi nguy cơ.    

Thưa ông, việc chi trả thuốc kháng ARV và các loại xét nghiệm cho người nhiễm HIV/AIDS thông qua BHYT tại tỉnh được thực hiện như thế nào ?

- Thuốc ARV được cơ quan BHXH tỉnh chi trả 100%, riêng xét tải lượng vi-rút và CD4 để đánh giá kết quả điều trị cho bệnh nhân hiện Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã ký hợp đồng với Viện Pastuer Thành phố Hồ Chí Minh làm xét nghiệm và trả lời kết quả được BHXH chi trả 100% cho bệnh nhân.

Để thực hiện mục tiêu 100% người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT, theo ông cần những giải pháp nào ?

- Trước hết, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác truyền thông việc quản lý điều trị, xét nghiệm cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS nếu có thẻ BHYT sẽ được chi trả theo quy định hiện hành bằng các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tiếp tục tham mưu với Sở Y tế trình UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tư vấn, quản lý, chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS. Tăng cường công tác đào tạo về kiến thức phòng, chống HIV/AIDS cho cán bộ làm công tác này ở tất cả các tuyến…

Xin cảm ơn ông !

BÍCH CHÂU thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích