Ứng dụng công nghệ thông tin có nhiều tiến bộ

25/11/2019 | 08:25 GMT+7

Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để phục vụ công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực.

80% số cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh được trang bị máy tính để làm việc.

80% số cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính để làm việc là kết quả của việc phát triển hạ tầng kỹ thuật trong kế hoạch ứng dụng CNTT hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, cho biết, cán bộ, công chức của phường được trang bị đầy đủ máy tính trong hoạt động công vụ. Nhờ vậy mà hiệu quả giải quyết công việc ngày càng được nâng lên.

“Các máy tính đều có kết nối internet nên chúng tôi có thể trao đổi, chia sẻ thông tin, văn bản trên môi trường mạng, vừa nhanh và tiết kiệm giấy in”, ông Bình chia sẻ.

Không riêng phường Lái Hiếu, cán bộ, công chức tại các xã, phường còn lại trên địa bàn thị xã Ngã Bảy cũng được tạo điều kiện tương tự. Đây là cơ sở quan trọng để thị xã hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử. Đáng chú ý là thị xã đang thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đối với 25 loại thủ tục hành chính trên các lĩnh vực. Qua đó, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp trong việc tra cứu và yêu cầu giải quyết hồ sơ hành chính.

Trong khi đó, việc hiện đại hóa nền hành chính cũng được Huyện ủy, UBND huyện Phụng Hiệp rất quan tâm, nổi bật là đẩy mạnh ứng dụng CNTT.

Trưởng phòng Nội vụ huyện Phụng Hiệp Lê Minh Đương thông tin, UBND huyện đang áp dụng phần mềm quản lý cán bộ, công chức theo chỉ đạo của UBND tỉnh; 100% các phòng, ban, ngành huyện được áp dụng chữ ký số và phần mềm quản lý văn bản trong điều hành công việc; 100% cán bộ, công chức được tập huấn phần mềm quản lý văn bản. Đặc biệt là UBND huyện đã thực hiện áp dụng văn bản đi, đến hoàn toàn trên môi trường mạng (không dùng văn bản giấy) giữa các phòng, ban, ngành huyện và UBND các xã, thị trấn…

Bên cạnh đó, UBND huyện đã xây dựng và ban hành một số văn bản về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của cơ quan nhà nước trên địa bàn; về xây dựng thí điểm mô hình Một cửa hiện đại; về thực hiện bưu chính công ích… để tạo ra bước đột phá trong công tác CCHC.

Nhìn chung, việc ứng dụng CNTT trong công tác CCHC được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện, hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử để nâng cao hiệu quả công tác CCHC phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp.

Đến nay, 100% sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đều có kết nối internet; tỉnh có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến UBND cấp huyện; 100% sở, ngành, UBND cấp huyện có cổng/trang thông tin điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các ứng dụng CNTT thông qua môi trường mạng.

Đáng chú ý là việc gửi nhận văn bản điện tử trong các cơ quan hành chính nhà nước thông qua phần mềm quản lý văn bản đã được triển khai cho tất cả các sở, ngành tỉnh và địa phương. Cụ thể, 36 đơn vị cấp tỉnh, 99 đơn vị cấp huyện, 76 đơn vị cấp xã đã áp dụng phần mềm Quản lý văn bản với số lượng người sử dụng hơn 4.500 tài khoản.

Trong đó, các đơn vị đã khai thác có hiệu quả các tính năng của phần mềm như ký số trực tuyến, tìm kiếm, tiếp nhận xử lý văn bản đến, tạo lập, phát hành văn bản đi, gửi nhận văn bản liên thông với văn phòng chính phủ… giúp việc tra cứu, khai thác văn bản được thuận lợi, nhanh chóng, rút ngắn thời gian xử lý công việc hàng ngày của các cơ quan, góp phần CCHC.

Cùng với đó, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã được triển khai đến tất cả các sở, ngành tỉnh và địa phương với 102 đơn vị sử dụng. Trên phần mềm hiện tại đã cập nhật 1.930 thủ tục hành chính thuộc danh mục các thủ tục hành chính của các đơn vị trong tỉnh. Trong đó, hệ thống đã cung cấp 1.399 thủ tục mức độ 2, 422 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 109 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Mặc khác, hệ thống hiện đã kết nối với hệ thống tin nhắn SMS của VNPT để thực hiện thông báo tình trạng tiếp nhận và trả kết quả cho người dân và doanh nghiệp.

Một điểm nhấn nữa là Cổng thông tin điện tử tỉnh Hậu Giang được đưa vào sử dụng năm 2005 đến nay đã phát huy hiệu quả, trở thành cầu nối giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp cũng như góp phần quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính thống cho người dân, tạo sự đồng thuận, nâng cao tính công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

Từ những kết quả đạt được, tỉnh có định hướng sẽ xây dựng cơ chế ưu tiên đầu tư các hạng mục quan trọng trong Kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh đã được phê duyệt, cũng như xây dựng các chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng các dịch vụ công, các dịch vụ thanh toán điện tử.

Đồng thời, có cơ chế thu hút những chuyên gia về CNTT (đặc biệt là các chuyên gia về an toàn thông tin mạng) về làm việc; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển công nghiệp CNTT tại tỉnh...

Ngày 25-4-2019, Bộ Thông tin và Truyền thông khảo sát, tổng hợp tình hình triển khai ứng dụng CNTT trên phạm vi cả nước và đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2018. Kết quả, Hậu Giang xếp hạng 27/63 so với tỉnh, thành phố về mức độ ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước, tăng 32 bậc so với năm 2017.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích