Dân chủ cơ sở

Từ một góc nhìn

19/03/2014 | 07:35 GMT+7

Thực hiện tốt quy chế dân chủ đã giúp cấp cơ sở tạo dựng niềm tin với nhân dân, là tiền đề để nhân dân chia sẻ khó khăn với cấp ủy, chính quyền địa phương. Phát huy dân chủ đã giúp việc vận động quần chúng được dễ dàng.

 

Dân biết, dân bàn...

 

Ở thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, có khá nhiều công trình lộ giao thông nông thôn được thực hiện theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó có nhiều người dân nhiệt tình hiến đất mà không đòi hỏi gì. Ông Nguyễn Văn Bé Bảy, ở ấp Hòa Bình, thị trấn Kinh Cùng, chia sẻ: “Cán bộ ở thị trấn, ở ấp bây giờ được lắm, bất cứ những vấn đề gì liên quan đến người dân đều công khai, minh bạch, nhất là những vấn đề liên quan đến kinh phí xây dựng này kia; họ bàn bạc kỹ, thống nhất mới triển khai thực hiện, nhờ vậy mà người dân rất ủng hộ”.

 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đinh Văn Chung trong một lần tiếp xúc với cử tri xã Tân Thành, TX.Ngã Bảy.

 


Tuyến đường chạy dọc theo kênh 83, ở ấp Hòa Bình, ngang nhà ông Bé Bảy hơn 70m, trong đó có một khúc cua, ban đầu họp dân thống nhất phương án xây dựng đường cắt vuông góc, như vậy sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đất của hộ ông Bảy, nhưng thực tế khi thi công, đoạn này phải làm một cua vòng, phạm vào đất và những gốc mai hơn 3 năm tuổi của gia đình ông Bảy. Thấy ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, cán bộ ấp đến trao đổi thì được ông Bảy gật đầu… cái rụp. Ông bảo, lộ làng đi vì lợi ích chung, ảnh hưởng có ít đất cũng không đến đâu, coi như mình làm việc thiện, quan trọng hơn là chính quyền địa phương đã công khai, minh bạch hết mọi chuyện thì người dân rất hài lòng và an tâm cống hiến thôi.

 

Ông Võ Hoài Tân, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Hòa Bình, đánh giá: “Ở ấp, những vấn đề gì liên quan đến người dân đều được bàn bạc rất công khai, có họp dân hẳn hoi. Chúng tôi có 4 tổ nhân dân tự quản thì chia ra họp, mời dân dự trên 50%, những vấn đề liên quan đến tiền bạc hay quyền lợi của người dân dù nhỏ cũng phải bàn bạc thấu đáo. Như vậy mới gắn kết được giữa người dân với hoạt động của chính quyền, tạo được sự tin tưởng của bà con”.

 

Ở ấp Hòa Bình, có hộ dân sẵn sàng hiến 2.500m2 đất để xây dựng trường học, đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn Khang. Năm 2004, gia đình anh Khang thống nhất hiến 2.000m2 đất để xây dựng Trường Tiểu học Kim Đồng, mới đây đã hiến thêm 500m2 nữa để xây dựng nhà vệ sinh và khu nhà ở công vụ cho giáo viên. Anh Khang chia sẻ: “Khi mình tin thì cái gì cũng có thể đóng góp hết”.

 

Ở Hậu Giang, những năm gần đây, các công trình lộ giao thông nông thôn được thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm ngày càng nhiều, đây cũng chính là cơ hội để người dân thực hiện tốt chức năng giám sát của mình. Ông Phan Minh Thuận, Trưởng phòng dân vận chính quyền các cơ quan Nhà nước, Ban Dân vận Tỉnh ủy, kể: “Qua kiểm tra việc phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới tại xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tại ấp 3, có trường hợp đoạn đường dài khoảng 100m (đoạn Tha La - Mười Căn) dân phát hiện nhà thầu sử dụng không đủ vật liệu để xây dựng đường, người dân đã ngăn cản không cho thực hiện và báo cáo với chính quyền địa phương. Rõ ràng, những việc tưởng nhỏ nhưng không phải nhỏ, điều này khẳng định được quyền làm chủ của nhân dân”.

 

Khi dân chủ được phát huy

 

Nguyên Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp Lương Bằng Thiên cho rằng, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở sẽ mang lại nhiều kết quả tốt, điều quan trọng là cán bộ phải gần dân, làm cho dân tin, nói cho dân hiểu, xứng đáng với hai từ “công bộc”, nhưng câu chuyện dân chủ cơ sở cũng có nhiều điều phải bàn. “Từng nhiều năm công tác ở cơ sở, tôi nhận thấy được rằng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở những năm gần đây so với trước đã có nhiều thay đổi. Chính quyền đã tổ chức tiếp dân định kỳ, đối thoại với hộ dân nghèo, từ UBND tỉnh, các sở, ngành đến các địa phương đều công bố kết quả về đường dây nóng, chính điều này đã giúp dân hiểu, an tâm và tin tưởng chính quyền nhiều hơn” - ông Phạm Ngọc Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, chia sẻ.

 

Anh Nguyễn Văn Khang (phải),ở ấp Hòa Bình, thị trấn Kinh Cùng, hiến 2.500m2 đất vì hai chữ “niềm tin”.

 


Ở thị xã Ngã Bảy, những cuộc đối thoại với hộ nghèo được tổ chức định kỳ không chỉ giúp cho người dân nghèo bày tỏ được tâm tư của mình, mà còn là cơ hội để lãnh đạo địa phương lắng nghe những điều thực chất, gần dân, hiểu dân hơn. Bí thư Thị ủy Ngã Bảy Trịnh Quang Hưng cho biết: “Việc thực hiện chương trình đối thoại với hộ nghèo xuất phát từ việc nỗ lực nâng cao đời sống của người dân. Thị xã Ngã Bảy là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất tỉnh (khoảng 4%), đối thoại với hộ nghèo cũng là cách để mang lại kết quả thiết thực trong công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Khi tham gia đối thoại, tôi được nghe dân nói nhiều điều, có những vấn đề dân nói đúng, cũng có khi dân hiểu chưa hết, chưa thấu đáo, ngay cuộc họp đó sẽ có sự giải thích, điều chỉnh”.

 

Trong các lần tiếp xúc cử tri, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đinh Văn Chung thường khuyến khích người dân nên nói nhiều và hỏi nhiều, vì có lãnh đạo sẽ được giải quyết trực tiếp. Ông Đinh Văn Chung cho rằng, trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có nhiều việc phải làm, thời gian qua các địa phương đã thực hiện những việc làm liên quan đến tiến trình cải cách hành chính, đã công khai, minh bạch nhiều vấn đề, đó là tiền đề giúp dân tin. Còn trong tiếp xúc cử tri, người dân được khuyến khích trình bày ý kiến, được chia sẻ nên cũng tin tưởng và tự tin trình bày các vấn đề bức xúc.

 

Nhìn chung, Pháp lệnh số 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được cấp cơ sở triển khai đầy đủ, trong đó 11 nội dung được công khai theo quy định đã được thực hiện khá tốt. Bà Lê Kim Phượng, Phó Trưởng ban Ban Dân vận Tỉnh ủy, đánh giá: “Dân chủ cơ sở đã có một bước tiến khá lớn, dân chủ giờ đây gắn liền với hoạt động cải cách hành chính. Mỗi ấp, khu vực đều có quy ước thực hiện quy chế dân chủ. Tuy không phải là không có những hạn chế, nhưng nhìn chung chính quyền cơ sở đã bảo đảm quyền của nhân dân được biết, tham gia ý kiến, quyết định, thực hiện và giám sát việc thực hiện dân chủ. Nhân dân đã được bàn và quyết định trực tiếp về chủ trương và các mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng”.

 

Bài, ảnh: H.NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>