Trẻ hóa cán bộ

22/11/2016 | 08:11 GMT+7

Một trong những nhiệm vụ quan trọng về công tác tổ chức xây dựng Đảng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra là trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đây là nền tảng rất quan trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực, có đạo đức để đảm đương tốt trọng trách xây dựng và phát triển Hậu Giang trong tương lai.

Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành Phạm Hoài Bạch luôn thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong ảnh: Anh Bạch đang theo dõi camera giám sát hoạt động Bộ phận một cửa của phường.

Cán bộ trẻ tiêu biểu

Đến phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, hỏi Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Hoài Bạch thì ai cũng trân trọng. Với anh, sự nhiệt tình trong công việc và tận tâm khi dân cần luôn luôn sẵn có.

Khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào năm 2005, anh Bạch tham gia công tác đoàn ở phường Hiệp Thành, đến tháng 10-2010, anh được điều động về công tác tại Thị đoàn Ngã Bảy. Nhờ năng nổ, nhiệt huyết và tham gia có hiệu quả các phong trào đoàn nên gần 2 năm sau, anh được bổ nhiệm giữ chức Phó Bí thư Thị đoàn Ngã Bảy khi tuổi đời mới 28. Tháng 8-2013, anh được phân công về giữ chức Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành cho đến nay.

Là thủ lĩnh thanh niên, khi chuyển sang làm lãnh đạo, anh Bạch gặp không ít bỡ ngỡ bước đầu. Anh tâm sự: “Làm công tác đoàn chủ yếu hoạt động phong trào là chính, các kiến thức về pháp luật và giải quyết thủ tục hành chính chưa hiểu nhiều nên thời gian đầu tôi gặp không ít khó khăn. Nhưng thuận lợi là được sự tận tình hướng dẫn, giúp đỡ của Đảng ủy, UBND phường và bản thân không ngừng học hỏi, bổ sung thêm kiến thức nên công việc cũng dần trôi chảy”.

Gần dân, phục vụ lợi ích cho dân là điều anh Bạch luôn đặt lên hàng đầu trong công việc. Nhờ tham gia công tác đoàn đã rèn cho anh khả năng giao tiếp mềm mỏng, cách nói chuyện thuyết phục khi vận động nhân dân tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương. Bản thân anh tâm niệm nhất lời dạy của Bác: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Và anh không ngừng phấn đấu vượt qua mọi khó khăn trong công việc và cuộc sống để xứng đáng là người đảng viên tốt của Đảng, người lãnh đạo tận tụy của nhân dân.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Hiệp Thành, cho biết: “Dù là cán bộ trẻ nhưng Bạch luôn có tinh thần học hỏi, dám nghĩ, dám làm và có tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Bạch có lối sống hòa đồng với mọi người, đặc biệt luôn gần dân, hết lòng vì dân. Thời gian qua, chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để những người trẻ như Bạch khẳng định bản lĩnh, năng lực của bản thân”.

Anh Phạm Hoài Bạch là một trong số nhiều người thuộc thế hệ 8X đang giữ chức danh lãnh đạo trong bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Ở họ có sức trẻ, sự nhiệt huyết và luôn “cháy” hết mình với công việc. Dù trẻ tuổi nhưng họ luôn biết trau dồi bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống để ngày càng hoàn thiện bản thân. Cũng vì vậy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trẻ đang là yêu cầu cấp bách hiện nay nhằm tạo ra nguồn nhân lực kế thừa có chất lượng đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của tỉnh trong tương lai.

Giải pháp căn cơ

Xuất phát từ thực tế trên, Tỉnh ủy đã xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số nhiệm kỳ 2015-2020 và các nhiệm kỳ tiếp theo” (đề án).

Theo đó, đề án ưu tiên đào tạo nguồn cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số tại chỗ; tập trung phát triển nguồn lực cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức hành chính nhà nước, cán bộ chuyên trách công tác Đảng, đoàn thể là cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số, chú trọng các lĩnh vực thuộc nhóm ngành khoa học công nghệ trình độ cao, công nhân kỹ thuật lành nghề, nhân viên giỏi nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành; xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số theo hướng đào tạo phải gắn với quy hoạch, bố trí, sắp xếp, luân chuyển.

Mục tiêu cụ thể của đề án phấn đấu đến năm 2020 tỉnh đào tạo 30 người (trong đó trẻ 15 người, nữ 10 người, dân tộc thiểu số 5 người) có trình độ sau đại học; đào tạo 700 cán bộ có trình độ trung cấp, 90 cán bộ có trình độ cao cấp lý luận chính trị; từ 10-15 cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức chưa qua thực tiễn được luân chuyển từ tỉnh xuống huyện, thị xã, thành phố giữ chức vụ bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND và ngược lại; luân chuyển từ 40-60 cán bộ ở huyện, thị, thành phố về xã, phường, thị trấn giữ chức vụ chủ chốt và ngược lại.

Hiện tại, các cấp, các ngành trong tỉnh đều đã xây dựng kế hoạch thực hiện đề án này. Ở huyện Vị Thủy, kế hoạch thực hiện đề án đã được xây dựng kịp thời, bám sát chủ trương, định hướng của tỉnh. Trong đó, mục tiêu chung là nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc, nhất là số cán bộ thuộc diện nằm trong quy hoạch. Nhiệm kỳ 2015-2020 có ít nhất 3% trở lên cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc trong diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý chủ chốt các cấp, các phòng, ban, ngành được đưa đi đào tạo đại học và sau đại học, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh trên địa bàn huyện. “Trong năm nay, huyện đã cử 13 cán bộ đi học cao cấp chính trị, trong đó có 3 trường hợp là cán bộ trẻ, nữ dưới 36 tuổi. Huyện sẽ quyết tâm thực hiện đúng theo lộ trình đã đề ra trong kế hoạch thực hiện đề án của tỉnh”, bà Nguyễn Ngọc Trân, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Vị Thủy, cho biết.

Thực hiện đề án, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng xây dựng Kế hoạch số 06 ngày 23/5/2016 về đào tạo cán bộ nhiệm kỳ 2015-2020. Mục đích là tập trung đào tạo cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị để đảm bảo đủ điều kiện cơ cấu cấp ủy và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Mục tiêu hướng tới là phấn đấu có 100% cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trong diện quy hoạch có trình độ chuyên môn đạt chuẩn theo quy định; 100% cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trong quy hoạch được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 100% cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số nằm trong quy hoạch lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương trở lên được đào tạo đủ chuẩn trước khi bổ nhiệm…

Giải pháp để thực hiện mục tiêu trên là các cấp ủy, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Mặt trận và đoàn thể cấp tỉnh xây dựng quy hoạch đào tạo dài hạn phân theo hàng năm (từ năm 2016 đến năm 2020) và ưu tiên đối với cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Trường Chính trị tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo trung cấp lý luận chính trị hàng năm theo nhu cầu của các đơn vị, trong đó chú ý đào tạo riêng cho cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số 1 lớp với số lượng 50 hoặc 70 đồng chí…

Tin tưởng rằng trong tương lai Hậu Giang sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc có chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng và phát triển tỉnh nhà trở thành một tỉnh khá của vùng ĐBSCL như mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2020.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>