Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa VIII

Trách nhiệm thực hiện lời hứa

09/12/2013 | 07:46 GMT+7

Trước thềm kỳ họp, cử tri Hậu Giang đề đạt nhiều ý kiến, nguyện vọng mong chính quyền các cấp, các ngành quan tâm giải quyết, thực hiện đúng lời hứa. Trước đó, bà con cũng rất hoan nghênh lãnh đạo UBND tỉnh, ngành liên quan tích cực thực hiện các cam kết với cử tri.

 

Thực hiện lời hứa

 

Tại buổi tiếp xúc cử tri xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A giữa tháng 11 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Chánh ghi nhận và hứa giải quyết nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị của bà con, trong đó có vấn đề nước sạch. Ông Nguyễn Văn Trọng, cử tri ấp Phú Lợi, xã Tân Phú Thạnh, nói: “Hơn 70 hộ dân ở khu tái định cư của ấp từ lâu đã không có nước sạch sử dụng, vấn đề này chúng tôi đã kiến nghị 5-6 năm nay rồi, nhưng có thấy chuyển biến gì đâu! Dân phải khoan cây nước trong nhà để sử dụng, nhưng việc này rất khó”.

 

 

Quang cảnh Kỳ họp lần thứ 6 HĐND khóa VIII.

Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Chánh hứa trong vòng 7 ngày các ngành chức năng sẽ khắc phục tình trạng trên. Đúng một tuần sau, đã có 10 hộ dân trong khu vực được sử dụng nước sạch, những hộ còn lại đang được khảo sát và lắp đồng hồ trong nay mai. Đầu tháng 12, gặp lại ông Trọng, ông bày tỏ: “Bức xúc trong dân thì còn nhiều, những việc tưởng chừng nhỏ nhưng để lâu không giải quyết sẽ trở thành chuyện lớn, khi chưa có sự trả lời thấu đáo thì cử tri phải kiến nghị nhiều lần là điều hiển nhiên. Riêng với chuyện hứa và thực hiện đúng như Chủ tịch UBND tỉnh, chúng tôi rất hoan nghênh”.

 

Thời gian qua, đối với ngành điện, tuy tình trạng điện đứt khúc, đứt quãng bị phản ánh nhiều, nhưng nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự cảm thông. Đây là đơn vị rất tích cực trong trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri. Ông Vương Văn Chắc, ở ấp Phú Lộc, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, phản ánh hộ ông Dương Thành Trung (ở cùng ấp) khi chuyển điện kế từ nhà cũ sang nhà mới phải “hỗ trợ” cho nhân viên điện lực 500.000 đồng và cũng không có hóa đơn cụ thể. Sau khi nhận được phản ánh, Điện lực Hậu Giang đã chỉ đạo Điện lực Châu Thành rà soát, kiểm tra cụ thể, thì được biết khi làm nhà xong, ông Trung không liên hệ với điện lực địa phương để làm thủ tục di dời công tơ mà chỉ liên hệ với thợ điện địa phương thực hiện công việc trên… Nhân viên ngành điện đã hướng dẫn ông Trung liên hệ với Điện lực Châu Thành làm đúng thủ tục theo quy định.

 

Trước và trong Kỳ họp lần thứ 6 HĐND tỉnh, cử tri các địa phương ở huyện Phụng Hiệp nêu lên 4 vấn đề bức xúc liên quan đến ngành điện, trong đó cử tri xã Phương Phú lo lắng khi chuyển việc quản lý điện từ hợp tác xã sang ngành chuyên môn sẽ không đảm bảo an toàn (đường dây và điện kế đã cũ). Nhưng sau đó, Công ty Điện lực Hậu Giang đã giao cho Điện lực Phụng Hiệp thay mới toàn bộ đường dây nhánh rẽ vào nhà dân và yêu cầu bà con phối hợp với nhân viên thu hồi dây dẫn cũ trong lúc cải tạo. Hiện tại, công tác mua sắm vật tư đã hoàn tất, đang chuẩn bị lắp đặt…

 

Nhiều vấn đề vẫn còn chờ

 

Cũng tại xã Tân Phú Thạnh, câu chuyện về quy hoạch “treo” đã gây bức xúc cho nhiều người dân nơi đây. Chỉ tay về khu vườn hơn 2 công đất ngút ngàn lau sậy, ông Đào Văn Sơn, ở ấp Phú Lợi, cho biết: “Bây giờ, “đặc sản” của đất này là… măng sậy, cả chục năm nay, 60 hộ dân ở khu vực này không làm ăn gì được hết. Trước đây, khi dự án của Công ty Thiên Lộc triển khai, chúng tôi ký kết giao đất, chờ nhận tiền, nhưng bặt vô âm tín. Nhiều hộ dân nơi đây rất lao đao vì chuyện quy hoạch treo”.

 

 

Cử tri huyện Châu Thành A phát biểu ý kiến tại một đợt tiếp xúc cử tri.

Được biết, chủ dự án này đã nhiều lần kỳ kèo, gia hạn và… quên lời hứa. Đến nay, chưa có hộ dân nào ở đây được bồi thường, bà con đang sống trong cảnh đi không nỡ mà ở cũng không xong.

 

Ở những địa phương khác, sau một thời gian dài không thực hiện, quy hoạch được xóa, nhưng người dân lại không được xem xét bồi hoàn, hỗ trợ gì. Như dự án của Trường Đại học Dân lập miền Tây (xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy), sau khi chủ đầu tư bỏ dự án, quy hoạch bị xóa, cử tri chỉ biết liên hệ với chính quyền địa phương, còn địa phương thì trông chờ vào cấp trên.

 

Còn nhiều vấn đề bức xúc của cử tri ở TX.Ngã Bảy, huyện Vị Thủy, huyện Phụng Hiệp, huyện Châu Thành A, huyện Long Mỹ, chưa được các sở, ngành trả lời, giải quyết sau Kỳ họp lần thứ 6. Trong đó có các vấn đề liên quan đến nhiều dự án được quy hoạch rất lâu, nhưng không xây dựng hoặc sử dụng không hết diện tích đất trong quy hoạch, gây lãng phí; biên lai thu phí bảo trì giao thông đường bộ quá mỏng, dễ rách, khó lưu giữ trong thời gian một năm, lại không có dấu đỏ; có trường hợp tham nhũng chưa được xử lý nghiêm; đương sự viết đơn chống án trái với ý của người hướng dẫn thì cơ quan chức năng không nhận. Cần xem xét miễn phí đo đạc cho người dân dịch chuyển vị trí đất thổ cư khi bị ảnh hưởng bởi các công trình xây dựng; hỗ trợ kinh phí trùng tu chùa Khmer tại ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ…

 

Ông Cao Văn Thum, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Vị Thanh, nói: “Kỳ họp này, tôi sẽ chất vấn ngành tòa án và tài nguyên và môi trường, vì thời gian qua việc giải quyết, xem xét các vụ việc về đất đai còn nhiều khúc mắc, chưa có sự thống nhất giữa quyết định hành chính và phán quyết của tòa; trong xác định nguồn gốc đất đai chưa được chặt chẽ, không đúng thực tế, nhiều bản án không thi hành được”.

 

Nói về Kỳ họp lần thứ 7 HĐND tỉnh, ông Đinh Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Kỳ họp lần này sẽ bàn và ban hành nhiều nghị quyết về các vấn đề quan trọng. Kỳ họp này có điểm mới là đường dây nóng được mở từ ngày 3-12 để kịp thời ghi nhận những ý kiến bức xúc của cử tri. Buổi chất vấn và trả lời chất vấn được tổ chức trên tinh thần đi sâu vào những vấn đề trọng tâm, những bức xúc mà cử tri trong tỉnh đang quan tâm.

 

Ông Nguyễn Quốc Ca, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh:

Khoảng 80% bức xúc của người dân được giải quyết tại các buổi tiếp xúc cử tri

 

 
Trước thềm kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Ca (ảnh) dành cho phóng viên Báo Hậu Giang cuộc trao đổi ngắn. Ông cho biết: “Quan tâm nhất là nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, lo lắng nhất là việc quản lý công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, trách nhiệm trả nợ công, vấn đề sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới...”.

 

Ông đánh giá thế nào về việc giải quyết những kiến nghị, bức xúc của các sở, ngành tỉnh đối với các kiến nghị của cử tri thời gian qua ?

 

- Trong 3 kỳ họp gần đây, qua giám sát và tiếp xúc cử tri (TXCT) cho thấy, những ý kiến của bà con phản ánh rất chính đáng, mỗi kỳ họp có từ 700-900 lượt ý kiến từ các địa phương, trong đó có khoảng 80% được giải quyết tại các buổi tiếp xúc. Còn lại hơn 100 lượt ý kiến thuộc trách nhiệm các ngành tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã tổng hợp và chuyển đến các ngành liên quan giải quyết theo luật định, đến nay còn tồn tại 9 vấn đề. Điều này cho thấy vai trò điều hành quyết liệt và trách nhiệm của UBND tỉnh.

 

Có khá nhiều vấn đề không lớn, nhưng cử tri vẫn kiến nghị nhiều lần, vậy nguyên nhân do đâu, thưa ông ?

 

- Vấn đề nhỏ nêu nhiều lần giải quyết không được thì thành vấn đề lớn. Chuyện điện đứt quãng, đứt khúc, câu đuôi… lần họp nào cũng được cử tri nêu lên, bà con kiến nghị chính đáng, nhưng cũng phải thông cảm với ngành điện, bởi không thể giải quyết được một lúc mà hết được. Vấn đề xử lý phân bón, thuốc trừ sâu giả thì phải giải quyết liên ngành, riêng ngành nông nghiệp không giải quyết nổi. Còn vấn đề khiếu nại, tố cáo đã giảm, nhưng có những vụ việc cách đây 10-25 năm giải quyết không trôi, các văn bản hướng dẫn đã hết thời hạn, hết hiệu lực, chưa được hủy bỏ, trong khi văn bản mới ra đời lại thiếu hướng dẫn… Cơ quan dân cử rất có trách nhiệm trước dân, nhưng hiện nay về cơ chế có những vấn đề thiếu đồng bộ, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, nên một số kiến nghị của bà con nhiều lần chưa được giải quyết hết được là vậy.

 

Xin cảm ơn ông !

 

Cử tri bức xúc gì đối với 4 lãnh đạo ngành có nhiều vấn đề “nóng” ?


Đối với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vấn đề “nóng” là tình trạng cây, con giống kém chất lượng và vật tư nông nghiệp có giá cao mà chất lượng không đảm bảo; hiệu quả của chương trình “5 cây - 5 con”; tình trạng nước đục, nhiễm phèn, nước chưa qua xử lý nhưng vẫn cung cấp cho người dân sử dụng.

 

Đối với ngành y tế, đường dây nóng tại các bệnh viện để người dân phản ánh bức xúc rất khó liên hệ hoặc không được; việc phân biệt đối xử giữa bệnh nhân có bảo hiểm y tế và bệnh nhân khám dịch vụ; vấn đề sử dụng hóa chất độc hại của một số cơ sở sản xuất bún, bánh canh, bánh phở…

 

Ngành tòa án nhận được nhiều ý kiến cử tri liên quan đến việc số vụ án hủy, án tuyên khó thi hành còn ở mức cao; Tòa án nhân dân tỉnh khi xét xử phúc thẩm nhiều bản án có kết quả trái ngược với kết quả mà TAND huyện đã tuyên. Trong khi đó, ngành giao thông vận tải nhận được yêu cầu giải thích tình trạng một số tuyến đường mới đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã xuống cấp, hư hỏng nặng, khiến dư luận bức xúc; các biện pháp, giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông… 

 

Bài, ảnh: H.NGUYỆN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>