Thủ tục “hành” đoàn thể

06/04/2012 | 07:25 GMT+7

Thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng hành chính hóa đang trở thành “bệnh” trong hoạt động của một số hội, đoàn thể. Vậy thực trạng của vấn đề này ra sao ?

 

* “Hành” từ Trung ương đến cơ sở

 

Tuy không như các cơ quan nhà nước có liên hệ công tác trực tiếp với người dân, nhưng tình trạng hành chính hóa đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động các hội, đoàn thể.  Đoàn thanh niên và Hội Phụ nữ được “xếp hạng” là đang… “dẫn đầu” về hành chính hóa. Anh Trương Quốc Năm, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho rằng: “Nhiều khi anh em ở cơ sở còn chuộng hành chính lắm, đơn giản như việc báo cáo những hoạt động trong tuần, trong tháng, phía cơ sở chỉ cần báo cáo ngắn gọn, mấy việc thì ghi ra, nhưng hầu như các đơn vị đều báo cáo rất hoành tráng tới cả chục trang, vậy mà nhiều khi đọc chẳng nắm bắt được gì”.
 

 

Quá nặng chuyện báo cáo, văn bản, giấy tờ là một trong những nguyên nhân hạn chế sự sáng tạo của cán bộ đoàn, hội.

 

 

Đó là chuyện “hành chính” ở cơ sở. Còn từ Trung ương thì sao? Bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tỉnh, kể: “Mới đây, trong thực hiện các phong trào thi đua chào mừng thành công Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc, Trung ương Hội giao cho Tỉnh hội vận động cất 34 căn nhà tình thương trị giá mỗi căn 20 triệu đồng, trao 100 suất học bổng, mỗi suất 2 triệu đồng tại tỉnh, nhưng bắt phải nộp tiền vào tài khoản của Trung ương Hội, để sau khi kiểm tra sẽ phân bổ lại. Rõ ràng là “hành” nhau, bày biện thêm thủ tục. Trong khi nhiều mạnh thường quân người ta cam kết sẽ trực tiếp đi xây dựng nhà và tự quản lý kinh phí”.

 

Có thông tin cho biết, mỗi năm, Hội liên hiệp Phụ nữ cấp huyện phải nộp về Tỉnh hội 70 báo cáo, tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hồng Khoa, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vị Thủy, thì chỉ có khoảng 40-50 báo cáo. Bà Khoa cho rằng, nhiều khi bà có cảm tưởng cán bộ hội bây giờ chỉ là người đọc và viết báo cáo.

 

* Không có báo cáo chuyên đề sẽ trừ điểm thi đua

 

“1 báo cáo, 1 nội dung nhưng phải gửi nhiều ban của Tỉnh đoàn. Văn phòng thì gửi qua email, còn các ban còn lại phải in ra và đưa tận tay. Hóa ra, chẳng tiết kiệm được kinh phí, rườm rà và biểu hiện của hành chính, giấy tờ”- anh Võ Quốc Thái, Phó Bí thư Đoàn Khối các cơ quan tỉnh, nói.

 

Thị đoàn Ngã Bảy đưa ra một con số khá “khủng”, đó là một năm phải chuyển lên Tỉnh đoàn khoảng 400 văn bản như báo cáo, kế hoạch, báo cáo chuyên đề, công văn… Còn cấp xã đoàn, đoàn phường thì báo cáo lên Thị đoàn khoảng 160 loại văn bản, báo cáo. Anh Trương Quốc Năm cho biết, mỗi năm cấp huyện, thị, thành đoàn gửi lên Tỉnh đoàn hàng trăm văn bản, giấy tờ là có, nhưng thực tế Đoàn thanh niên có quá nhiều hoạt động và hoạt động nào cũng cần báo cáo cụ thể, chi tiết…

 

Thực tế quá “nặng” về báo cáo, văn bản trong hội, đoàn thể đã làm hạn chế sự năng động, sáng tạo để tạo ra những phong trào đột phá. Hiện nay, các cấp bộ đoàn đang khá bức xúc về chuyện phải có báo cáo chuyên đề cho các hoạt động. Anh Võ Quốc Thái cho rằng: “Những hoạt động đều có báo cáo khá cụ thể hàng tuần và nhất là trong báo cáo tháng nêu đầy đủ, nhưng bắt buộc phải có báo cáo chuyên đề, nếu không có báo cáo này thì cuối năm sẽ bị trừ điểm thi đua”. Anh Thái cho biết, trước đây, Đoàn khối tổ chức Tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, có đại diện Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tham dự. Cuối năm, Tỉnh đoàn cũng đánh giá cao hoạt động này, các báo cáo tuần, tháng đều nêu rõ nhưng không làm báo cáo chuyên đề riêng, nên đã không được công nhận và bị trừ điểm thi đua.

 

Cuối năm 2011, Thành đoàn Vị Thanh đã “bưng” ra tới… 4 thùng chứa hàng trăm báo cáo chuyên đề để chứng minh cho những hoạt động đã thực hiện trong năm.

 

* Khắc phục ?

 

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, để khắc phục tình trạng hành chính hóa thì một mình Hội Phụ nữ hay Đoàn thanh niên không làm được. Trình độ cán bộ hội cũng chính là nguyên nhân khiến tình trạng hành chính hóa trở thành căn bệnh. Phía Hội Phụ nữ trong năm 2012 có đề ra một giải pháp hay là sẽ tăng điểm thưởng và điểm thi đua đối với những hoạt động mang tính đột phá, có thể chiếm 30% tổng số điểm, nhằm giúp các cấp hội thay đổi tư duy và cách làm. Còn Đoàn thanh niên thì áp dụng hoạt động thông tin nhanh đối với những vấn đề nhỏ và khuyến khích liên hệ qua email, chứ không phải vấn đề gì cũng phải ra văn bản, công văn.

 

Hy vọng với những cách làm đó, căn bệnh hành chính, giấy tờ trong đoàn thể dần được “chữa trị”.

Bài, ảnh: CHÍ NGUYỆN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>