Thi đua để phát triển

12/06/2014 | 04:48 GMT+7

Những hoạt động thi đua diễn ra sôi nổi trên địa bàn tỉnh đã tạo nhiều điểm nhấn trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng ở các địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó những “khoảng lặng” trong công tác thi đua - khen thưởng...

 

Lan tỏa phong trào thi đua

 

Mỗi năm, phong trào thi đua được thay đổi, làm mới để phù hợp với tình hình phát triển. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, Hậu Giang đã có những phong trào thi đua đặc trưng, mang dấu ấn của tỉnh. Trong đó, có thể kể đến phong trào điển hình như thi đua phát triển giao thông nông thôn - thủy lợi và trồng cây năm 2013; thi đua trong chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số; xây dựng nông thôn mới; giáo dục và đào tạo; công thương… nếu kể ra phải có đến cả trăm phong trào từ tỉnh đến cơ sở, thậm chí các ấp vẫn có thể đề ra những phong trào thi đua.

 

Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Minh Chắc (thứ 5 từ trái sang) trao bằng khen cho các cá nhân xuất sắc trong Hội nghị Tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2013. Ảnh: H.NGUYÊN.

 


Huyện Châu Thành A là một trong những đơn vị phát động tốt phong trào thi đua, nhiều mô hình hay đã xuất hiện mang đậm dấu ấn của người dân, như mô hình “Nhân dân đầu tư 100% kinh phí xây dựng thủy lợi khép kín đạt chuẩn nông thôn mới”; “Nhân dân đầu tư 100% kinh phí xây dựng cầu bê tông theo chuẩn nông thôn mới” và mô hình “Nhân dân đầu tư 100% kinh phí xây dựng lộ giao thông nông thôn đạt chuẩn nông thôn mới”…

 

Ông Hồ Hoàng Ưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, cho biết: “So với các năm trước thì năm nay kinh phí đầu tư để thực hiện chiến dịch rất ít, chủ yếu là xã hội hóa”.

 

Gần 40 năm sinh sống tại ấp 1B, thị trấn Một Ngàn, nhưng chỉ mới 2 tháng nay gia đình ông Bùi Văn Tư mới được đi lại trên con đường bê tông sạch đẹp. Đây là tuyến đường đầu tiên trên địa bàn được đầu tư hoàn toàn nhờ vào kinh phí nhân dân đóng góp, tổng kinh phí thực hiện trên 4,6 tỉ đồng. Ông Tư chia sẻ: “Tuyến đường này hoàn thành, dân ở đây mừng lắm. Người dân nơi đây thì tự nguyện hiến đất, hoa màu để đổi đường giao thông. Nguyên tuyến đường dài hơn 1,3km với bề mặt lộ 4,5m cơ bản hoàn thành trong vòng khoảng 4 tháng”.

 

Đầu năm đến nay, huyện Châu Thành A đã thực hiện 54 tuyến đường giao thông nông thôn, trong đó có 23 tuyến đường bê tông làm mới, tổng kinh phí thực hiện các công trình gần 28 tỉ đồng, dân đóng góp trên 12,5 tỉ đồng. Ngoài ra, còn làm mới 14 cầu bê tông, sửa chữa, duy tu 21 cầu, tổng kinh phí thực hiện trên 6,1 tỉ đồng, dân đóng góp trên 1,7 tỉ đồng. Huyện cũng đã trồng được 8.756 cây xanh, kinh phí trên 149 triệu đồng do dân đóng góp.

 

Nhìn lại năm 2013, tuy được đánh giá là năm khó khăn nhất từ trước đến nay, nhưng với quyết tâm chính trị và ý chí tiến công, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, UBND tỉnh đã đề ra 20 chỉ tiêu (tăng 1 chỉ tiêu so với năm 2012) và 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp (tăng 1 nhóm so với năm 2012). Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị và toàn dân thông qua các phong trào thi đua yêu nước, đã có 18 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt. Tuy chưa thật sự xuất sắc, nhưng với tình hình khó khăn chung, kết quả này được đánh giá là vượt trội so với những tỉnh, thành khác của Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Và những “khoảng lặng”...

 

Năm 2013, nhiều địa phương trong cụm thi đua các huyện, thị, thành phố lên tiếng phàn nàn về chất lượng các hợp tác xã (HTX) được thành lập mới. Công bố thành lập nhiều, nhưng có HTX không có con dấu, sổ sách không đầy đủ, điều quan trọng là vốn điều lệ rất ít. Theo nguồn tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, có những HTX có vốn điều lệ chỉ từ 4-7 triệu đồng, trong khi những HTX khác nguồn vốn hàng trăm triệu đồng còn không trụ nổi… Tình trạng HTX hoạt động ì ạch, khiến dư luận cho rằng việc thành lập HTX chỉ để cộng điểm thi đua cho xong (hiện nay việc thành lập HTX do UBND cấp huyện chịu trách nhiệm ra quyết định).

 

Hơn 10 năm qua, HTX Thành Đạt, ở ấp 8, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, vẫn duy trì hoạt động, tuy nhiên xét về chất lượng thì vẫn chưa đạt hiệu quả cao so với những HTX khác trên địa bàn xã. HTX hoạt động trong lĩnh vực bơm tưới, phục vụ cho khoảng 150ha lúa của ấp. Tổng vốn điều lệ của HTX này trên 100 triệu đồng, tuy nhiên hiện nay nguồn vốn này vẫn còn trong dân chiếm gần 50%. Theo ông Nguyễn Anh Hốt, Chủ nhiệm HTX Thành Đạt, bơm tưới là dịch vụ duy nhất duy trì hoạt động của HTX. Khó khăn của HTX là thu hồi chi phí phục vụ bơm nước cho dân. Số tiền dân nợ HTX lên đến trên 50 triệu đồng, việc thu hồi gặp khó do có nhiều hộ nợ HTX từ 2-3 năm nay. Những năm trước hoạt động của HTX cũng không đạt hiệu quả cao. Trung bình mỗi vụ lúa, mỗi thành viên HTX được giao khoán thu nhập từ 1-1,2 triệu đồng/vụ (từ 3-4 tháng).

 

Các địa phương “đau đầu” để tìm được những phong trào mang tính đột phá, lạ và mới, để được cộng điểm thưởng cuối năm khi tổng kết phong trào thi đua, nhưng đa số lại không thể hoặc khó nhân rộng những phong trào này, chính điều này khiến Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Chánh băn khoăn về những hạn chế của công tác xây dựng gương điển hình tiên tiến và nhân rộng các mô hình, vì lĩnh vực này chưa có nhiều kết quả nổi bật. “Phải xây dựng được các phong trào thi đua thiết thực và bền vững. Sau mỗi phong trào thi đua, phải có khen thưởng, nhưng điều đó không phải là tất cả, mà quan trọng nhất là phải có những điển hình tiên tiến, những mô hình để nhân rộng…”- ông Trần Công Chánh lưu ý.

 

Theo ông Nguyễn Minh Trí, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, thì nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là xuất phát từ công tác tuyên truyền chưa được thường xuyên, liên tục, khen thưởng chưa kịp thời đối với những cá nhân, tập thể có thành tích theo chuyên đề hoặc đột xuất. Ngoài ra, những cán bộ chuyên trách làm công tác này ở địa phương liên tục thay đổi, nên chưa nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ, từ đó ảnh hưởng đến các phong trào thi đua…

 

Năm 2014, hứa hẹn sẽ mang đến những phong trào thi đua sôi nổi, các sở, ban, ngành tỉnh sẽ nỗ lực nhiều hơn để phù hợp với những tiêu chí thi đua trong tình hình mới, khi các bộ, ngành Trung ương sẽ tiếp tục chấm điểm thi đua theo ngành dọc để đánh giá và số điểm này được tính trong thi đua hàng năm của tỉnh. Năm nay, sẽ có 6 nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện trong các phong trào thi đua để hoàn thành mục tiêu: “Duy trì tốc độ, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; tập trung nâng chất hoạt động hệ thống y tế; trọng tâm là tuyến y tế cơ sở; tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đảm bảo quốc phòng, an ninh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh”…
 

Hơn 3.900 cá nhân, tập thể được khen thưởng

(HG) - 5 tháng đầu năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký 145 quyết định tặng 1.575 bằng khen cho các tập thể, cá nhân; tặng 55 cờ thi đua, công nhận 237 tập thể lao động xuất sắc có thành tích tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước. Các huyện, thị, thành phố đã khen thưởng cho 374 tập thể, 1.680 cá nhân có thành tích cao trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương..

 

K.L

 

MỸ AN - HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>