Thảo luận và giải trình nhiều vấn đề kinh tế - xã hội

06/12/2020 | 12:02 GMT+7

Cuối tuần qua, tại phiên thảo luận và giải trình (phiên họp thứ ba) tại Kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh khóa IX diễn ra chất lượng, dân chủ và sôi nổi.

Trong đó, nhiều vấn đề khó khăn, bức xúc trên các lĩnh vực đã được đại biểu thẳng thắn nêu ra; phần giải trình của các sở, ban, ngành ngắn gọn, súc tích, đi vào trọng tâm, trọng điểm. Thông qua hoạt động thảo luận và giải trình đã mổ xẻ được nhiều vấn đề khó khăn, hạn chế mà tỉnh gặp phải hiện nay, đặc biệt là đưa ra những biện pháp để tháo gỡ, giúp việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thời gian tới đạt kết quả cao hơn.

Đại biểu nêu ý kiến thảo luận.

Tổng đàn heo năm 2021 dự kiến khoảng 300.000 con

Nêu vấn đề về dịch tả heo châu Phi gây ảnh hưởng rất lớn đến tổng đàn heo của tỉnh, bà Huỳnh Thị Ngọc Hường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ tổng thiệt hại do dịch tả heo gây ra ở Hậu Giang, nhất là giải pháp tái đàn vào năm sau.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin, trong đợt dịch vừa qua, toàn tỉnh xảy ra 2.686 ổ dịch ở 463 ấp, khu vực; tiêu hủy trên 55.000 con heo. Tổng tiền chi hỗ trợ cho dịch là 116 tỉ đồng, trong đó hỗ trợ cho người dân là 96 tỉ đồng, chi phòng dịch gần 20 tỉ đồng. Tới thời điểm này đã hoàn thành việc chi hỗ trợ cho 2.886 hộ, còn 2 hộ, 1 tổ chức chưa hỗ trợ do các ổ dịch xảy ra trong năm 2020 ở xã Phương Phú và xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp.

Năm nay, dịch tả heo châu Phi tiếp tục diễn biến gay gắt, có 50 tỉnh, thành xảy ra dịch; ở ĐBSCL, tỉnh Trà Vinh và tỉnh Đồng Tháp có ổ dịch chưa qua 21 ngày, nguy cơ tiếp tục xảy ra. Do đó, ngành chức năng tỉnh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ triển khai tiêm phòng chống dịch 2 lần trong năm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện tỉnh có hơn 118.654 con, đạt 78,3% so với năm trước. Qua thống kế, số lượng heo bố, mẹ trên địa bàn tỉnh còn cao, dự kiến tái đàn trong năm tới khoảng 300.000 con, cao hơn tổng đàn trước khi xảy ra dịch.

Dân khổ vì trại heo gây ô nhiễm

Phát biểu thảo luận, Bí thư Huyện ủy Vị Thủy Nguyễn Văn Vui cho biết, cử tri xã Vị Thắng và thị trấn Nàng Mau rất bức xúc tình trạng Trung tâm Giống nông nghiệp cho thuê nuôi heo làm phát tán mùi hôi, đồng thời đề nghị Sở Tài Nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh sớm giải quyết tình trạng này.

Ông Lê Quốc Việt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, xác nhận bà con phản ánh là có. Theo ông Việt, hiện một công ty đã thuê nơi đây để chăn nuôi hơn 1.200 con heo, tuy nhiên, công trình hầm ủ biogas và xử lý nước thải đã xuống cấp không đảm bảo vệ sinh môi trường nên phát sinh mùi hôi.

“Các ngành đã kiểm tra và thống nhất sẽ có báo cáo với UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương thực hiện các biện pháp cải tạo hệ thống thu gom, xử lý nước thải, bảo đảm vận hành ổn định, xử lý toàn bộ nước thải phát sinh. Chỉ được tái đàn sau khi báo cáo đánh giá tác động đánh giá môi trường được phê duyệt. Sở sẽ tiếp tục kiểm tra, theo dõi, đôn đốc và có báo cáo với UBND tỉnh”, ông Lê Quốc Việt giải trình thêm.

Cần giáo dục con em tránh xa ma túy

Tệ nạn ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng đến nhiều mặt của xã hội, khiến cuộc sống của người dân bất an. Vì vậy, đại biểu và cử tri rất muốn biết tệ nạn này diễn biến ra sao và đâu là biện pháp căn cơ để ngăn chặn, kéo giảm.

Trả lời vấn đề này, thượng tá Huỳnh Việt Hòa, Giám đốc Công an tỉnh, thông tin, toàn tỉnh có 1.532 người nghiện ma túy, tăng 14,6% so với năm 2019; 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn đều có người nghiện. Về cơ cấu độ tuổi người nghiện, từ 18 đến 30 tuổi chiếm 66%, trên 30 tuổi chiếm 32,3%, còn lại là dưới 18 tuổi; về giới tính, có 96,2% người nghiện là nam, còn lại là nữ.

Trong năm nay, lực lượng công an đã triệt xóa 51 vụ, bắt hơn 71 đối tượng phạm tội về ma túy. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh còn 24 điểm có hoạt động tội phạm về ma túy. Các lực lượng của công an toàn tỉnh đã nắm được, khi nào điều kiện thuận lợi sẽ tiến hành triệt xóa.

Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh để giảm tình trạng tội phạm về ma túy và số người sử dụng ma túy thì không phải trách nhiệm riêng của lực lượng công an mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó gia đình là nòng cốt.

“Làm sao giáo dục con em để chúng thấy được tác hại của ma túy để không sử dụng, đó mới chính là giải pháp căn cơ. Bên cạnh đó, khi chúng ta tiếp xúc với người nghiện thì không nên kỳ thị mà hãy xem họ như là một nạn nhân của tệ nạn ma túy, để cho những người lầm lỡ thấy được họ còn giá trị đối với xã hội, từ đó có ý thức từ bỏ, trở thành người có ích cho xã hội”, thượng tá Huỳnh Việt Hòa nói.

Ông Lê Quốc Việt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, giải trình các vấn đề đại biểu đặt ra.

Vì sao có tình trạng “chảy máu” chất xám ở lĩnh vực y tế ?

Phát biểu thảo luận đối với các vấn đề liên quan đến ngành y tế, đại biểu đề nghị cho biết việc thực hiện chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên đại học y - dược, giai đoạn 2015-2020 hiệu quả ra sao, khó khăn gặp phải; đồng thời muốn biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng không ít bác sĩ tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác, gây ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh cho người dân và các giải pháp cho vấn đề này.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết, từ năm 2014 đến năm 2019, tỉnh có 183 sinh viên y - dược được cử đi đào tạo. Tổng chi phí đào tạo hơn 8,5 tỉ đồng. Đến nay, nhiều sinh viên đã ra trường, tuy nhiên chỉ có 79 bác sĩ, 24 dược sĩ về làm việc tại địa phương, số còn lại thì không quay về công tác tại tỉnh. Bên cạnh đó, có 12 bác sĩ, 2 sinh viên nhận việc tại tỉnh nhưng xin chuyển công tác và chấp nhận bồi hoàn hợp đồng cho tỉnh.

Đối với tình trạng bác sĩ xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, 5 năm qua, tỉnh có 53 bác sĩ bỏ việc. Riêng từ đầu năm đến nay có 5 bác sĩ nghỉ việc. Nguyên nhân được xác định là do chế độ lương bác sĩ mới ra trường quá thấp so với mức lương ở các phòng khám, bệnh viện tư, do đó khó giữ chân bác sĩ.

“Ngành y tế đã giao 2 đơn vị là Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy thực hiện tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tài chính và biên chế. Đây là một trong những giải pháp nhằm thu hút nguồn nhân lực y tế về công tác tại tỉnh”, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm.

Ngoài các vấn đề trên, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh còn giải trình các vấn đề khác do đại biểu đặt ra như: công tác tham mưu UBND tỉnh quản lý về các dự án năng lượng và tình hình người dân đầu tư lắp đặt pin mặt trời áp mái; việc thực hiện Đề án đưa công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh công an xã; công tác tham mưu UBND tỉnh trong xét thăng hạng, tuyển giáo viên các cấp đáp ứng nhu cầu dạy và học hiện nay; đánh giá chất lượng sách giáo khoa lớp 1 hiện nay, những phản hồi của học sinh, giáo viên, phụ huynh về bộ sách này; về du lịch, hoạt động của dịch vụ karaoke, nhạc sóng, thùng loa kẹo kéo gây tiếng ồn ở khu dân cư, gây mất trật tự công cộng…

Nhìn chung, đại biểu và cử tri khá hài lòng với phần thảo luận, giải trình làm rõ đối với các vấn đề kinh tế - xã hội được quan tâm, nhất là những giải pháp đã được đề ra để giải quyết, khắc phục những khó khăn, hạn chế còn tồn tại. Điều mà đại biểu và cử tri mong muốn là những giải pháp ấy sớm được triển khai thực hiện hiệu quả.

Phát triển nguồn nhân lực phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh

Phát biểu giải trình đối với những vấn đề do cử tri ý kiến, kiến nghị, ông Đồng Văn Thanh (ảnh), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, nhờ Dự án Nâng cấp 6 trục đường nội ô thành phố Vị Thanh và cải tạo hệ thống thoát nước các tuyến đường trong khu vực Khu hành chính UBND tỉnh đã giúp cho tình trạng ngập nước trong nội ô thành phố Vị Thanh đã được giải quyết triệt để, không còn tình trạng ngập nước và kéo dài như trước đây. Để hạn chế tình trạng ngập nước, thời gian tới, thành phố Vị Thanh cần chủ động phối hợp các ngành hàng năm tiến hành cải tạo, vệ sinh hệ thống đường cống thoát nước để khơi thông dòng chảy; cải tạo hệ thống kênh mương để góp phần giảm tải lượng nước mặt thoát vào hệ thống cống của các tuyến đường đô thị.

Về các giải pháp thực hiện Đề án xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2025, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết sẽ tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương cần chuyển đổi nhận thức về chính quyền điện tử, đô thị thông minh; phát triển nguồn nhân lực phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; tăng cường hợp tác, trao đổi và chuyển giao công nghệ để phục vụ xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh một cách bền vững; tập trung huy động các nguồn lực (bao gồm nguồn lực công và nguồn lực tư) để duy trì, phát triển chính quyền điện tử và đô thị thông minh…

 

Bài, ảnh: T.SƠN - MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>